Hiện tỉnh Bình Thuận có diện tích và sản lượng thanh long đứng đầu cả nước với diện tích khoảng 27.787 ha, sản lượng trên 600.000 tấn/năm. Trong những năm qua, thanh long Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn của tỉnh, góp phần trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong nông nghiệp, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nâng cao đời sống của nông dân.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 - 2023, Bình Thuận được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UNDP Việt Nam hỗ trợ tham gia Chương trình thí điểm thu hút sự tham gia của các nông dân từ các hợp tác xã và doanh nghiệp trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng thanh long.
Chỉ trong vòng ba năm qua, dự án đã tạo được những thành tựu đáng kể trong việc chuyển đổi chuỗi cung ứng thanh long ở Bình Thuận và tôm ở Bạc Liêu thành những điểm sáng về mô hình nông nghiệp xanh của địa phương, góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.
Cụ thể, với thanh long ở Bình Thuận, dự án đã góp phần cải thiện cuộc sống và sinh kế của gần 5.000 nông dân địa phương, giới thiệu cho họ các phương pháp sản xuất xanh bền vững. Với việc chuyển đổi sang sử dụng bóng đèn LED tiết kiệm năng lượng và hệ thống tưới tiêu tiết kiệm nước thay vì phương thức truyền thống, người dân đã có thể cắt giảm 68% lượng phát thải carbon và tiết kiệm 50% năng lượng. Ngoài ra, việc lắp đặt hệ thống tưới tiêu sử dụng năng lượng mặt trời áp mái và các công nghệ tiết kiệm nước đã giúp giảm 42% lượng nước tiêu thụ, tiết kiệm cho mỗi trang trại ít nhất 600.000 đồng/ha.
Bên cạnh đó, tỉnh Bình Thuận đang vận hành đầy đủ hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử lượng khí thải carbon đầu tiên cho các sản phẩm thanh long. Chỉ trong một năm, hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử đã mở rộng từ 50 lên 269ha trang trại được chứng nhận Global G.A.P. Đến nay, hơn 23.300 tấn thanh long tươi đã đến tay người tiêu dùng quốc tế và trong nước với mã QR chứng nhận chất lượng và mức độ phát thải carbon…
Đánh giá về những kết quả đã đạt được tại Hội thảo “Từ trang trại đến bàn ăn: Thanh long xanh và bền vững ở Bình Thuận” ngày 29/1, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng cho biết, trong lĩnh vực nông nghiệp, thanh long được xác định là một trong những cây trồng có lợi thế của Bình Thuận, có điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây thanh long. Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, Dự án “Thúc đẩy sự tham gia của tư nhân đầu tư phát thải các bon thấp và ứng phó biến đổi khí hậu của ngành nông nghiệp trong thực hiện NDC của Việt Nam” đã giúp việc sản xuất, tiêu thụ thanh long của tỉnh từng bước phục hồi, đặc biệt là thiết lập sản xuất theo hướng xanh hóa, đáp ứng thị hiếu, nhu cầu người tiêu dùng và thân thiện môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Để tiếp tục ổn định ngành hàng thanh long hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu và hội nhập quốc tế.
Được biết, trong thời gian tới, UNDP tiếp tục hợp tác với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để chuẩn bị kế hoạch quốc gia về thanh long bền vững, ít carbon đến năm 2030 nhằm mở rộng quy mô thực hành chuyển đổi xanh này. Sáng kiến này nhằm mục đích chuẩn hóa các hoạt động bền vững, khuyến khích các phương pháp tiếp cận tuần hoàn và đề xuất các mô hình tài chính để nhân rộng những thành công tại Bình Thuận, góp phần hiện thực hóa NDC của Việt Nam.
Đồng thời, tổ chức lại sản xuất của chuỗi ngành hàng thanh long theo hướng hợp tác liên kết theo chuỗi giá trị và khắc phục tình trạng thiếu kết nối giữa các chủ thể trong chuỗi, bị động trong tiếp cận các thị trường xuất khẩu, dễ bị tổn thương với các rủi ro thị trường, sản xuất và bố trí hệ thống logistics đồng bộ, hiệu quả. Ngoài ra, huy động nguồn lực tổng hợp của khu vực tư nhân (nông hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp), nhà nước và hỗ trợ quốc tế, trong đó ngân sách Nhà nước tập trung vào hỗ trợ cơ sở hạ tầng, khoa học công nghệ, khuyến nông và thực hiện các chính sách./.