“Ngóng” từng ngày
Toàn tỉnh có hơn 25.000 ha cà phê, riêng huyện Đăk Hà có trên 12.000 ha; trong đó, cà phê đang thu hoạch chiếm phần lớn diện tích. Tổng số lao động cần cho thu hoạch cà phê niên vụ này là hơn 11.500 người.
Những ngày qua, khi dịch COVID-19 xuất hiện trong cộng đồng tại Đăk Hà thì không khí mùa thu hoạch nơi đây trầm lắng hẳn. Khu vực “chợ” lao động, ngay đường rẽ từ thị trấn Đăk Hà vào xã Hà Mòn. mặc dù đến mùa thu hoạch cà phê nhưng “chợ” không tồn tại.
“Cà phê đã vào vụ hái nhưng không có người làm. Trước đây, lao động từ Quảng Ngãi lên làm, năm nay do dịch COVID-19, xã Hà Mòn có 5 ca F0 trong cộng đồng, cùng hàng trăm ca F1, F2. Tỉnh Kon Tum quản lý chặt, không ai lên làm được. Nếu quả chín, không hái kịp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng vườn cây, năng suất cho niên vụ tới. Nhân công thiếu dù giá thuê cao” - anh Hồ Tá Quang ở thôn 3 xã Hà Mòn than thở. Với 3 ha cà phê, theo tính toán, gia đình anh Quang cần tới 20 người để thu hái.
Với 2 ha cà phê, mấy ngày qua, gia đình anh Ngô Phúc Tùng ở thôn Thống Nhất xã Hà Mòn chủ yếu hái bói cây chín. Anh Tùng sức khỏe yếu nên vụ này phải trông đợi thuê người thu hoạch. Việc tìm 10 người để hái cà phê hiện rất khó. Do dịch, không có lao động từ các tỉnh vào - anh Tùng chia sẻ.
Tại xã Hà Mòn, lao động tại chỗ chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu cần nhân công hái cà phê. Giá thuê hái 100.000 đồng/tạ, cao hơn các năm trước 20.000 đồng. Hiện xã đã thành lập 28 tổ vần đổi công, tận dụng tối đa lực lượng lao động tại chỗ giúp thu hái cà phê. Cùng đó, Hà Mòn liên kết với các xã Ngọc Wang, Đăk La, Ngọc Réo để điều tiết nhân công cho địa phương.
Trước mắt, xã chỉ đạo người dân, cà phê chín đến đâu hái tới đó, vừa phù hợp nhân lực hiện có, vừa đảm bảo chất lượng cà phê (chín trên 95% quả mới hái). Ngoài ra, xã yêu cầu người dân đăng ký nhu cầu lao động thu hái cà phê với Ban nhân dân các thôn, tổng hợp gửi chính quyền tìm lao động giúp - bà Nguyễn Thị Mai Hương, Bí thư Đảng ủy xã Hà Mòn cho hay.
Thừa hay thiếu?
Theo ông Nguyễn Ngọc Trang - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đăk Hà, vụ thu hoạch cà phê năm nay, toàn huyện cần hơn 11.500 nhân công thu hái. Số lao động toàn huyện hiện có hơn 22.000 người, dư 9.000 lao động.
Về số lượng lao động có thể dư nhưng anh Ngô Phúc Tùng cho biết, dù là dân trồng cà phê nhưng không thể đi hái hết. Chủ vườn phải trông, quản lý tài sản, tổ chức lao động, lo hậu cần, cân cà phê… với rất nhiều việc liên quan khác. Vì vậy, năm nào đến vụ, người trồng cũng phải lo kiếm nhân công thu hái.
Không đồng tình với thông tin dư lao động để thu hái cà phê, anh Hồ Tấn Quang khẳng định, gia đình anh làm cà phê 20 năm nay, cứ đến vụ thu hái thì Đăk Hà lại thiếu nhân công. Năm nay, vì dịch COVID-19 nên nguồn nhân công từ ngoại tỉnh không vò địa phương được nên càng khó chứ không thể có dư thừa. Đáng chú ý, các lao động người dân tộc thiểu số làm việc không hiệu quả, thường sai giờ, hay nghỉ cuối tuần; thậm chí, gia đình hay thôn, làng có việc là họ rủ nhau nghĩ hết; mới làm đã ứng tiền về chi tiêu…
Tại xã Đăk Pxi, chính quyền đã sớm vận động người dân không đi hái thuê nơi khác. Theo ông Nguyễn Phúc Đoan - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Pxi, người lao động ở địa phương này chủ yếu là dân tộc thiểu số. Tại địa bàn, người dân quen nhau thì làm việc sẽ có trách nhiệm, đúng giờ, giữ được cành khi hái cà phê. Nếu huy động được lực lượng này làm tại chỗ là tốt nhất vì không có lao động đan xem, giúp ổn định an ninh trật tự, góp phần phòng chống dịch.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, không có lao động ở địa phương khác đến nên thời gian thu hái cà phê phải kéo dài hơn so năm trước. Huyện yêu cầu phải có sự phối hợp chặt giữa các địa phương, đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động và địa phương cung ứng lao động trong việc thu hái cà phê.
Phó Chủ tịch huyện Đăk Hà Nguyễn Ngọc Trang cho biết, huyện tập trung tuyên truyền, vận động dân tự thu hái để tăng nguồn thu (chi phí thu hái cả vụ khoảng 200 tỷ đồng/vụ) và đảm bảo nguồn nhân công, giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm. Cùng đó, chính quyền các xã phải điều tiết nhân công hỗ trợ các địa phương thiếu người.
Đăk Hà tổ chức thành lập các tổ hợp tác lao động để điều tiết nhân lực; tuyên truyền cho lao động là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để thay đổi nếp nghĩ, cách làm, tham gia vào các tổ thu hái cà phê giúp chủ động nguồn nhân lực. Đây là cách cụ thể hóa thực hiện tốt cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững” của Ban Thường vụ Tỉnh ủy phát động.
Đây cũng là giải pháp đột phá trong khâu tổ chức thực hiện để sớm đưa Chủ trương, Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống. Nếu làm tốt việc này, các niên vụ tới, Đăk Hà không lo thiếu nhân công thu hái cà phê - ông Ka Ba Thành, Bí thư huyện ủy Đăk Hà cho hay.
Ngoài việc đẩy mạnh tuyên truyền, huyện Đăk Hà cũng đã chủ động liên hệ với các đơn vị quân đội trong tỉnh huy động lực lượng giúp dân thu hái cà phê./.