Chiều 20/5, Phó Thủ tướng Lê Thành Long dẫn đầu đoàn công tác gồm lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đại diện các bộ, ngành liên quan và chính quyền tỉnh Hà Nam, đến khảo sát dự án Khu Đại học Nam Cao – tọa lạc trên địa bàn thị xã Duy Tiên và thành phố Phủ Lý.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trương Quốc Huy, Khu Đại học Nam Cao được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2013 với quy mô 754 ha, đáp ứng nhu cầu đào tạo cho khoảng 50.000 – 80.000 sinh viên, tổng vốn đầu tư ước tính trên 19.000 tỷ đồng.
Dù được kỳ vọng là "cực tăng trưởng giáo dục", sau hơn một thập kỷ, dự án vẫn triển khai chậm, mới chỉ có Trường Đại học Xây dựng Hà Nội và cơ sở giáo dục của Công ty TNHH Giáo dục FPT đưa một phần công trình vào sử dụng.
Nhiều trường đại học lớn đã bày tỏ quan tâm và lên kế hoạch đầu tư tại khu này như: Đại học Y Hà Nội, Đại học Kinh tế Quốc dân, Đại học Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai… Tuy nhiên, hiện đa phần các trường vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện thủ tục.
Đại học Kinh tế Quốc dân chuẩn bị phân hiệu đào tạo 5.000 sinh viên, vốn đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng. Trường Đại học Xây dựng Hà Nội đã xây dựng giảng đường, ký túc xá và chuẩn bị khởi công phân hiệu mới. Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đang đề xuất thành lập Đại học Y Dược Bạch Mai, quy mô 6.000 sinh viên.
Học viện Ngân hàng dự kiến đầu tư cơ sở 2 tại Khu Đại học này với quy mô đào tạo khoảng 4.000 sinh viên, vốn đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng. Hiện Học viện đang thực hiện thủ tục chủ trương đầu tư để báo cáo Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.
Trước đó, chiều ngày 26/03/2025, Đoàn công tác của Học viện Ngân hàng do PGS.TS. Bùi Hữu Toàn – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Học viện làm Trưởng đoàn đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hà Nam.
Cùng tham dự Đoàn công tác còn có PGS.TS. Phạm Thị Hoàng Anh – Phó Giám đốc phụ trách Ban Giám đốc Học viện; PGS.TS. Nguyễn Thanh Phương – Phó Giám đốc Học viện cùng Trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc Học viện
Tại buổi làm việc, ông Trương Quốc Huy Bí thứ Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, với 21ha đất tại Khu Đại học Nam Cao và 500 tỷ đồng hỗ trợ từ ngân sách địa phương dành cho Học viện Ngân hàng xây dựng cơ sở 2 tại Hà Nam sẽ góp phần thay đổi diện mạo giáo dục tại Hà Nam. Bên cạnh đó, tỉnh Hà Nam cũng đồng hành, hỗ trợ Học viện trong công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch và thiết kế thi công.
PGS.TS Bùi Hữu Toàn đã gửi lời cảm ơn lãnh đạo tỉnh Hà Nam đã dành sự quan tâm, tiếp đón, cũng như tạo điều kiện tốt nhất để Đoàn công tác Học viện khảo sát, nghiên cứu cơ hội đầu tư xây dựng cơ sở 2. Đồng thời PGS.TS cũng chúc mừng những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội trong những năm qua của tỉnh Hà Nam.
Trở lại buổi làm việc chiều ngày 20/5, theo tỉnh Hà Nam, hai nhóm khó khăn chính đang cản trở tiến độ triển khai gồm: Thiếu vốn đầu tư công cho công tác giải phóng mặt bằng và xây dựng hạ tầng kỹ thuật thiết yếu. Chưa có cơ chế hỗ trợ tài chính cho các trường đại học trong nội đô Hà Nội di dời ra ngoại thành theo chủ trương của Chính phủ. Ngoài ra, nhiều trường còn thiếu kinh nghiệm trong triển khai thủ tục đầu tư xây dựng, khiến tiến độ bị chậm so với kỳ vọng.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao tầm nhìn chiến lược của tỉnh Hà Nam trong quy hoạch Khu Đại học Nam Cao. Ông nhấn mạnh việc tạo dựng một môi trường học tập đồng bộ, hiện đại là yếu tố quan trọng để thu hút sinh viên và giảng viên.
Bộ trưởng đề nghị các trường sớm hoàn thiện thủ tục thành lập phân hiệu, đồng thời ủng hộ việc thành lập Đại học Y Dược Bạch Mai tại Hà Nam.
Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam cam kết bố trí vốn để khởi công phân hiệu của Đại học Xây dựng vào tháng 9 và Đại học Kinh tế Quốc dân vào tháng 11, đồng thời mong muốn Bộ sớm phê duyệt chủ trương đầu tư trong tháng 5/2025.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long khẳng định: “Xây dựng Khu Đại học Nam Cao là hoàn toàn đúng hướng”, góp phần thực hiện đột phá chiến lược trong giáo dục, khoa học công nghệ và phát triển vùng”.
Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành phối hợp chặt chẽ với tỉnh để thúc đẩy tiến độ và hiện thực hóa đề án. Các trường đại học xây dựng đề án đầu tư tổng thể thay vì tách lẻ từng hạng mục.
Phân kỳ đầu tư cần dựa trên năng lực vốn, nhưng phải thống nhất theo tổng thể quy hoạch chung. Ưu tiên hoàn thành nhanh phân hiệu Đại học Xây dựng và Kinh tế Quốc dân.
Đồng thời, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Giáo dục và tỉnh Hà Nam tạo thuận lợi về thủ tục đầu tư, bố trí ngân sách, đồng hành cùng các trường đưa khu đại học vào vận hành, tránh tình trạng quy hoạch “treo” kéo dài./.