Tại hội thảo mới đây, Giám đốc nhà ở CBRE Vietnam thừa nhận, giá nhà phố, biệt thự tại TP.HCM tăng cao đi cùng với nguồn cung ngày càng hạn hẹp. Giá sản phẩm trung bình 200 - 400 triệu đồng/m2, đặc biệt có những căn biệt thự lên đến 700 tỉ đồng/căn, tạo ra mức giá mới trên thị trường BĐS liền thổ TP.HCM.
Mặt khác, giá căn hộ trên thị trường sơ cấp cũng chưa có dấu hiệu "giảm nhiệt". Nếu giai đoạn này có chững lại thì đó cũng là mức giá đã được xác lập mặt bằng mới so với trước đây. Theo báo cáo mới nhất công bố trong tháng 3/2022 của Cushman & Wakefield, mức giá bán căn hộ trung bình tại thị trường TP.HCM đạt 3.300 USD/m2 (tương đương 75,4 triệu đồng), tăng 8% theo quý và tăng 27% theo năm.
Ghi nhận thị trường BĐS TP.HCM 6 tháng đầu năm 2022 cho thấy, 3 trục thị trường BĐS chính của TP.HCM là khu Đông, khu Tây và khu Nam đang diễn biến khá khác biệt nhau. Trong đó, tại khu Đông Sài Gòn, cụ thể tại TP. Thủ Đức, giá căn hộ, theo báo cáo của batdongsan.com.vn cuối năm 2021 trung bình vào khoảng 85,6 triệu mỗi m2. Đơn cử dự án The River Thủ Thiêm gồm 525 căn hộ diện tích từ 54 - 300 m2 chào giá thấp nhất là hơn 82 triệu đồng/m2 và cao nhất là khoảng 180 triệu đồng/m2. Trong khi, tại khu vực phường Thảo Điền, phường An Phú, phường An Khánh mức giá bán cũng đã thiết lập mặt bằng mới. Nếu như trong năm 2021 giá bán cao nhất tại đây khoảng 100 triệu đồng/m2 thì nay bình quân đã trên dưới 120 triệu đồng/m2. Chẳng hạn như dự án Masteri Lumiere Riverside, có mức giá bình quân khoảng trên 120 triệu đồng/m2.
Cụ thể, tại khu Tây vẫn xuất hiện căn hộ mức giá trên dưới 47 triệu đồng/m2 ngay tại đại lộ Võ Văn Kiệt, Q.Bình Tân...Trong khi tại khu Nam, mặt bằng giá nhích hơn khu Tây, các dự án căn hộ hiện đều nằm ở ngưỡng giá 50-60 triệu đồng/m2. Chẳng hạn, tại dự án Flora Panorama trong khu đô thị Mizuki Park 26ha, Bình Chánh, TP.HCM đang chào các căn hộ ven sông có mức giá trên dưới 50 triệu đồng/m2. Hay, dự án The Peak Garden đang còn ngưỡng giá 50 triệu đồng/m2…
So với mức giá của BĐS trung tâm hay khu Đông TP.HCM thì BĐS khu Nam và Tây TP.HCM giá còn "mềm hơn". Trong đó, tính cả TP.HCM thì khu Tây Sài Gòn vẫn được xem là vùng "trũng giá" BĐS. Việc biến động tăng giá của khu vực này ổn định hơn các khu vực khác. Nguồn cung nơi đây cũng đa số đáp ứng nhu cầu ở thực.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, ngoài nguyên nhân nguồn cung khan hiếm khiến giá tăng mạnh, thì việc chủ đầu tư dự án từ trung cấp lên cao cấp cũng khiến giá nhà tăng cao. Thống kê cho thấy, hiện 59% là nhà cao cấp, hạng sang, còn lại là nhà trung cấp, trong khi nhà ở bình dân không có dự án nào được tung ra. Tuy nhiên, điểm mấu chốt là nhà nước cần tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính để tăng nguồn cung cho thị trường BĐS tại TP.HCM "hạ nhiệt" và ổn định...