Nội dung trên được nêu ra tại cuộc gặp giữa Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và ông Park Chongho, Tổng giám đốc Tổ chức hợp tác rừng châu Á (AFoCO) vào ngày 3/7 vừa qua.
Việt Nam đóng góp tích cực và nhận được nhiều hỗ trợ từ AFoCO
Việt Nam là một trong 5 quốc gia tham gia đầu tiên Hiệp định Hợp tác rừng châu Á - AFoCO. Từ khi chính thức gia nhập AFoCO vào năm 2017, Việt Nam đã tích cực đóng góp và nhận hỗ trợ hầu hết từ Chính phủ Hàn Quốc để triển khai 4 hoạt động chính: phục hồi và tái tạo rừng; thích ứng với biến đổi khí hậu; quản lý rừng bền vững; nâng cao năng lực và chuyển giao công nghệ.
Đến nay, AFoCO đã tài trợ cho Việt Nam 4 dự án cấp quốc gia với tổng ngân sách khoảng 4,5 triệu USD. Dự án “Phục hồi và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn ở tỉnh Thái Bình” có ngân sách lớn nhất với tổng tài trợ từ Chính phủ Hàn Quốc là 1,5 triệu USD.
Các dự án tại Việt Nam do AFoCO tài trợ đã và đang góp phần tăng cường năng lực cho cán bộ và người dân địa phương trong việc bảo tồn và phát triển rừng, quản lý rừng bền vững và giảm suy thoái rừng tại Việt Nam.
Thay mặt Bộ NN&PTNT, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ cảm ơn Tổng giám đốc Park Chongho vì đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác song phương trong lĩnh vực lâm nghiệp thời gian qua.
“Tôi đánh giá cao vai trò kết nối, phát huy hiệu quả của các nguồn lực đầu tư cho các dự án trong khu vực của AFoCO. Tôi tin tưởng rằng các dự án này có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Việt Nam trong việc nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng và phát triển sinh kế cho cộng đồng dân cư gần rừng”, Bộ trưởng nói.
Về tài trợ cho khu vực ASEAN, Tổ chức AFoCO đang phối hợp với Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam để triển khai Dự án “Nâng cao năng lực phòng chống cháy rừng”. Sử dụng nguồn tài trợ 6,5 triệu USD từ AFoCO và 2 triệu USD từ Quỹ Hàn Quốc - ASEAN, các quốc gia Đông Nam Á sẽ xây dựng thí điểm trạm phòng chống cháy rừng. Trạm được ứng dụng công nghệ cao, trang bị máy móc hiện đại (như ảnh vệ tinh) nhằm cảnh báo cháy rừng sớm.
Sẽ tích cực hỗ trợ chuyển đổi số ngành lâm nghiệp
Theo lãnh đạo AFoCO, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu của ngành lâm nghiệp. Ông đánh giá cao nỗ lực của các ngành, lĩnh vực, địa phương ở Việt Nam nhằm triển khai các giải pháp để đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý cũng như sản xuất kinh doanh.
Tổng Giám đốc Park Chongho nhận định: “Đối với ngành lâm nghiệp cũng không ngoại lệ, chúng tôi xác định chuyển đổi số, chuyển giao công nghệ là động lực trong phát triển, là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài”.
Thời gian qua, AFoCO đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số và chuyển giao công nghệ trong các hoạt động quản lý của ngành lâm nghiệp. Cụ thể, ứng dụng dự báo nguy cơ cháy rừng để giảm thiểu thiệt hại khi cháy rừng xảy ra; ứng dụng hệ thống thông tin địa lý và viễn thám trong quản lý tài nguyên bền vững.
Bên cạnh đó, xây dựng các bộ cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, thực vật, lâm sản ngoài gỗ; giống cây trồng nhằm cung cấp kỹ thuật, giống, thị trường và giúp minh bạch hóa thông tin của ngành; nguồn nhân lực, khoa học công nghệ; xây dựng phần mềm số hóa quản lý và truy xuất gỗ hợp pháp; xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên rừng, tài nguyên về gỗ để phục vụ giám định.
Từ thực tế nêu trên, lãnh đạo Bộ NN&PTNT mong muốn và đề nghị AFoCO tiếp tục hỗ trợ ngành lâm nghiệp Việt Nam nhằm tăng cường nâng cao năng lực thông qua chuyển giao công nghệ, chuyển đổi số trong lâm nghiệp một cách hiệu quả, thiết thực.
Đáp lời Bộ trưởng, Giám đốc Park Chongho cam kết sẽ chỉ đạo với các dự án hỗ trợ tăng cường năng lực cho Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam. Cùng với đó, hỗ trợ thành lập Chi nhánh Văn phòng Trung tâm Hợp tác Lâm nghiệp Hàn Quốc - Mekong (KMFCC) tại Việt Nam. Các dự án này sẽ góp phần tăng cường năng lực bảo vệ và phát triển rừng, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Việt Nam.
Tổ chức Hợp tác rừng Châu Á (AFoCO) nhằm tăng cường hợp tác lâm nghiệp trong khu vực vì một “Châu Á xanh hơn”. Việt Nam là một trong những thành viên sáng lập, tích cực của AFoCO và đã đảm nhiệm thành công vị trí Chủ tịch Hội đồng AFoCO nhiệm kỳ 2018 - 2019./.