HoREA kiến nghị bổ sung quy định về “đặt cọc” trong các hợp đồng kinh doanh bất động sản

Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người mua, thuê, thuê mua bất động sản, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) vừa gửi tới Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng những kiến nghị bổ sung về “đặt cọc” trong các hợp đồng kinh doanh bất động sản.

Đặt cọc là một trong những biện pháp đảm bảo dân sự thường xuyên được sử dụng trong các giao dịch hàng ngày. Người ta có thể đặt cọc khi mua một món đồ nào đó, thuê nhà và đặc biệt thường xuyên sử dụng trong mua bán những thứ có giá trị như bất động sản. 

Hiện nay, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không quy định điều chỉnh, quản lý hành vi giao kết “đặt cọc” trong kinh doanh bất động sản, huy động vốn bán bất động sản hình thành trong tương lai xảy ra trước thời điểm ký Hợp đồng kinh doanh bất động sản, mà hành vi “đặt cọc” chỉ được quy định tại khoản 1 Điều 328 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau: Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim loại quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

1-1656061886.jpg
Trong giao dịch bất động sản cần lưu ý, tiền đặt cọc hoàn toàn khác với tiền thanh toán. Chỉ khi biện pháp đặt cọc chấm dứt thì tiền đặt cọc mới được chuyển thành tiền thanh toán.

Mặc dù, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 đã quy định tại Điều 15 “Giá mua bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua bất động sản do các bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng”; tại khoản 1 Điều 16 về “thanh toán trong giao dịch bất động sản” quy định: “Việc thanh toán trong giao dịch bất động sản do các bên thỏa thuận trong hợp đồng và phải tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán” và tại khoản 1 Điều 57 quy định “Việc thanh toán trong mua bán, thuê mua bất động sản hình thành trong tương lai được thực hiện nhiều lần, lần đầu không quá 30% giá trị hợp đồng”, nhưng do Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không quy định về hành vi “đặt cọc”, trong lúc Bộ Luật Dân sự 2015 lại không giới hạn giá trị “đặt cọc” nên đã dẫn đến có trường hợp bên bán, bên huy động vốn đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho khách hàng, nhà đầu tư làm ảnh hưởng xấu đến trật tự, an toàn xã hội.     

Bộ Luật Dân sự 2015 cũng có “bất cập” do đã không quy định trường hợp “đặt cọc” khi thực hiện giao dịch thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật khác thì còn phải áp dụng quy định của pháp luật đó, như nếu Luật Kinh doanh bất động sản 2014 có quy định về “đặt cọc” trong giao dịch bất động sản thì còn phải áp dụng quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản. 

Hiện nay, Điều 6 Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định về “Hợp đồng kinh doanh bất động sản” với Phụ lục kèm theo 8 loại Hợp đồng “mẫu”, nhưng chưa quy định về “đặt cọc” trong các Hợp đồng “mẫu” nên rất cần thiết bổ sung quy định về “đặt cọc”. 

Do đó, HoREA đề nghị bổ sung quy định về “đặt cọc” vào Điều 6 Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định về “Hợp đồng kinh doanh bất động sản” như sau:

“Điều 6. Hợp đồng kinh doanh bất động sản việc bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua, cho thuê lại bất động sản và chuyển nhượng dự án bất động sản phải lập thành hợp đồng theo mẫu quy định dưới đây:

1. Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ chung cư quy định tại Mẫu số 01 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

2. Hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ du lịch, căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú quy định tại Mẫu số 02 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

3. Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở riêng lẻ quy định tại Mẫu số 03 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

4. Hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng khác không thuộc trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này quy định tại Mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

5. Hợp đồng thuê nhà ở, công trình xây dựng quy định tại Mẫu số 05 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

6. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất quy định tại Mẫu số 06 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

7. Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất quy định tại Mẫu số 07 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

8. Hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ (hoặc một phần) dự án bất động sản quy định tại Mẫu số 08 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.

Trước khi ký kết hợp đồng với khách hàng, chủ đầu tư dự án bất động sản có thể nhận đặt cọc của khách hàng để bảo đảm giao kết Hợp đồng kinh doanh bất động sản; Giá trị đặt cọc do các bên thỏa thuận nhưng không vượt quá 30% giá trị bất động sản; Hình thức văn bản đặt cọc do các bên thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự”.

Đồng thời, HoREA đề nghị bổ sung quy định về “đặt cọc” vào 08 loại Hợp đồng “mẫu” của Phụ lục kèm theo Điều 6 Nghị định 02/2022/NĐ-CP quy định về “Hợp đồng kinh doanh bất động sản”. 

Có thể nói, nhà đất là một loại tài sản có giá trị lớn, ảnh hưởng đến tài chính và cuộc sống của mỗi  gia đình. Để tránh khỏi việc đặt cọc rồi mất cả tiền lẫn nhà đất thì việc tìm hiểu các vấn đề pháp lý có liên quan rất quan trọng nhằm tránh rủi ro trước khi ký hợp đồng đặt cọc.
                                                                                                                                                                                 
 

Đạm Quang Lê