Văn phòng Chính phủ vừa có công văn 6263/VPCP-KTTH ngày 21/9/2022 về việc Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo và tác động đến việc sản xuất và xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Công văn nêu thông tin báo chí phản ánh việc Tổng cục Ngoại thương Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với mặt hàng gạo tấm (có hiệu lực từ sau ngày 15/9). Đồng thời, Ấn Độ áp thuế xuất khẩu 20% đối với các mặt hàng gạo trắng và gạo lứt (chiếm 60% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của Ấn Độ).
Nguyên nhân chính là do Chính phủ Ấn Độ đang ngày càng lo ngại về nguồn cung suy giảm và lạm phát giá lương thực…
Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý kiến chỉ đạo như sau:
Các đồng chí Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Tài chính nghiên cứu bài báo nêu trên để theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động theo dõi, bám sát tình hình để thực hiện các biện pháp, giải pháp phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền và quy định pháp luật, bảo đảm an ninh lương thực, hiệu quả công tác điều hành xuất khẩu gạo, ổn định thị trường giá cả lúa gạo và lợi ích người nông dân; kịp thời báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ nội dung vượt thẩm quyền của các bộ.
Đây không phải là lần đầu tiên Ấn Độ áp thuế với sản phẩm nông nghiệp. Trước đó, vào tháng 5, lúa mì và đường đã nằm trong danh sách hạn chế xuất khẩu, do lo ngại nắng nóng ảnh hưởng đến tình hình sản xuất khắp cả nước.
Các lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ được cho sẽ khó có thể sớm được dỡ bỏ, thậm chí cho tới vụ Thu năm tới. Bởi Ấn Độ là quốc gia 1,4 tỷ dân, an ninh lương thực không bao giờ là bài toán dễ dàng với quốc gia này.
Trong khi trước đó, sản lượng lúa mì tại Ấn Độ cũng đã xuống mức thấp nhất trong vòng 14 năm do hạn hán, mất mùa. Sản lượng gạo vụ mùa vừa qua được cho là vẫn đủ cho nhu cầu trong nước, nhưng bị tụt giảm khoảng 10 - 12 triệu tấn so với vụ mùa trước.