Tại diễn đàn, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, mục tiêu đề ra là đến 2030 TP.HCM trở thành thành phố dịch vụ công nghiệp hiện đại, là trung tâm kinh tế tài chính của khu vực, trong đó kinh tế số chiếm 40% GRDP. Qua diễn đàn, Thành phố mong muốn được lắng nghe các ý kiến của giới chuyên gia, nhằm tìm kiếm các mô hình thúc đẩy kinh tế số phát triển.
Thời gian vừa qua, TP.HCM là một trong những địa phương chịu tác động nặng nề nhất bởi làn sóng đại dịch COVID-19, kinh tế-xã hội và mọi mặt đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhưng đến quý I/2022, toàn thể bộ máy chính quyền, doanh nghiệp và người dân Thành phố đã nỗ lực vượt qua khó khăn, đưa nền kinh tế phục hồi và từng bước phát triển nhanh hơn, sớm hơn dự kiến, đóng góp tích cực vào đà phục hồi chung của cả nước. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn Thành phố (GRDP) quý I năm nay ước tăng 1,88% so với cùng kỳ, lần đầu đạt mức tăng trưởng dương sau quý III và IV năm ngoái bị giảm sâu. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt hơn 121.000 tỷ đồng, tăng 9,41% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, chuyển đổi số và kinh tế số mới chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn. Do đó, TP.HCM đã đặt ra các mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến năm 2030 đóng góp 40%, trong khi mục tiêu tương ứng của cả nước là 20% và 30%.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: "Chuyển đổi số, xây dựng chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số đã được Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số xác định "là xu thế tất yếu của thế giới, là đòi hỏi khách quan của sự phát triển. Chúng ta không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc".
Phó Thủ tướng tin tưởng, với tinh thần năng động sáng tạo, với tiềm lực vốn có của TP.HCM, Đảng bộ, chính quyền, người dân, doanh nghiệp TP.HCM sẽ thực hiện thành công, trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về phát triển kinh tế số.