Liên quan đến thương vụ lừa đảo 100 container hạt điều giá trị hơn 20 triệu USD, Tham tán công sứ thương mại Việt Nam tại Italia Nguyễn Đức Thanh cho biết, trong số 74 container rời khỏi Việt Nam, doanh nghiệp đã bán được 17 container.
Theo đó, trong 100 container hạt điều xuất khẩu sang Italia, 74 container đã rời khỏi Việt Nam và trong số đó, 35 container mất kiểm soát chứng từ gốc, 39 container còn chứng từ gốc.
Đối với 39 container còn bộ chứng từ gốc, doanh nghiệp đã bán được 17 container, trong đó đi Hà Lan 10 container, Thổ Nhĩ Kỳ 3 container, Thụy Điển 2 container và vào thị trường Italia 2 container. 12 container còn lại đang đàm phán giá cước để chở về Việt Nam và 10 container cần xử lý tiếp.
Với 35 container mất chứng từ gốc, gần đây có 1 công ty mua điều (Công ty C.N Srl ở Napoli) trong nhóm 5 công ty Italy đã phản hồi và email cho luật sư là không biết việc có người đứng tên công ty mình và làm việc với Việt Nam, đã có email bảo đảm (PEC) từ chối nhận lô hàng 9 container để hãng tàu trả lại quyền sở hữu cho người bán.
Theo thông lệ quốc tế, công ty Việt Nam vẫn phải đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng hơn 100% trị giá container thì mới thực sự giành lại được sở hữu nên đây vẫn là khó khăn lớn cho doanh nghiệp. 3 container đã được đặt cọc/bảo lãnh ngân hàng nên doanh nghiệp đã cho lên tàu về lại Việt Nam.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, còn 10 container có bộ chứng từ gốc và 23 container mất chứng từ đang được xử lý tiếp. Trong đó một số đang trong quá trình đàm phán bán vào Italia hoặc đi nước khác.
Trước đó, đoàn công tác gồm các cán bộ của Thương vụ Đại sứ quán và Phân xã Việt Nam tại Italia đã lên cảng phía Bắc - La Spezia để làm việc với các cơ quan chức năng của Italia.
Sau khi làm việc với đoàn Thương vụ Italia, công ty luật đại diện cho các doanh nghiệp và Hiệp hội Điều Việt Nam, phía chính quyền cảng cam kết sẽ phối hợp với cảnh sát cảng tạm giữ các container này và không giao cho ai. Như vậy, những kẻ lừa đảo cho dù có bộ chứng từ gốc cũng sẽ không thể lấy hàng được.
Bài học từ vụ này, ông Nguyễn Đức Thanh, Tham tán Công sứ Thương vụ Đại sứ quán Việt Nam tại Italia, cho biết không phải do doanh nghiệp xuất khẩu điều hay Hiệp hội điều yếu kém quá mà do thật thà quá, có lòng tin quá. Theo ông Thanh, trong giao dịch cần có chút nghi ngờ và cần xác minh các nghi ngờ này để giải toả, khi đó mới tin tưởng để làm ăn.
Trong vụ việc này chúng ta quá tin vào công ty môi giới. Công ty môi giới đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu được vài lô hàng nên doanh nghiệp xuất khẩu đã có lòng tin, vì thế 6 doanh nghiệp đều ký qua môi giới mà không biết người nhận hàng là ai, không có liên lạc trực tiếp.
Ông Thanh nhận định, môi giới rất cần thiết trong giao thương quốc tế nhưng dù tin đến đâu cũng cần kiểm soát, điều tra môi giới. Nếu ký hợp đồng với môi giới có thể trích phần trăm hoa hồng theo tỷ lệ nào đó nhưng phải cho địa chỉ giao dịch của người mua (địa chỉ công ty, số điện thoại, email…), biết mặt và nói chuyện trực tiếp.
Ngoài ra, DP là phương thức thanh toán quốc tế song vấn đề là áp dụng cho khách hàng nào, thực hiện thế nào và đặc biệt phải đặt cọc tối thiểu nếu hợp đồng lớn phải đặt 10-30%, phần còn lại thanh toán theo DP, LC. Vì khi có đặt cọc doanh nghiệp phải có mã số, có tài khoản, có người đại diện… Và khi đặt cọc doanh nghiệp Việt Nam mới tiến hành sản xuất, thu gom…
Thực tế từ vụ việc này, theo Hiệp hội Điều Việt Nam, lâu nay thị trường Italy lâu nay rất ít tiêu thụ sản phẩm hạt Điều nhân của Việt Nam, do vậy khi mà đơn hàng từ thị trường này lên tới 74 container với sản phẩm có chất lượng và giá thành cao nhất trong thời gian ngắn, việc thiếu thông tin về khách hàng đã dẫn đến các rủi ro.
Cậu chuyện 100 container điều chỉ là một trong nhiều vụ việc lừa đảo, gian lận thương mại trong xuất nhập khẩu hàng hoá. Điều đáng tiếc, các thương nhân Việt Nam thường là bên chịu phần thiệt hại nhiều hơn bởi sự hạn chế về năng lực hiểu biết pháp luật thương mại quốc tế, kinh nghiệm xuất nhập khẩu hàng hóa đi nước ngoài. Hay thậm chí là năng lực sử dụng ngôn ngữ.
Việt Nam là một trong quốc gia chủ động hội nhập kinh tế, khi cơ bản định hình mạng lưới gồm 17 hiệp định thương mại tự do (FTA). Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, khi sân chơi ngày một lớn, cũng là khi doanh nghiệp Việt đối mặt với những rủi ro muôn hình vạn trạng hơn.