Tinh cà phê – Hướng đi mới cho cà phê Việt

Hiện nay, khu vực Tây Nguyên là nơi sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê nhân thô chủ lực. Tuy nhiên, việc vận chuyển cà phê nhân khá tốn kém do kích thước và khối lượng lớn.

Tại Kon Tum, Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà) đã tạo ra Tinh coffee – sản phẩm tinh cà phê nguyên chất đầu tiên ở khu vực Tây Nguyên. Không chỉ giúp quá trình pha chế nhanh gọn, Tinh coffee còn giảm khá nhiều chi phí trong quá trình vận chuyển, mua bán. Nhờ đó, lợi nhuận từ Tinh coffee cũng tăng 20 – 25% so với cà phê nhân, tạo ra một luồng gió mới, hướng đi mới cho cà phê Việt Nam, nhất là trong bối cảnh chi phí logistics tăng cao do ảnh hưởng của dịch COVID-19 như hiện nay.

* Khẳng định chất lượng

Theo ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, dự án sản xuất Tinh coffee đã được đơn vị nhen nhóm từ năm 2018. Việc tạo ra Tinh coffee xuất phát từ nỗi trăn trở cần phải tạo ra loại cà phê vừa giữ được chất lượng, hương vị nguyên bản, vừa giúp giảm đi các chi phí sản xuất, vận chuyển. Đặc biệt, phải đảm bảo yếu tố “nhanh” trong thời đại công nghiệp 4.0 bởi không phải ai cũng có thời gian chờ cà phê pha phin, nhất là đối với nhóm ngành nghề đặc thù như lái xe.

Để tạo ra Tinh coffee, hợp tác xã đã sử dụng công nghệ sấy tiên tiến thực hiện chiết xuất qua các bước như rang, xay, trích ly, cô đặc, sấy khô. Sản phẩm được tạo ra từ 100% cà phê Robusta của hợp tác xã trồng tại huyện Đăk Hà, Kon Tum với quy trình trồng, chăm sóc, sơ chế, chế biến cà phê nhân được áp dụng theo tiêu chuẩn hữu cơ vùng trồng đã đạt chứng nhận VietGAP. Nhà máy chế biến đã đạt chứng nhận HACCP. Sau quá trình sản xuất, sản phẩm Tinh coffee xuất xưởng là dạng cà phê hòa tan nguyên chất, sử dụng tiện lợi, an toàn cho sức khỏe.

“Cứ 20 tấn cà phê nhân, chúng tôi sẽ tạo ra 1 tấn Tinh coffee. Năm 2019, đơn vị sản xuất ra sản phâm Tinh coffee đầu tiên, cho chất lượng hoàn toàn khác biệt so với các loại cà phê hòa tan hiện nay đang bán trên thị trường. Không chỉ giữ nguyên chất lượng, hương vị của cà phê, khi thưởng thức còn cho vị thanh, mát, nhẹ nhàng, lưu lại hương cà phê lâu. Tuy nhiên, do ở dưới dạng tinh chất, nên nhược điểm của sản phẩm này là không tiếp xúc được lâu với không khí, dễ bị hóa keo. Hợp tác xã đang nghiên cứu phương pháp bảo quản để hạn chế tối đa nhược điểm này”. Ông Nguyễn Tri Sáu phân tích.

Bên cạnh việc sử dụng trực tiếp như một loại cà phê hòa tan, Tinh coffee còn là nguyên liệu chế biến ra được rất nhiều loại đồ uống và thực phẩm khác như cà phê hòa tan, đồ uống, bánh kẹo, kem, thực phẩm bổ sung, thực phẩm giảm cân, mỹ phẩm, các cửa hàng tiện dụng dùng pha chế các loại nước uống liền nhanh chóng và tiện lợi.

ca-phe-xuat-khau-1646471602.jpeg
Ảnh minh hoạ

Riêng đối với Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung, đơn vị đã ứng dụng để tạo ra các loại cà phê hòa tan khác như cà phê sầu riêng, cà phê sữa thượng hạng đã đạt chứng nhận Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) 4 sao, cà phê sữa dừa hay cà phê ca cao đạt chứng nhận OCOP 3 sao.

“Mỗi sản phẩm tạo ra từ Tinh coffee cũng mang về khoản lợi nhuận cao hơn so với cà phê nhân từ 10 – 20%. Hiện nay, nhà máy sản xuất của Hợp tác xã có công suất khoảng 10 tấn Tinh coffee/năm, song do dịch bệnh nên hiện nay vẫn chưa sản xuất hết công suất. Thị trường tiêu thụ cũng chủ yếu là trong nước, song trong năm 2022, sản phẩm Tinh coffee sẽ tham gia các hội nghị của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) để đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài, hướng đến xuất khẩu để tăng giá trị”. Ông Nguyễn Tri Sáu chia sẻ.

* Lợi ích kinh tế

Thực tế, hiện nay, các đơn vị xuất khẩu cà phê chủ yếu là cà phê nhân thô, một số ít khác là xuất khẩu cà phê bột. Với khối lượng, kích thước lớn, các đơn vị xuất khẩu phải chịu một khoản chi phí logistics khá cao.

Theo thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sau hai năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, một container 40 feet đi thị trường Mỹ hiện có giá từ 10.000 – 15.000 USD, tăng từ 5 – 6 lần so với con số khoảng 2.000 USD vào đầu năm 2020. Thậm chí, khi xuất khẩu đi thị trường EU, một container tương tự có giá trên 11.000 USD, tăng từ 12 – 13 lần so với đầu năm 2020, chỉ từ 800 – 1.200 USD.

Chính vì vậy, nếu thay cà phê nhân bằng Tinh coffee khi đưa đi xuất khẩu, chi phí logistics sẽ giảm đi rất nhiều cho đơn vị sản xuất, bởi 20 tấn cà phê nhân sẽ tạo ra 1 tấn Tinh coffee, mà vẫn không làm mất đi chất lượng, hương vị và giá trị của cà phê.

Bà Y Hằng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum đánh giá, sản phẩm “Tinh coffee – Tinh cà phê nguyên chất” của Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung hoàn toàn khác biệt với các loại cà phê hòa tan thông thường đang có trên thị trường; trong đó cà phê tinh giữ nguyên được bản chất tinh túy của cà phê, không sử dụng bất kỳ loại hương liệu hóa học hay chất độn nào.

Bên cạnh đó, việc sản xuất sản phẩm “Tinh coffee” còn tiết kiệm được chi phí vận chuyển, sản phẩm được tiêu thụ nhiều hơn, giúp tăng 25% lợi nhuận so với cà phê nhân sống, tạo công ăn việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên,  góp phần nâng tầm vị thế cà phê trong nước...

Hiện nay thị trường trong nước và quốc tế sử dụng cà phê hòa tan như một thức uống rất thông dụng. Tuy nhiên, chưa có nhà sản xuất chế biến ra tinh cà phê nguyên chất, do vậy sản phẩm “Tinh coffee” rất có tiềm năng cạnh tranh và phát triển. Hơn nữa, với lợi thế là việc vận chuyển rất thuận tiện, “Tinh coffee” giúp giảm rất lớn chi phí logistics, tăng tính cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại.

Bà Y Hằng cho rằng, việc sản xuất cà phê có chứng nhận là hướng đi cần thiết để nâng cao giá trị sản phẩm, góp phần ổn định đầu ra, sản phẩm và thương hiệu. Chính vì thế, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã hỗ trợ cho các tổ hợp tác liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp, Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung sản xuất, chế biến cà phê được chứng nhận VietGAP. Đồng thời, hỗ trợ Hợp tác xã hoàn thành chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ theo chương trình sản xuất cà phê được chứng nhận HACCP, hỗ trợ một số trang thiết bị máy móc phục vụ việc sản xuất sản phẩm.

Theo bà Y Hằng, thời gian tới, ngành nông nghiệp tiếp tục hỗ trợ hướng dẫn đơn vị duy trì việc áp dụng mô hình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn VietGAP, HACCP; tiếp tục hỗ trợ đơn vị nâng cao chất lượng sản phẩm để giúp đơn vị hoàn thiện sản phẩm tham gia thi phấn đấu đạt sản phẩm OCOP 5 sao (sản phẩm quốc gia). Qua đó, mang lại niềm tin cho người tiêu dùng, tạo dựng và khẳng định được thương hiệu, có cơ hội để vươn xa trên thị trường và hướng đến xuất khẩu, mang lợi nhuận cho đơn vị sản xuất, góp phần tạo công ăn việc làm và tăng thu nhập cho người lao động./.