Quảng cáo #128

TP.HCM: Triển khai nhiều mô hình TOD dọc Metro và Vành đai 3, tối ưu giao thông công cộng

Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng (TOD) dọc các tuyến metro và Vành đai 3, hướng đến khai thác hiệu quả quỹ đất, chỉnh trang đô thị và giảm ùn tắc giao thông.
465145504-1122725836524777-1193917313676264237-n-1730561867.jpg
TP Hồ Chí Minh triển khai mô hình giao thông công cộng dọc Metro và Vành đai 3. Ảnh minh họa.

Theo kế hoạch vừa được Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Bùi Xuân Cường ký ban hành, TP.HCM sẽ thí điểm mô hình TOD tại 11 vị trí, trong đó 9 vị trí sẽ được triển khai ngay trong năm 2024-2025. Các vị trí này tập trung dọc tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên), metro số 2 (Bến Thành-Tham Lương) và Vành đai 3, thuộc 5 địa phương: Tân Phú, Tân Bình, Quận 10, thành phố Thủ Đức, huyện Hóc Môn.

TOD là mô hình lấy định hướng phát triển hệ thống giao thông công cộng làm cơ sở cho quy hoạch, phát triển đô thị. Nói cách khác, TOD tập trung xây dựng các khu dân cư, dịch vụ, thương mại xung quanh các điểm đầu mối giao thông công cộng như ga metro, bến xe buýt, nhằm tối ưu hóa việc di chuyển và giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông.

TP.HCM đang nghiên cứu và áp dụng 3 mô hình TOD phù hợp với đặc thù của từng khu vực. Mô hình TOD tại vùng lõi nhà ga tập trung phát triển đô thị mật độ cao, sử dụng đất hỗn hợp đa chức năng, thương mại-dịch vụ kết hợp ở. Đi bộ là hình thức đi lại chủ yếu trong khu vực này, giao thông đối ngoại chủ yếu bằng đường sắt đô thị.

Mô hình TOD tại vùng chuyển tiếp nhà ga lại tập trung phát triển đô thị mật độ cao, sử dụng đất hỗn hợp với nhà ở và công trình dịch vụ xã hội. Giao thông nội khu chủ yếu đi bộ và xe đạp, kết nối giao thông với nhà ga bằng xe buýt hoặc xe cá nhân nhẹ. Giao thông đối ngoại vẫn chủ yếu bằng đường sắt đô thị.

Mô hình TOD phụ cận các nút giao Vành đai 3 lại tập trung phát triển đô thị tại vùng phụ cận các nút giao thông đối với các khu vực có kết nối giao thông thuận lợi với đường Vành đai 3 hoặc tuyến nhánh rẽ vành đai. Giao thông nội khu chủ yếu xe đạp, xe điện, trong khi giao thông đối ngoại chủ yếu kết nối đường nhánh và giao thông công cộng.

d14ec3560e0ac6549f1b-9945-1635232776-1730562132.jpg
Triển khai mô hình TOD là bước tiến quan trọng của TP.HCM, hướng đến giải quyết ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh minh họa.

TP.HCM sẽ chia các khu vực TOD thành 2 nhóm: nhóm đầu tư mới gồm các khu vực đất trống, hoặc có dân cư thưa thớt, hoặc có kế hoạch thu hồi đất từ các nhà máy/xí nghiệp… dự kiến di dời; và nhóm cải tạo, chỉnh trang gồm các khu vực đã hình thành dân cư, có điều kiện đô thị xuống cấp, cần cải tạo, chỉnh trang phát triển đô thị. Việc lựa chọn các khu vực TOD dựa trên các tiêu chí ưu tiên như dễ triển khai, sớm thực hiện và hiệu quả cao.

Dự án TOD được chia làm hai giai đoạn thực hiện. Giai đoạn 2024-2025 sẽ tập trung triển khai 9 vị trí TOD tại các khu vực xung quanh các ga metro và Vành đai 3. Giai đoạn 2026-2028 sẽ tiếp tục triển khai 2 vị trí TOD tại xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn và quanh ga Tân Kiên, Bình Chánh. TP.HCM dự kiến sẽ thu hút đầu tư từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước để triển khai các dự án TOD, góp phần tạo nguồn thu cho ngân sách thành phố và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Việc triển khai mô hình TOD là một bước tiến quan trọng của TP.HCM trong việc phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân./.

Lê Thuận - Lê Thu