Hiện nay, Nhật Bản có 1.657 dự án đang hoạt động, chiếm 14% số dự án đầu tư nước ngoài (FDI) trên địa bàn Thành phố với tổng số vốn đầu tư hơn 5,7 tỷ USD. Năm 2023 Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư (ITPC), đơn vị đầu mối của Thành phố tiếp tục chủ trì phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) tiếp nhận các vấn đề gặp phải trong các lĩnh vực: Thuế, Hải quan, Pháp luật - Lao động và Môi trường - Đời sống của các doanh nghiệp Nhật Bản. Thành phố đánh giá cao sự cởi mở chân thành, tin tưởng và chia sẻ các khó khăn một cách thẳng thắn với chính quyền Thành phố để cùng nhau tìm ra giải pháp vượt qua khó khăn, cùng phát triển.
“Chính quyền Thành phố cam kết luôn đồng hành, cùng vượt khó để cùng thành công với các cộng đồng doanh nghiệp. Quý vị hãy tin tưởng, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng và khó khăn của quý vị để Thành phố thấu hiểu hơn và có những hỗ trợ kịp thời, phù hợp cho quý vị. Với những vấn đề quý vị nêu ra ngày hôm nay hoặc gửi trước đó sẽ được các đơn vị chuyên môn của Thành phố giải đáp một cách tận tình, thỏa đáng”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.
“Năm 2023 đánh dấu thêm một dấu mốc vào hành trình hợp tác lâu dài cùng nhau giữa Thành phố và Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản. Đồng thời, kiến nghị từ các doanh nghiệp Nhật Bản giảm xuống rõ rệt về cả số lượng và độ phức tạp. Điều này chứng minh rằng việc chúng ta gặp nhau ở Hội nghị Bàn tròn doanh nghiệp Nhật Bản mỗi cuối năm rất có ý nghĩa và cần thiết, hỗ trợ hiệu quả cho quá trình kinh doanh đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản cũng như đóng góp vào việc cải thiện môi trường đầu tư của Thành phố. Sự đồng hành của các bạn trong một năm vừa qua cũng góp phần không nhỏ vào việc thực hiện chủ đề năm 2023 của Thành phố nhằm ‘Nâng cao hiệu quả hoạt động công vụ, đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội’ với nhiều kết quả tích cực so với kế hoạch đề ra”, ông Phan Văn Mãi chia sẻ.
Được biết, từ tháng 8/2023, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh (ITPC) và Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản (JCCH) đã phối hợp chặt chẽ để chuẩn bị Hội nghị Bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản lần thứ 22 này. Trong ba ngày 22, 23 và 27 tháng 10 năm 2023, ITPC đã phối hợp với 12 đơn vị Sở ban ngành tổ chức bốn phiên họp trù bị về các lĩnh vực Thuế, Hải quan, Pháp luật - Lao động, Môi trường - Đời sống.
Ông Mizushima Kozo - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh (JCCH) cho biết: “Chương trình Bàn tròn Doanh nghiệp Nhật Bản năm 2023 đã trao đổi về vấn đề pháp lý - lao động; thuế - hải quan; môi trường - đời sống. Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã đề xuất 17 yêu cầu, kiến nghị của các doanh nghiệp Nhật Bản. Mỗi yêu cầu dưới sự chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi và các cơ quan ban, ngành có liên quan đã phản hồi, giải đáp rất tích cực, chân thành. Hầu hết các yêu cầu đã được giải quyết. Đối với những vấn đề còn lại, Thành phố sẽ tiếp tục hỗ trợ giải quyết”.
“Tính đến tháng 4 năm nay, JCCH đã có 1.053 thành viên đứng thứ ba về quy mô lớn của 100 hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài trên khắp thế giới. Trong 10 năm qua, số lượng thành viên của JCCH cũng đã tăng gấp đôi, thể hiện sự quan tâm của doanh nghiệp Nhật Bản đối với khu vực phía Nam, đặc biệt là Thành phố Hồ Chí Minh”, ông Mizushima Kozo chia sẻ.
“Trong cuộc khảo sát doanh nghiệp Nhật Bản triển khai hoạt động mở rộng thị trường nước ngoài do Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) thực hiện vào năm trước, Việt Nam xếp thứ hai sau Hoa Kỳ trong danh sách các quốc gia và khu vực mà doanh nghiệp Nhật Bản muốn mở rộng kinh doanh trong tương lai; 90 % doanh nghiệp mong muốn mở rộng kinh doanh ở Việt Nam chọn câu trả lời đó là quy mô thị trường và tiềm năng tăng trưởng của Việt Nam là lý do chính. 10 % nhà đầu tư nước ngoài tại Thành phố Hồ Chí Minh là các doanh nghiệp của Nhật Bản. Tuy nhiên vẫn còn nhiều doanh nghiệp, với nhiều tiềm năng có thể đầu tư hơn nữa”, ông Mizushima Kozo cho biết.
Ông Mizushima Kozo mong muốn Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có những đề bài đưa ra cho JCCH để hai bên cùng nhau hợp tác hiệu quả. JCCH xem việc củng cố quan hệ với Thành phố là rất quan trọng. Bày tỏ mong muốn thông qua hội nghị này, JCCH đóng góp vào việc thúc đẩy sâu rộng hơn nữa mối quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản và góp phần vào sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh trong tương lai, và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan liên quan, ngành, đoàn thể của Thành phố Hồ Chí Minh.
“Thành phố sẽ xác định cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản là một trong những đối tác quan trọng đối với Thành phố và Thành phố sẽ tăng cường hợp tác, trao đổi, cải thiện để đón nhận sự đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản một cách hiệu quả nhất”, ông Phan Văn Mãi khẳng định.
“Thành phố đang rà soát lại quy hoạch, tái cơ cấu lại cấu trúc kinh tế của Thành phố theo hướng sẽ tập trung phát triển kinh tế dịch vụ theo hướng tập trung phát triển công nghiệp công nghệ cao, sáng tạo, phát triển các dịch vụ có lợi thế của Thành phố. Về đầu tư hạ tầng, Thành phố không chỉ tập trung hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật mà còn có hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị và đặc biệt tập trung cho phát triển hạ tầng số. Trong quá trình hoàn thiện quy hoạch của Đông Nam Bộ, Thành phố xác định liên kết vùng không chỉ với vùng Đông Nam Bộ, mà còn liên kết hợp tác giữa Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long”, Phan Văn Mãi thông tin thêm.