
Ngọc quý đại ngàn
Trong mùa hoa dẻ nở rộ trên đỉnh Ngàn Nưa, cái hương ngọt ngào mà thanh khiết đến lạ lùng vẫn phủ khắp lòng người. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, mùa hoa dẻ không chỉ còn là đặc trưng của thiên nhiên núi rừng, mà đang trở thành tâm điểm của một "cơn sốt" kiếm tiền, kèm theo đó là những hậu quả đau xót với rừng già Ngàn Nưa.
Từ những chiếc xe máy chất đầy gốc dẻ đỏ, những bao tải rễ cây bị đào bới vội vàng trong cơn khát lợi nhuận, cho đến những vết lở nham nhở in hằn trên sườn núi – tất cả như những vết thương hằn sâu vào lòng Ngàn Nưa. Cảnh tượng ấy khiến những người gắn bó trọn đời với rừng già nơi đây không khỏi ngậm ngùi xót xa. Có thời điểm, cơn sốt lên tới đỉnh, người ta thậm chí điều cả xe tải vào tận chân núi, đánh liều vượt đường rừng hiểm trở chỉ để mang về một vài gốc cây quý hiếm.
Ông Cao Bá V, sống ở chân núi Nưa thuộc xã Tân Khang, huyện Nông Cống cho biết: “Có khi cả tuần liền, ngày nào cũng thấy xe máy, xe tải lên xuống. Ban đầu chỉ là mấy người dân trong vùng, sau thì người ở đâu đâu cũng về. Họ đào bới không thương tiếc, cứ thấy cây nào to, đẹp là vây quanh lại. Nhìn mấy gốc dẻ bị nhổ lên, rễ bị cắt đứt lìa, ruột gan tôi như thắt lại. Cây dẻ mọc hàng chục năm, trăm năm mới được như vậy, giờ thì chỉ trong chốc lát đã thành củi khô hoặc món hàng.”

Cơn sốt này không chỉ dừng lại ở việc hái hoa ngắm chơi. Nó đã chuyển sang một nấc thang khác, tàn khốc hơn nhiều: săn lùng để bán cả cây. Những gốc dẻ đỏ sau bao năm luồn lách những chiếc rễ non qua từng phiến đá để hút ít dinh dưỡng từ lòng đất mẹ để duy trì sự sống, giờ bị nhổ bật lên một cách thô bạo, nằm gọn trong thùng xe của những kẻ săn lùng lợi nhuận.
“Hoa dẻ đỏ thuộc loại khá hiếm, hương thơm vừa ngọt ngào vừa thanh thoát, cánh hoa cong xoắn như những chiếc đèn lồng nhỏ màu đỏ. Mỗi lần cây nở hoa là như một lần đất trời lắng lại để ngắm nhìn,” anh Nguyễn Hữu Bình (phường Quảng Hưng, TP Thanh Hóa), một người chơi sinh vật cảnh lâu năm, nhẹ nhàng vuốt cánh hoa dẻ trên chậu bonsai trước mặt, chậm rãi mô tả.

Anh Bình chia sẻ thêm: “Tôi đi nhiều nơi, tìm mua khắp các vùng, nhưng dẻ đỏ ở Ngàn Nưa vẫn là đẹp nhất. Cây càng lâu năm thì hương càng sâu, càng quyến rũ, như thể hút hồn người chơi từ lần chạm đầu tiên.”
Không giống như dẻ vàng thường gặp, hoa dẻ đỏ có đủ 6 sắc màu riêng, được dân chơi gọi với những cái tên mỹ miều: Tiết chim câu, Huyết long, Chu sa, Cam đậm, Cam vàng, Vàng. Trong đó, màu huyết long – đỏ sẫm như máu rồng – là hiếm gặp nhất, được xem là “ngọc quý” trên thị trường hoa cảnh.
Chính từ vẻ đẹp khác lạ và sự hiếm hoi đó, hoa dẻ đỏ nhanh chóng trở thành "cơn sốt" sau phong trào lan đột biến. Các hội nhóm trên mạng xã hội liên tục chia sẻ hình ảnh cây dẻ trong chậu bonsai với giá trị hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/cây.

Như lời ông Hoàng Văn Chung, Chủ tịch UBND thị trấn Nưa (Triệu Sơn, Thanh Hóa), chia sẻ: “Chúng tôi rất lo ngại khi ngày càng nhiều người từ nơi khác kéo đến, tự ý đào bứng cây trong rừng. Mỗi gốc dẻ bị nhổ lên là một vết thương để lại trên đất. Nhìn những khoảng rừng bị xới tung, trơ trọi như mất đi lớp da bảo vệ, ai cũng xót xa.”
Chia rẽ rừng – chia cả lòng người
Trong các bản làng ven dãy Ngàn Nưa, câu chuyện về hoa dẻ đỏ không còn chỉ là chuyện của một loài cây. Nó đang âm thầm vạch ra một đường ranh giữa hai thế hệ, giữa những người từng sống cùng rừng và những người sẵn sàng khai thác nó để sống.
Ông Cao Bá Kỳ (80 tuổi) sống tại chân núi Nưa thuộc xã Tân Khang, huyện Nông Cống lặng người khi kể về những buổi sáng hái dẻ ngày xưa. “Hồi trước, chúng tôi chỉ hái vài cành mang về nhà cắm, hương dẻ thơm dịu như mùi gạo mới, để bàn thờ tổ tiên thêm phần ấm cúng. Dẻ là cây của rừng, chứ đâu phải của con người.”
Cũng theo ông Kỳ, rừng không còn là mái nhà chở che như xưa, mà dần trở thành “kho báu” để khai thác. Những thanh niên từng theo cha ông lên rừng săn chim, hái nấm, dựng lán, giờ đây trở thành những tay săn cây chuyên nghiệp, biết giá từng loại gốc, từng màu hoa, thậm chí lên mạng rao bán và mặc cả như người buôn. Họ không xấu chỉ là họ nhìn rừng bằng một ánh mắt khác, ánh mắt của những người cần tiền, cần sống.
Sự thay đổi trong cách nhìn nhận về cây dẻ – từ một biểu tượng tâm linh, một phần ký ức cộng đồng, trở thành một món hàng có thể quy đổi thành tiền – đã tạo ra những rạn nứt âm thầm trong lòng thôn bản. Có gia đình cha con tranh cãi vì người cha can ngăn con vào rừng đào cây. Có anh em giận nhau vì chia nhau không đều số tiền từ một chuyến săn hoa dẻ. Có những người già chọn im lặng, lặng lẽ nhìn rừng bị đào xới, như thể sợ mình nói ra sẽ không còn được lắng nghe.
Không chỉ chia rẽ con người với rừng, cơn sốt dẻ đỏ còn âm thầm chia rẽ lòng người với nhau. Có lẽ, sự mất mát lớn nhất không nằm ở những gốc cây bị bật rễ, mà nằm ở việc người ta đang dần quên đi cách sống cùng rừng – thứ đã từng nuôi dưỡng bao thế hệ nơi đây bằng sự tĩnh lặng, chứ không phải bằng những cơn sốt.
Bài Cuối: Hương rừng và mơ ước níu giữ sắc đỏ Ngàn Nưa