Đường dây 500kV mạch 3 có ý nghĩa quan trọng
Chiều 13/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành; trực tuyến với các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh về tình hình triển khai Dự án xây dựng đường dây tải điện 500 kV mạch 3 (từ Phố Nối, tỉnh Hưng Yên đến Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Cùng với nhiều lần kiểm tra, đôn đốc, động viên các lực lượng triển khai dự án, đây là lần thứ 5 trong vòng 7 tháng qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp kiểm điểm tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thúc đẩy triển khai Dự án.
Cùng dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên; lãnh đạo các bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Dự án đường dây tải điện 500 kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối, dài khoảng 519km, đi qua 9 tỉnh, có tổng mức đầu tư khoảng 22 ngàn tỷ đồng, với 4 dự án thành phần, được khởi công tháng 1/2024.
Đến nay, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ 100% vị trí móng cọc và hành lang tuyến; hoàn thành đúc cột tại 100% vị trí; hoàn thành cung cấp thiết bị, vật tư cho các đơn vị thi công; lắp dựng được 1.159/1177 vị trí móng cột; kéo dây được 321/513 khoảng néo; đặc biệt đã hoàn thành thi công và đóng điện dự án thành phần Nhà máy điện Nam Định 1-Thanh Hóa.
Các phần việc chưa hoàn thành chủ yếu nằm trên địa phận hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, đang được khẩn trương thi công các phần việc còn lại để hoàn thành, đóng điện trước ngày 19/8/2024.
Tuy nhiên, trong giai đoạn nước rút, các đơn vị thi công vẫn khó khăn về nhân lực kéo dây; thời tiết bất lợi cho công tác thi công nhất là do nắng nóng gay gắt hoặc dông sét…
Sau khi lãnh đạo các Bộ, ngành, đơn vị và hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh thảo luận đánh giá tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp để sớm hoàn thành dự án theo kế hoạch, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đường dây tải điện 500kV mạch 3 là đường dây mạch kép, có ý nghĩa quan trọng, tăng nguồn cung điện cho miền Bắc, phục vụ điện ổn định cho sản xuất, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.
Nhận thức được tầm quan trọng của dự án, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt, sát sao, tháo gỡ mọi khó khăn, huy động nguồn lực lớn cho dự án. Các bộ, ngành, địa phương, đơn vị và cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt và được sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp đối với dự án.
Theo Thủ tướng, khối lượng công việc dự án rất đồ sộ, thi công trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, địa hình khó khăn, phức tạp, nhất là tại các địa phương Bắc Trung bộ được ví là “túi mưa, chảo lửa,” nhưng đến nay dự án đã đạt được khối lượng công việc lớn, khối lượng công việc còn lại không nhiều…
Tuy nhiên để hoàn thành, đưa vào vận hành toàn bộ đường dây theo kế hoạch cần tiếp tục tập trung cao độ.
Biểu dương, đánh giá cao các bộ, ngành, địa phương, người dân, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong triển khai dự án, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương, nhất là đơn vị thi công tranh thủ thời tiết, tập trung nhân lực, phương tiện thi công các phần việc còn lại đảm bảo an toàn, chất lượng; đồng thời tiến hành vận hành thử nghiệm, nghiệm thu từng phần, tiến tới nghiệm thu toàn bộ dự án; tổ chức thực hiện hoàn nguyên, bảo đảm vệ sinh môi trường, giao thông… nơi dự án đi qua.
“Đã quyết tâm rồi, quyết tâm cao hơn nữa; nỗ lực rồi, nỗ lực cao hơn nữa"
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương, đơn vị “đã quyết tâm rồi, quyết tâm cao hơn nữa; nỗ lực rồi, nỗ lực cao hơn nữa; cố gắng rồi, cố gắng cao hơn nữa; quyết liệt rồi, quyết liệt hơn nữa,” “làm việc có trọng tâm, trọng điểm rồi, cần có trọng tâm trọng điểm hơn nữa”; rà soát, phân công “rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm”; tổ chức thi công và thực hiện các phần việc còn lại trên tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão,” tổ chức “3 ca, 4 kíp, làm việc liên tục 24/7,” “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương,” “bàn làm, không bàn lùi”… hoàn thành dự án trước ngày 2/9/2024, chào mừng kỷ niệm 79 năm Quốc khánh.
Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương, đơn vị; đồng thời chỉ đạo các lực lượng phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ lẫn nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ; tổ chức tổng kết, rút ra bài học kinh nghiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện dự án.
Trong đó, Bộ Công Thương thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện dự án; tổ chức nghiệm thu công trình. Bộ Quốc phòng huy động lực lượng, phương tiện kỹ thuật hỗ trợ các đơn vị thi công dự án.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các địa phương chuyển mục đích rừng theo đúng quy định của pháp luật; hướng dẫn, tổ chức kiểm tra việc hoàn nguyên, đảm bảo vệ sinh môi trường nơi dự án đi qua.
Các địa phương tiếp tục huy động nhân lực tham gia các phần việc trong phạm vi dự án; tổ chức hoàn nguyên, bảo vệ môi trường, giao thông; chăm lo đời sống, công ăn việc làm cho người dân đã nhường đất cho dự án, đảm bảo không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu chỗ ở, người dân có nơi ở mới phải tốt hơn nơi ở cũ.
Công an các địa phương đảm bảo an ninh, trật tự tại các công trường thi công và trong quá trình hoàn nguyên, vận hành dự án sau này.
Bộ Nội vụ tổng hợp kết quả, đề xuất khen thưởng những đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong triển khai dự án ở tất cả các cấp, các ngành, địa phương.
Các cơ quan truyền thông tăng cường thông tin, truyền thông về tình hình, kết quả triển khai dự án; vừa biểu dương nỗ lực của tất cả các chủ thể tham gia dự án; vừa phổ biến bài học kinh nghiệm từ dự án; tạo động lực, truyền cảm hứng cho tất cả các cấp, các ngành trong việc thực hiện các chương trình, dự án quan trọng khác trong cả nước./.