Thúc đẩy kết nối tăng trưởng kinh tế và khả năng cạnh tranh của khu vực ASEAN

Cộng đồng Kinh tế ASEAN tập trung thảo luận các sáng kiến, giải pháp thúc đẩy kết nối, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và hội nhập kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh của khu vực.

Ngày 07/5/2023, Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 22 đã diễn ra tại Jakarta, Indonesia, dưới sự chủ tọa của Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia, Ngài Airlangga Hartarto và sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế các nước ASEAN, Tổng Thư ký ASEAN; Timor-Leste tham dự với tư cách quan sát viên.

Đoàn Việt Nam tham dự Hội nghị gồm đại diện Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế do Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn đầu.

cong-ong-kinh-te-asean-1683474140.jpg
Các Trưởng đoàn tại Hội nghị Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lần thứ 22

Rà soát, thúc đẩy thực hiện các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế

Hội nghị rà soát tình hình thực hiện các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN trong năm 2023, tập trung vào 03 định hướng chính: (i) Hồi phục và Tái thiết; (ii) Kinh tế số; (iii) Bền vững, và hoan nghênh việc 16 sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Campuchia, nước Chủ tịch ASEAN năm 2022 đã được hoàn thành, các sáng kiến còn lại sẽ tiếp tục được hoàn thành trong thời gian tới.

Với mục tiêu đảm bảo phát triển kinh tế bền vững và tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực, các Bộ trưởng ghi nhận tình hình triển khai các lộ trình bền vững của ASEAN như Khung kinh tế tuần hoàn ASEAN, Chiến lược ASEAN về trung hòa các-bon và Bộ phân loại của ASEAN phiên bản 2 về tài chính bền vững.

Các Bộ trưởng cũng thảo luận và ghi nhận tình hình triển khai các công việc của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, bao gồm việc thực hiện Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 với những kết quả tích cực như nền kinh tế ASEAN đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 5,6% vào năm 2022, trở lại mức trước đại dịch Covid-19; nghiên cứu về Hiệp định khung về Kinh tế số của ASEAN, hướng đến việc khởi động đàm phán Hiệp định này vào tháng 9 năm 2023; công cuộc chuyển đổi số ASEAN và cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Trên cơ sở ghi nhận tiến trình triển khai các khuyến nghị trong Báo cáo Đánh giá giữa kỳ của Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025, các Bộ trưởng đã chỉ đạo công tác xây dựng Tầm nhìn ASEAN giai đoạn sau năm 2025, trong đó giao Nhóm đặc trách cấp cao về hội nhập knh tế ASEAN (HLTF-EI) và các cơ quan hữu quan tăng cường phối hợp xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau năm 2025 theo đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo tính bao trùm và đem lại lợi ích thiết thực nhất cho các nước ASEAN, hướng tới mục tiêu xây dựng một Cộng đồng ASEAN vững mạnh.

Việt Nam tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN

nguyen-sinh-nhat-tan-1683474167.jpg
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân phát biểu tại Hội nghị

Tham gia thảo luận tại Hội nghị, Việt Nam bày tỏ sự ủng hộ đối với các sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Indonesia trong năm Chủ tịch ASEAN 2023, đồng thời khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các nước ASEAN khác để thực thi các mục tiêu chung của Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thúc đẩy kết nối khu vực, hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và tăng cường hội nhập kinh tế cũng như khả năng cạnh tranh của khu vực.

Các Bộ trưởng cũng đã thông qua dự thảo các tài liệu để trình lên báo cáo các nhà Lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42, bao gồm: Báo cáo của Hội đồng Cộng đồng Kinh tế ASEAN lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42; Tuyên bố của các nhà Lãnh đạo ASEAN về phát triển Hệ sinh thái xe điện khu vực; và Phụ lục của trụ cột kinh tế trong Lộ trình để Timor-Leste trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN.

Tiếp sau Hội nghị này, ngày 10 và 11 tháng 05 năm 2023 sẽ diễn ra Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 và các hội nghị liên quan khác.