Tranh giải Bông Sen Vàng, Đất rừng phương Nam có đang coi thường dư luận?

Giữa những ồn ào tranh cãi về yếu tố “lật sử”, các thuyết âm mưu… bủa vây, phim Đất rừng phương Nam vẫn tham gia tranh giải Bông sen Vàng tại LHP Việt Nam 2023, hành động khiến một bộ phận công chúng cho rằng, nhà làm phim là đang coi thường đánh giá của dư luận.
ao-ba-ba-hiem-hoi-lai-thuoc-ve-nhan-vat-phan-dien-1698737359.jpg
Áo bà ba hiếm hoi trong phim, nhưng lại thuộc về nhân vật phản diện, người sẵn sàng cầm súng bắn đồng bào mình. Ảnh: Cáp Vương

“Lật sử” nhưng vẫn muốn công nhận “giàu bản sắc dân tộc”?

Tưởng chừng những ồn ào xoay quanh bộ phim Đất rừng phương Nam đã hạ nhiệt, ấy vậy mà mới đây thông tin phim “bất chấp” bão scandal tham gia tranh giải Bông sen Vàng từ Cục Điện ảnh khiến khán giả lại một phen dậy sóng. 

Ngay những ngày đầu ra rạp, Đất rừng phương Nam đã nhận không ít “gạch đá” về nội dung lẫn bối cảnh. Phim được cho là “bỏ ruột lấy vỏ” một tiểu thuyết lịch sử của nhà văn Đoàn Giỏi để dựng nên phim chiếu rạp mang tính giải trí, lợi dụng yếu tố hư cấu xuyên tạc lịch sử. Từ trang phục nhân vật, bối cảnh khu chợ nổi đậm chất “Tàu” đến việc nâng cao vai trò của Thiên Địa hội, Nghĩa Hòa đoàn đều khiến khán giả liên tưởng đến yếu tố “lật sử” trong phim. Nhiều người sau khi xem xong còn bày tỏ mong muốn phim nên bị “cấm chiếu” vì quá bức xúc. 

Các nhà phê bình, lý luận điện ảnh cũng cho rằng họ không chấp nhận được những gì liên quan đến lịch sử mà đạo diễn phim này gọi là hư cấu. PGS.TS. Nhà văn Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương từng phát biểu: “Lịch sử phải được tôn trọng, phải thể hiện như đã xảy ra, và chúng ta không được phép “bài” ai, bênh ai”.

Trước đó, phim còn được phỏng đoán là lợi dụng yếu tố “Tàu” để có những bước tiến xa hơn trong thế giới điện ảnh. Lần này, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức họp báo thông tin về Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 (30/10) xuất hiện cái tên Đất rừng phương Nam thì khán giả như “ngã ngửa”. Phải chăng đây là động thái manh nha của đoàn phim, muốn vượt chướng ngại đầu tiên ở nước nhà? 

Điều đáng nói, Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 23 được tổ chức với chủ đề “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”. Ở Đất rừng phương Nam, yếu tố “hiện đại” thì có nhưng “giàu bản sắc dân tộc và nhân văn” thì không chắc. Lẽ nào những chiếc áo “Tàu”, những chiếc nón tre Trung Quốc, hình ảnh chợ nổi mang máng Thái Lan hay hoạt động của những băng nhóm xã hội đen núp sau những “hội kín” kia là “giàu bản sắc dân tộc” hay sao?...

TS. Lê Thị Bích Hồng, Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Văn nghệ - Ban Tuyên giáo Trung ương nhận định, tính dân tộc trong tác phẩm điện ảnh Việt Nam thể hiện ở nhiều khía cạnh, nhưng tập trung rõ nhất ở 3 điểm tư tưởng, tâm hồn và những nét sinh hoạt của một dân tộc. 

Nói như vậy, Đất rừng phương Nam “chệch đường ray” lịch sử liệu có đồng nghĩa với việc đang kéo, đang xây dựng những sai lệch về tư tưởng, tâm hồn người xem? Không những thế, trả lời báo giới về những tranh cãi của bộ phim, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng còn cho rằng: “Phim truyện, điện ảnh không đại diện cho lịch sử mà là sản phẩm thể hiện góc nhìn của nhà làm phim”. Vậy thì động lực nào đã khiến nhà làm phim tham gia tranh giải với chủ đề “giàu bản sắc dân tộc” năm nay? Lẽ nào từng ấy yếu tố “lật sử” mà phim vẫn đủ can đảm đạp lên dư luận để mong muốn được công nhận là “giàu bản sắc”?!

Nếu đến hiện tại, vẫn chống chế bằng hai từ “hư cấu”, thì có lẽ nhà làm phim chưa đọc qua Hồi ký điện ảnh “Phim là đời” của NSND Đặng Nhật Minh. Một tác phẩm mà ở đó ta thấy rõ bức tranh chung của điện ảnh Việt Nam một thời đại... Có những tị hiềm này, động cơ cá nhân nọ, nhưng vượt lên tất cả là tình yêu nhân dân, đất nước và lòng say mê nghệ thuật điện ảnh, khát khao cống hiến của những người nghệ sĩ chân chính chứ không vin vào sự hư cấu nào mà làm sai lệch lịch sử. 

Đất rừng phương Nam có sự đầu tư kỹ thuật nhiều, tài chính nhiều, doanh thu cũng “bộn”. Phim thu về hơn 12,5 tỷ đồng cuối tuần qua, nâng tổng doanh thu lên hơn 123 tỷ đồng sau thời gian ngắn chiếu rạp. Cùng với doanh thu, tranh biện về nội dung phim cũng tăng theo cấp số nhân, ở mức “phẫn nộ” không hề thấp, đặc biệt là khi nhà làm phim tự tin ghi danh tranh giải lần này.

Bông sen Vàng là một trong những giải thưởng vô cùng danh giá của điện ảnh nước nhà. Các tác phẩm dự thi không chỉ thể hiện được sự đầu tư, tâm huyết về mặt kỹ thuật mà còn là sản phẩm mang lại câu chuyện ý nghĩa sâu sắc, nhân văn. Nhìn vào thực tế, nhiều khán giả tự tâm đã có câu trả lời cho câu hỏi: Có xứng đáng hay không khi Đất rừng phương Nam tranh giải Bông sen Vàng?

Khán giả bỏ tiền nhưng… nói không ai nghe?

Tham vọng của nhà làm phim Đất rừng phương Nam đã dần lộ rõ, tỷ lệ thuận với nỗi bức xúc của người xem. Nỗi thất vọng về phim trong lòng nhiều khán giả càng lên đỉnh điểm, khôn nguôi; bởi có lẽ, trường hợp lỡ phim đoạt được giải thưởng thì khán giả có không phục “cũng chỉ biết đứng nhìn”. Phải chăng làn sóng phản đối có lớn đến đâu cũng chỉ là những tiếng kêu phản kháng yếu ớt, nghỉm chìm?

dan-dien-vien-trong-phim-dat-rung-phuong-nam-1698737195.jpg
Dàn diễn viên trong phim Đất rừng phương Nam (Galaxy).

Tại họp báo LHP lần thứ 23, khi được hỏi có nhiều ý kiến trái chiều về phim Đất rừng phương Nam, điều này ảnh hưởng như thế nào đến kết quả chấm và việc tranh giải của phim, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Trưởng Ban Tổ chức LHP trả lời: “Giải thưởng của LHP sẽ căn cứ vào kết quả, đánh giá của Hội đồng, của Ban giám khảo. Còn ý kiến của dư luận, của khán giả sẽ được thể hiện ở giải thưởng do khán giả bầu chọn cho phim mình yêu thích nhất”.

Dẫu biết rằng, giải thưởng nào cũng cần có sự đánh giá của những người có chuyên môn cao. Tuy nhiên, bất cứ một giải thưởng nào, trao cho một tác phẩm nghệ thuật hay một công trình khoa học nào đều cần đảm bảo tính phục vụ. Ở đây là phục vụ nhân dân, phục vụ con người. Phim ảnh cũng vậy, nên lấy người dân là trung tâm để phục vụ. 

Tại hội thảo “Nâng cao chất lượng phim Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế” năm 2019, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhận định, phim ảnh không chỉ để giải trí mà còn là vấn đề văn hóa. Ông Đông cho rằng chỉ khi có bản sắc văn hóa, phim nội mới có thể hội nhập và vươn ra quốc tế. Vậy thì lần này, nếu công tâm trong đánh giá và thẩm định mà thiếu sự lắng nghe khán giả, liệu rằng phim Đất rừng phương Nam có thật sự đáp ứng được các tiêu chí để đoạt giải? 

Một phim điện ảnh muốn ra mắt thị trường cần rất nhiều thời gian và công sức, và đích đến cuối cùng không ngoài chạm đến trái tim khán giả. Một phim dù được đầu tư tiền tấn với quy mô lớn đến đâu nhưng khi ra mắt mà không được sự đón nhận của khán giả thì đó là chưa thành công. Khán giả chính là người thẩm định, người bỏ tiền túi để tăng doanh thu cho phim, họ đồng thời cũng chính là người quyết định sự sống còn cho phim. Xét về giá trị, nhà làm phim là kinh doanh kiếm lời, khán giả bỏ tiền ra xem để đổi lại được giá trị từ phim. Đó là ngang giá!

Vậy mà không ít khán giả mua vé xem Đất rừng phương Nam lại bị cho là “vùi dập, thóa mạ, triệt tiêu” chỉ vì dám nhận xét, bình phẩm phim (trong bài đăng trên trang cá nhân đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ngày 26/10). Hay trong show Nhà có khách, đạo diễn này cũng khẳng định những người nhận xét trái chiều là “tiêu cực”, “có rất nhiều người hơi bị dẫn dắt, vì chưa xem phim nên mới có nhận xét như vậy…”. Đáp lại lời đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhiều khán giả phản kháng rằng bản thân họ không bị thành phần kích động nào dẫn dắt mà đã bị chính nhà làm phim “dắt” đi xem phim vô bổ. 

Quả thật, dù tiếng nói của khán giả có hay không mấy tác dụng lay động kết quả LHP, thì mỗi nhà làm phim cũng nên biết “sợ” những đánh giá như “sai lệch lịch sử”, “không đúng văn hóa”… Trường hợp Đất rừng phương Nam, đánh giá có công tâm, xác thực hay không thì còn chờ vào kết quả cuối cùng. Nếu kết quả giải thưởng không thật sự hợp lý, có lẽ lần này, niềm tin vào phim Việt, vào nhà thẩm định Việt, đối với người dân cũng khó mà còn.

Làm phim ở Việt Nam, chiếu cho người Việt xem, lại là dòng phim mượn lịch sử dân tộc; hơn ai hết Đất rừng phương Nam phải tôn trọng lịch sử, văn hóa bản địa. Bởi đối với người dân Việt Nam, văn hóa, lịch sử là xương là máu, là chí hướng cha ông. Khán giả không là người trực tiếp xây dựng phim nhưng là những người trực tiếp quyết định sự sống còn của bộ phim. Vì vậy hãy tôn trọng khán giả, tôn trọng lịch sử, và trên hết hãy biết tự trọng, hỡi Đất rừng phương Nam!

Cáp Vương – Lệ Thành