Người thầy định hướng lý tưởng sống cho chúng tôi

Vừa gieo chữ, thầy vừa là người định hướng lý tưởng sống cho chúng tôi. Hơn 20 năm đã rời xa mái trường thân yêu, nhưng mỗi lần nhớ về trường cũ tôi không thể nào quên người thầy đã dìu dắt chúng tôi từng bước trên đường đời để chúng tôi trở thành người có ích cho xã hội…
img-7068-3-1700374780.jpg
Trong ảnh, thầy giáo Nguyễn Hoàng Mạc người mặc áo trắng, đứng thứ 5 từ phải

Thầy Nguyễn Hoàng Mạc vốn sinh ra ở thôn Cao Lãm, xã Cao Thành, Ứng Hòa (Hà Nội) - một làng quê nghèo nhưng người dân có chí hiếu học, trở thành một làng nghề dạy học, làng khoa bảng...  

Ròng rã gần 50 năm với sự nghiệp trồng người, tài sản lớn nhất mà thầy có được chính là tình cảm yêu mến của các thế hệ học trò, đặc biệt nhiều người đến nay đã thành danh, có địa vị trong xã hội: Cựu Bộ trưởng; nhiều vị đương kim Chủ tịch UBND các tỉnh thành; tướng lĩnh, nhà thơ, bác sỹ…

Bản thân gia đình thầy có đến 14 người làm nghề giáo: Nguyễn Hoàng Hải, trường nghiệp vụ quản lý (Hiện Cục phó Cục ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ); Nguyễn Thị Du Hằng, giảng viên Đại học Y Thái Nguyên; Nguyễn Thị Hoàng Vân, giảng viên Khoa vật lý, Đại học Hàng hải, Hải Phòng; Nguyễn Đăng Dương, giảng viên Đại học Y Thái Nguyên, tiến sỹ Nguyễn Thị Yến, Đại học Y Hà Nội, TS Robe hiện đang giảng dạy ở Mỹ...

Khi nhắc đến tên thầy, những ký ức trong tôi bỗng òa về với ăm ắp những kỷ niệm của một thời đèn sách. Thời gian như bóng câu qua cửa. Mới đó mà đã gần 20 năm. Khi đó, tôi đang là học sinh trường chuyên, vang danh thủ đô và cả nước. May mắn, tôi được tham dự kỳ học sinh giỏi môn Lịch sử Quốc gia và còn cùng tập thể lớp đạt giải Vàng Tiếng hát học sinh thủ đô.

Theo mong muốn của cô Trương Thị Kim Dung (Hiệu trưởng trường chuyên Lê Quý Đôn (Hà Nội), đại biểu Quốc hội khi ấy - PV), hàng tuần chúng tôi lại tổ chức những chương trình văn nghệ, kiểm tra kiến thức của học sinh. Với những câu hỏi hóc búa nhất của cô hiệu trưởng, cả trường im bặt, tôi tự tin giơ tay trả lời và nhận phần quà từ cô. Vậy mà do ngạo mạn và nông nổi, tôi quyết định bỏ học giữa chừng.

Tôi quyết định làm kinh doanh, với khát vọng làm giàu. Tiền kiếm được nhiều, nhưng đau đáu với ước mơ trở thành “Nhà báo”. Tôi đi học bổ túc trường Tây Sơn (Hà Nội), với chương trình học 2 năm 3 lớp. Ngày khai giảng, thầy Mạc xuất hiện với vầng trán cao, tính nết hiền hòa, giọng thầy sang sảng khi nói với chúng tôi về những bài học, không có trong sách vở.

Thầy từng nhấn mạnh: “Tôi mong muốn, mỗi một con người chúng ta phải sống có ý thức và trách nhiệm với xã hội. Nguyên do của tệ nạn xã hội chính là do nhiều người sống không có trách nhiệm với xã hội.”. Thầy đặc biệt chú trọng đến vấn đề giáo dục nhân cách sống cho học trò bởi theo thầy “giáo viên không chỉ là người tuyên truyền, phổ biến kiến thức trong sách giáo khoa. Việc giáo dục nhân cách cho học trò không tốt sẽ khiến chúng không có quan điểm, nhận thức xã hội đúng đắn dẫn tới một con người ích kỷ, nhẫn tâm, vô ơn, vô cảm. Hậu quả đau lòng nhất sẽ xảy ra khi những con người đó bước chân ra xã hội sẽ dễ dẫn tới những tệ nạn như trộm cắp, cướp giật ..."

Với trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững chắc cùng với nhân cách cao thượng, thầy đã tận tâm dạy bảo chúng tôi hết sức kỹ lưỡng, đánh giá thành quả học tập của mọi người một cách chính xác, công bằng bất chấp mọi áp lực từ tiền bạc, quyền thế hay các động cơ cá nhân nào khác.

Thầy luôn ý thức, nếu đã lựa chọn và chấp nhận làm thầy giáo chân chính thì bản thân mình phải từ bỏ nhiều tham vọng, để thực sự đúng nghĩa là thầy, phải tự học để bồi dưỡng và nâng cao trình độ của mình lên.

Bản thân thầy, trong những năm tháng đi dạy, thầy luôn ý thức mối quan hệ tương hỗ giữa thầy và trò. Sự tác động qua lại lẫn nhau, giúp cho hai bên đều không ngừng hoàn thiện mình. Việc học trò, mà thầy từng giảng dạy thành đạt, có vị thế trong xã hội là niềm vui lớn của người thầy giáo. Thầy Nguyễn Hoàng Mạc của chúng tôi là thế!./.

Tuấn Trần