Trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất Đài Loan tạo ra nguồn điện đầu tiên

Một trang trại điện gió ngoài khơi quy mô lớn ở vùng biển Đài Loan đã sản xuất nguồn điện đầu tiên. Những người tham gia dự án đã mô tả đây là một "cột mốc quan trọng".
ezgifcom-gif-maker-4-1650614947.jpg
Một tuabin gió ngoài khơi ở vùng biển ngoài khơi Đài Loan (Ảnh: Getty Images)

Trong một tuyên bố gần đây, Công ty năng lượng Orsted (Đan Mạch) cho biết, nguồn điện đầu tiên tại cơ sở Greater Changhua 1&2a đã được sản xuất đúng tiến độ sau khi lắp đặt bộ tua-bin gió. Công ty cho biết, điện đã được "chuyển đến các trạm biến áp trên bờ của Orsted thông qua cáp mảng, trạm biến áp ngoài khơi và cáp xuất khẩu. Năng lượng tái tạo được đưa vào lưới điện quốc gia thông qua trạm biến áp của Taipower." Taipower là một công ty thuộc sở hữu của nhà nước.

Nằm ngoài khơi bờ biển phía Tây của Đài Loan từ 35 đến 60km, quy mô của Changhua 1&2a là đáng kể, Công ty năng lượng Orsted mô tả nhà máy này là "trang trại điện gió ngoài khơi lớn nhất Đài Loan".

Trang trại này sẽ có công suất khoảng 900 megawatt và sử dụng 111 tua-bin từ Siemens Gamesa Renewable Energy. Công suất ở đây đề cập đến lượng điện tối đa mà các thiết bị lắp đặt có thể tạo ra, không phải là những gì chúng nhất thiết phải tạo ra. Dự án được hy vọng sẽ hoàn thành trong năm nay. Theo Orsted, cơ sở này sẽ tạo ra đủ điện để đáp ứng nhu cầu của 1 triệu hộ gia đình ở Đài Loan.

Christy Wang, tổng giám đốc của Orsted Đài Loan, cho biết: "Việc cung cấp nguồn điện đầu tiên theo đúng kế hoạch là một cột mốc quan trọng đối với cả Orsted và Đài Loan. Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt là với những thách thức của đại dịch Covid-19 trong hai năm qua."

Thông báo mới nhất thể hiện một bước tiến đối với lĩnh vực gió ngoài khơi của Đài Loan nhưng một báo cáo từ Global Wind Energy Council (GWEC) được công bố vào tháng 4, nêu rõ mọi thứ không suôn sẻ tí nào. "Đài Loan lẽ ra phải sản xuất hơn 1 GW (gigawatt) công suất gió ngoài khơi từ ba dự án vào năm ngoái dựa trên kế hoạch COD (ngày vận hành thương mại), nhưng cuối cùng thì chỉ có Changhua 109 MW được đưa vào hoạt động", Báo cáo 2022 của GWEC cho biết. Sự chậm trễ là "chủ yếu do sự cố liên quan đến Covid-19".

Tại châu Á, báo cáo của GWEC xếp hạng Đài Loan chỉ sau Trung Quốc về các dự án lắp đặt gió ngoài khơi được lên kế hoạch trong thời gian gần và trung hạn.

Theo hiệp hội thương mại, Trung Quốc dự kiến sẽ bổ sung thêm 39 gigawatt gió ngoài khơi trong vòng 5 năm tới, trong đó Đài Loan sẽ lắp đặt 6,6 gigawatt. Việt Nam, Hàn Quốc và Nhật Bản lần lượt tăng thêm 2,2, 1,7 và 1 gigawatt.

Bộ Kinh tế Đài Loan cho biết, họ đang nhắm tới mục tiêu sản xuất 20% năng lượng tái tạo vào giữa thập kỷ này, "Mục tiêu lắp đặt quang điện đã được đặt ở mức 20 gigawatt vào năm 2025, trong khi năng lượng gió ngoài khơi dự kiến sẽ vượt quá 5,7 gigawatt". Quang điện mặt trời đề cập đến một cách chuyển đổi trực tiếp ánh sáng mặt trời thành điện năng. Các nhà chức trách ở Đài Loan cũng muốn khí đốt tự nhiên chiếm 50% sản lượng điện vào năm 2025.

Trích dẫn dữ liệu từ Bộ Kinh tế, Cục Ngoại thương Đài Loan cho biết, 44,69% tổng sản lượng điện vào năm 2021 là từ đốt than. Thị phần khí đốt tự nhiên lên tới 36,77%, trong đó hạt nhân chiếm 9,63% và năng lượng tái tạo là 5,94%. Dầu nhiên liệu và thủy điện tích trữ đóng góp là 1,87% và 1,1%./.