UBND tỉnh Ninh Thuận phối hợp với UBND Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị kết nối, xúc tiến đầu tư thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị có sự tham dự của Thường trực Tỉnh ủy, Lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố của tỉnh Ninh Thuận; Lãnh đạo Thành ủy, UBND, lãnh đạo các Sở, ban, ngành của Thành phố Hồ Chí Minh; Tổng Lãnh sự quán các nước tại Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo các Hiệp hội Doanh nghiệp và khoảng 150 doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Khai mạc Hội nghị, Lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam cho biết: “Qua hơn 10 năm triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Ninh Thuận (2014 – 2024), đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực: năng lượng tái tạo, cảng biển, công nghiệp sản xuất, nông nghiệp, du lịch, thương mại, dịch vụ, lao động, việc làm, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đặc biệt, trong lĩnh vực đầu tư, đã thu hút nhiều dự án đầu tư của các doanh nghiệp TP.HCM (24 dự án), với tổng vốn trên 31.500 tỉ đồng”.
Bên cạnh đó, Tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng năm 2024 của Tỉnh tiếp tục phục hồi, ổn định. Một số lĩnh vực chuyển biến tích cực, các ngành thương mại, du lịch, dịch vụ, công nghiệp tăng khá, kinh tế nông nghiệp và nông thôn duy trì tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) đạt 20.662 tỷ đồng, tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt 13.762 tỷ đồng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 3.540 tỷ đồng.
Ông Dương Ngọc Hải - Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. HCM, đã phát biểu tại Hội nghị: “Muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau - ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi chúng ta trong thời buổi hiện nay cũng như tương lai. Thông qua Hội nghị hôm nay, với tất cả sự tâm quyết của Lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, tiềm năng và lợi thế tỉnh đang có và chiến lược phát triển kinh tế của tỉnh trong thời gian tới, giúp các doanh nghiệp, nhà đầu tư có cái nhìn tổng quan về bức tranh kinh tế tổng thể của Ninh Thuận trong thời gian tới, làm cơ sở cho các bên hợp tác thành công và hiệu quả, ổn định và lâu dài trong tương lai”.
Cụ thể, các Sở ngành liên quan của Thành phố sẽ được phân công cụ thể thực hiện một số nhiệm vụ:
Thứ nhất, tiếp tục liên kết với tỉnh Ninh Thuận trong thúc đẩy phát triển thương mại 2 chiều đó là hỗ trợ các sản phẩm tiêu biểu, sản phẩm OCOP của tỉnh vào các chuỗi siêu thị của Thành phố.
Thứ hai, hỗ trợ, trao đổi kinh nghiệm và tổ chức các chương trình tập huấn, nâng cao nghiệp vụ về xúc tiến thương mại, đầu tư, quảng bá,...
Thứ ba, phối hợp, hỗ trợ trong mời gọi đầu tư, tìm kiếm nhà đầu tư khi có nhu cầu
Thứ tư, hỗ trợ các nhu cầu khi tỉnh Ninh Thuận có yêu cầu.
Mặt khác, ông Hải còn đánh giá cao về vị thế của tỉnh Ninh Thuận. Đây là tỉnh thành có vị trị địa lý và điều kiện tự nhiên rất thuận lợi “thiên thời địa lợi nhân hoà”, tỉnh không chỉ có tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo bởi mùa nắng nóng khô hạn tự nhiên, mà còn nhiều tiềm năng khác để phát triển như kinh tế biển, bao gồm phát triển dụ lịch, càng logistisc, nông nghiệp công nghệ cao và bất động sản...
Trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Ninh Thuận tại Thành phố Hồ Chí Minh, là dịp lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và doanh nghiệp, các nhà đầu tư gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, tìm hiểu và tìm ra tiếng nói chung trong quá trình hợp tác thương mại và đầu tư.
Trước đó, quy hoạch tỉnh Ninh Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 139/QĐ-TTg ngày 10/11/2023, xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tỉnh Ninh Thuận trở thành có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm trung bình cao của cả nước, phát triển năng động, nhanh và bền vững với kinh tế biển và tạo động lực tăng trưởng với kinh tế độ thị.
Ngoài ra, tỉnh còn phát triển trọng tâm tại khu vực phía Nam của tỉnh, tạo tiền đề cơ sở hình thành Khu kinh tế ven biển; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, có khả năng chống chịu cao với thiên tai, dịch bệnh và thích ứng hiệu quả với biển đổi khí hậu đặc biệt là nguồn tài nguyên nước cần được đảm bảo nhu cầu sử dụng, điều hoà, phân phối hợp lý các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá các dân tộc; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Với 5 cụm ngành quan trọng của tỉnh: Năng lượng và năng lượng tái tạo, Du lịch chất lượng cao, Công nghiệp chế biến và chế tạo, Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Xây dựng và thị trường bất động sản và các dự án đầu tư hạ tầng, đầu tư sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tạo sự bứt phá cho ngành công nghiệp của tỉnh, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Nhìn chung, tỉnh Ninh Thuận sở hữu, lợi thế về điều kiện tự nhiên, thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai, cơ sở hạ tầng, đặc biệt hơn hẳn chính là tiềm năng về năng lượng, năng lượng táo tạo để phát triển trở thành Trung tâm công nghiệp xanh của cả nước. Trung thành với đặc sản vùng đất hứa, Ninh Thuận hứa hẹn sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngài nước, cam kết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh, đảm bảo quyền lợi tốt nhất, khai thác tiềm năng phát triển của tỉnh trong thời gian tới./.