Thừa Thiên Huế: Khai trương thí điểm mô hình xe đạp chia sẻ công cộng

Sáng nay (5/6), UBND thành phố Huế (Thừa Thiên Huế) phối hợp Cơ quan Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và Công ty Cổ phần Vietsoftpro tiến hành tổ chức Lễ khai trương mô hình thí điểm hệ thống xe đạp chia sẽ công cộng tại thành phố Huế.

khai-truong-1654396486.jpg

Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dự lễ khai trương thí điểm mô hình xe đạp chia sẻ công cộng.

Tham dự buổi lễ gồm có: ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Văn Phương, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Phan Thiên Định, Bí thư Thành ủy thành phố Huế và ông Võ Lê Nhật, Chủ tịch UBND thành phố Huế.

Hệ thống xe đạp chia sẻ công cộng tại thành phố Huế ra đời với tiêu chí thân thiện với môi trường, thuận lợi cho khách du lịch; người dân lấy và trả xe ở nhiều điểm khác nhau trong thành phố Huế, phù hợp với những quãng đường di chuyển ngắn; hệ thống Xe đạp chia sẻ công cộng tại Huế sẽ là giải pháp giao thông đô thị mới giúp người dân, du khách chuyển đổi sang phương thức giao thông bền vững hơn. Đây là dự án được triển khai dựa trên nội dung biên bản ghi nhớ giữa UBND thành phố Huế với Cơ quan hợp tác phát triển Đức và Công ty Cổ phần Vietsoftpro.

xe-dap-1654396586.jpg

Mô hình xe đạp công cộng ra đời sẽ mang lại thuận lợi cho du khách và người dân di chuyển trong quãng đường ngắn.

Dự án thí điểm Hệ thống Xe đạp chia sẻ công cộng tại khu vực trung tâm thành phố Huế sẽ được thực hiện từ tháng 6/2022 đến tháng 12/2023 và được chia 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ tháng 6 đến tháng 12/2022): Thực hiện thí điểm tuyến xe đạp chia sẻ công cộng thông minh trong thành phố với 7 trạm đặt hai bên bờ sông Hương và trong khu vực Đại Nội. Cụ thể: Eo bầu Nam Xương, Eo bầu Nam Thắng, công viên Nguyễn Văn Trỗi (đường Đoàn Thị Điểm), bến thuyền Tòa Khâm, công viên Nghinh Lương Đình, bãi xe Bảo tàng Hồ Chí Minh và số 11 Lê Lợi với số lượng xe mỗi trạm từ 10-20 xe; Giai đoạn 2 (từ tháng 12/2022 đến tháng 6/2023): Tiến hành thí điểm hệ thống xe đạp trên diện rộng (19-20 trạm); Giai đoạn 3 (từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2023): Thí điểm vận hành hệ thống tổng thể, tích hợp các tính năng của ứng dụng và quản lý, vận hành bảo trì hệ thống chạy ổn định. Các vị trí tiếp cận thuận lợi cho người sử dụng; liên kết với các phương tiện công cộng như nhà chờ xe buýt, bến bãi đỗ xe, bến thuyền; các di sản văn hóa, các khu di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, làng nghề, phố cổ, nhà vườn.

Với việc sở hữu các di sản văn hóa thế giới, cùng với sự ưu đãi của thiên nhiên, Huế có nhiều danh thắng đẹp, nhiều di tích lịch sử, chùa, làng nghề, các sản phẩm đặc sản, nhà hàng, phố ẩm thực xen kẽ trong các khu dân cư, nhất là nhà vườn, một nét độc đáo tiêu biểu của thành phố Huế, thì việc sử dụng xe đạp làm phương tiện để đi du lịch trải nghiệm là giải pháp lý tưởng cho du khách khi đến Huế.

Các đơn vị quản lý xe đạp sẽ áp dụng hệ thống công nghệ IT để quản lý vận hành, đồng thời triển khai ứng dụng dùng chung trong quản lý hoạt động xe đạp, trong đó giải pháp kết nối ứng dụng vào Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế để thống nhất đầu mối quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng dịch vụ. Người dân và khách du lịch sử dụng khóa thông minh QR có định vị GPS cho phép đóng/mở xe với QR Code, sử dụng quét bằng điện thoại thông minh.

Theo lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, với tính ưu việt riêng có, xe đạp công cộng là một lựa chọn hoàn hảo để giải quyết bài toán kết nối những kilomet cuối của hệ thống giao thông công cộng và là phương tiện lý tưởng cho xu hướng giao thông xanh và sự phát triển bền vững của một "Thành phố du lịch sạch ASEAN", "Thành phố Festival của Việt Nam".

Thanh Hải