Thách thức lớn trong chuyển đổi số ngân hàng khu vực nông thôn

Hoạt động "tín dụng đen" vẫn còn tồn tại ở vùng nông thôn với nhiều thủ đoạn mới, núp dưới "vỏ bọc" công ty dịch vụ tài chính...
1310a-1697210198.jpeg
Thách thức lớn trong chuyển đổi số ngân hàng khu vực nông thôn.

Theo Bộ Công an, sau hơn một năm triển khai thực hiện Đề án 06/CP, cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với 17 trường thông tin của hơn 100 triệu công dân được số hóa và bổ sung, cập nhật thường xuyên bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống".

Đến nay đã kết nối với với 15 bộ, ngành, 01 doanh nghiệp Nhà nước, 03 doanh nghiệp viễn thông và 63 địa phương, góp phần bổ sung và "làm giàu" dữ liệu.

Hiện, "đã có hơn 84 triệu thẻ căn cước gắn chíp điện tử đã được cấp cho 100% công dân đủ điều kiện. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam có nền tảng định danh quốc gia, đến nay đã thu nhận trên 64 triệu tài khoản định danh điện tử (VNeID), kích hoạt trên 42 triệu tài khoản", báo cáo của Bộ Công an nêu trong Hội thảo "Chuyển đổi số tài chính, ngân hàng và cơ hội của nông dân" tổ chức ngày 13/10.

1310a1-1697210018.jpeg
Đại tá Vũ Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phát biểu tại Hội thảo

Về các dịch vụ công trực tuyến, Bộ Công an cho biết hiện các dịch vụ công trực tuyến đã có bước đột phá với 25/25 dịch vụ công thiết yếu liên quan đến người dân, trong đó có hai dịch vụ liên thông. Riêng Bộ Công an đã mở rộng cung cấp 224/224 dịch vụ công theo chức năng, nhiệm vụ.

"Việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp, loại bỏ dần tình trạng "tham nhũng vặt", đồng thời tiết kiệm chi phí mỗi năm khoảng 2.500 tỷ đồng", Bộ Công an nhấn mạnh.

Theo Bộ Công an, các giải pháp ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử để quản trị xã hội, phát triển kinh tế được thúc đẩy mạnh mẽ. Điều này giúp xác thực, làm sạch, đảm bảo chính xác đối tượng được hưởng an sinh xã hội để thực hiện chi trả không dùng tiền mặt.

Các giải pháp điện tử số sẽ xác thực sinh trắc học trên thẻ căn cước công dân tại các cơ sở khám chữa bệnh; dùng căn cước công dân, ứng dụng VNeID tạo lập tài khoản và giám sát việc thu thuế; xác thực thông tin tín dụng khách hàng vay, đảm bảo chính xác danh tính, phòng ngừa tội phạm lừa đảo, hạn chế rủi ro; xác thực thông tin thuê bao di động, từng bước loại bỏ tình trạng "sim rác" hoạt động lừa đảo, vu khống, đe dọa, v.v.

Bộ Công an khẳng định, với Đề án 06/CP đã giúp người dân Việt Nam trong đó có tầng lớp người nông dân đến gần hơn với chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương thông qua các "điểm chạm số trên nền tảng số" trên VNeID, ứng dụng thẻ CCCD gắn chip điện tử, ứng dụng ATM mềm, cửa khẩu số, chợ số, nông nghiệp số, nền tảng thương mại điện tử, kênh bán hàng trực tuyến…

Việt Nam là quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng Internet cao nhất trên thế giới, số lượng người sử dụng Internet tại Việt Nam đạt gần 78 triệu người gần 80% tổng dân số, dữ liệu cá nhân của 2/3 dân số đang được lưu trữ, đăng tải, chia sẻ, thu thập trên không gian mạng với nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Thực tế, tình trạng lộ, mất, mua bán dữ liệu cá nhân diễn ra khá công khai, phổ biến trên không gian mạng, tác động nghiêm trọng tới quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức gây bức xúc trong xã hội.

"Tại các vùng nông thôn xuất hiện ngày càng nhiều hiện tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng; các đối tượng đã lợi dụng vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, thiếu sự tiếp cận thông tin của người nông dân để đưa ra các chiêu trò, lừa đảo, như: giả danh cơ quan pháp luật yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào số tài khoản cho đối tượng cung cấp… Đồng thời, hoạt động "tín dụng đen" vẫn còn tồn tại ở vùng nông thôn với nhiều thủ đoạn mới, núp dưới "vỏ bọc" công ty dịch vụ tài chính hay thủ đoạn lập các website, app ứng dụng trên điện thoại, sử dụng mạng xã hội (zalo, facebook…) đăng tin quảng cáo, cho vay tiền", Báo cáo của Bộ Công an nêu.

Cũng tại hội thảo, TS.Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã nêu ra 7 thách thức của chuyển đổi số ngành ngân hàng Việt Nam, gồm:

Một là, khung pháp lý còn chậm so với tốc độ phát triển công nghệ. Nhiều quy định pháp luật còn chưa rõ, chưa đồng bộ gây khó khăn, bất cập cho quá trình chuyển đổi số.

Hai là, chi phí đầu tư công nghệ cao, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển ngân hàng số còn nhiều bất cập.

Ba là, rủi ro công nghệ thông tin và chuyển đổi số tăng.

Bốn là, hạn chế về cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin.

Năm là, hạn chế về nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyên gia công nghệ thông tin, chuyển đổi số, phân tích dữ liệu thiếu và yếu.
Sáu là, mạng lưới chi nhánh và cơ sở hạ tầng của các tổ chức cung ứng dịch vụ tại khu vực nông nghiệp nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng đúng, đủ nhu cầu của người dân, do vậy, chưa thu hút được sự quan tâm của người dân.

Bảy là, hạ tầng số nhiều nơi ở khu vực nông thôn có chất lượng kém hơn so với khu đô thị, mức độ hiểu biết và kỹ năng vận hành công nghệ số bình quân ở mức thấp.

1310b-1697210018.jpeg
Ông Surajit Rakshit - giám đốc toàn quốc trung tâm thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng ngân hàng HSBC.

Ông Surajit Rakshit - Giám đốc toàn quốc Trung tâm thanh toán quốc tế và tài trợ chuỗi cung ứng ngân hàng HSBC cho biết, HSBC đã cung cấp cho các đối tác doanh nghiệp nông thôn ở trong và ngoài nước, sử dụng nền tảng số có tên là HSBC NET, khi khách hàng tham gia vào nền tảng số này họ có thể thực hiện được tất cả các giao dịch thanh toán cũng như các khoản phải thu, điều này giúp cho khách hàng có trải nghiệm liền mạch thông suốt.

Theo ông Rakshit, để chuyển đổi số tốt việc đầu tiên cần làm là thay đổi tư duy. “Chúng tôi cũng có một khách hàng là Singapore là công ty về nông sản và chăn nuôi toàn cầu. Chúng tôi đã cung cấp cho họ giải pháp blockchain, tăng tính bảo mật, an toàn và giao dịch thanh toán ngân hàng nhanh hơn, loại bỏ bớt bên trung gian tham gia trong quá trình giao dịch. Từ đó, tính minh bạch sẽ cải thiện nhiều hơn, tăng truy xuất nguồn gốc. Như rất nhiều diễn ra đã nói trước tôi, khi nói về số hóa trong nông nghiệp điểm đầu tiên chúng ta cần quan tâm nhất là thay đổi tư duy”, ông Rakshit dẫn chứng.

Ngoài ra, ông Rakshit cũng khẳng định cần thích ứng với nhu cầu phát triển của các khách hàng, đối tác. Khi ứng dụng lợi ích ứng dụng công nghệ trong hệ thống nông nghiệp, người dùng sẽ được tiếp cận dữ liệu chính xác hơn. Việc tham gia vào nông nghiệp số, không hẳn chỉ tiết kiệm chi phí, quan trọng hơn tăng tính bảo mật, tăng tính minh bạch hơn trong quá trình giao dịch từ đó giúp họ hoạch định, tăng năng suất hiệu quả hơn. Số hóa toàn bộ quy trình từ sản xuất, thu hoạch, lưu kho, phân phối sẽ giúp các bên liên quan có cái nhìn tổng quan rõ hơn về dòng vốn, dòng tiền.

Ngọc Diệp