Tìm hiểu về Trọng Tài Thương Mại.

Nhằm đơn giản các thủ tục giải quyết tranh chấp để mang lại lợi ích tối ưu nhiều doanh nghiệp lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài thương mại thay vì Tòa án. Vậy Trọng Tài Thương Mại gì, những nội dung sau sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ hơn về Trọng tài thương mại.

 Trọng tài thương mại là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 3 luật trọng tài thương mại, trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.
Theo đó, thẩm quyền giải quyết tranh chấp của Trọng tài thương mại phát sinh trên cơ sở thỏa thuận của các bên. Vậy, trường hợp các bên trước đó không có thỏa thuận nếu có tranh chấp phát sinh sẽ giải quyết bằng Trọng tài thương mại thì khi xảy ra tranh chấp có còn được lựa chọn Trọng tài thương mại để giải quyết hay không. Điều này phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên, nếu hai bên thỏa thuận đồng ý chọn Trọng tài thương mại để giải quyết thì pháp luật vẫn cho phép. Bởi lẽ, việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại giúp bớt “gánh nặng” cho hệ thống tư pháp nói chung và Tòa án nói riêng rất nhiều. Do đó, trên tinh thần tự nguyện, thỏa thuận của các bên thì Nhà nước cũng khuyến khích giải quyết các tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài thương mại.

ls-dong-1636022720.jpg
Văn phòng công ty luật Thiện Việt


 Đặc điểm của Trọng tài thương mại
Trọng tài thương mại có những đặc điểm sau:
- Trung tâm trọng tài thương mại là tổ chức phi Chính phủ, mang tính chất xã hội, nghề nghiệp;
- Thẩm quyền giải quyết tranh chấp dựa trên thỏa thuận của các bên;
- Phán quyết của trọng tài là chung thẩm, có hiệu lực thi hành, không bị kháng cáo, kháng nghị. 
- Phán quyết của trọng tài có thể bị hủy bởi quyết định của Tòa án.
Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại
Tuy Trọng tài thương mại cũng là cơ quan có chức năng giải quyết tranh chấp như Tòa án nhưng điểm khác biệt là ở việc không phải tranh chấp nào cũng thuộc thẩm quyền giải quyết của Trọng tài thương mại.
Theo quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại thì Trọng tài Thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp sau:
•    Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
•    Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
•    Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tài.
Có thể thấy, Trong tài thương mại chủ yếu có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp liên quan đến hoạt động kinh doanh, thương mại. Trong những trường hợp khác thì phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên và phù hợp với quy định của pháp luật.
Hình thức Trọng tài thương mại
Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại, việc giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại có thể thực hiện dưới 02 hình thức sau:
- Trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật này và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó.
Cụ thể, hình thức trọng tài quy chế là hình thức giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài đã được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
- Trọng tài vụ việc là hình thức giải quyết tranh chấp theo quy định của Luật này và trình tự, thủ tục do các bên thoả thuận.
Cụ thể, trọng tài vụ việc chỉ thành lập để giải quyết vụ tranh chấp và chấm dứt khi khi giải quyết xong vụ tranh chấp đó dựa trên thỏa thuận của các bên.
Điều kiện giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài thương mại
Các tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại phải đáp ứng điều kiện quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
Tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài nếu các bên có thoả thuận trọng tài. Thỏa thuận trọng tài có thể được lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp.
Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.
6. Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại
Thủ tục giải quyết tranh chấp tại Trọng tài thương mại được tiến hành theo quy định tại Luật Trọng tại thương mại như sau:
Bước 1: Xác định thẩm quyền và thời hiệu yêu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài.
Bước 2: Gửi đơn khởi kiện yêu cầu Trung tâm trọng tài giải quyết
Bước 3: Nhận thông báo đơn khởi kiện
Bước 4: Trung tâm trọng tài thành lập Hội đồng trọng tài
Bước 5: Mở phiên họp giải quyết tranh chấp
Bước 6: Hội đồng trọng tài ra phán quyết.
Xuất phát từ ưu điểm của cơ chế giải quyết tranh chấp nhanh chóng, đơn giản, thuận tiện, phù hợp với tâm lý của doanh nghiệp, việc lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Trung tâm trọng tài thương mại ngày càng trở nên phổ biến. Đây cũng là giải pháp hiệu quả để giải quyết gánh nặng của cơ quan tư pháp khỏi việc tồn đọng án như hiện nay.
 

LS Trọng Tài Viên Lâm Thi Mai