So với những ngày tết khác của người Mông, tết Cấm rừng không phải ngày lễ lớn, nhưng các quy định từ ngàn xưa được tuân thủ nghiêm ngặt. Tới ngày tết, các gia đình người Mông thắp hương trên ban thờ, đồ lễ được sắp thường có rượu, hương, thuốc lào và chè; trong thời gian cấm rừng, người Mông tuyệt đối không vào rừng chặt cây, đốn củi hay săn bắn hái lượm.
Sở dĩ có Tết Cấm rừng là vì người Mông sống chủ yếu dựa vào rừng, nên từ thời cổ xưa, hơn ai hết, họ hiểu tầm quan trọng của rừng trong đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc mình. Sau một năm sống nhờ khai thác những sản vật của rừng để sinh tồn và phát triển, đến mùa xuân, khi khí hậu thuận hoà, người Mông Cấm rừng để cho rừng hồi sinh.
Đó là khoảng thời gian linh thiêng thể hiện sự tôn thờ, ngưỡng mộ của con người với thiên nhiên; một khoảng lặng nâng niu những giờ phút sinh sôi nảy nở của rừng sau một năm vắt kiệt sức mình để nuôi dưỡng con người. Mỗi người Mông đều tự giác tuân theo quy định của tổ tiên, nếu ai làm ngược lại sẽ bị thần rừng trừng phạt.
Người vi phạm bị kết tội làm “động rừng”; và suốt năm đó, nếu trong bản xảy ra bất cứ một điều không may về sức khoẻ của con người, hay mùa màng thất bát, gia súc, gia cầm ốm đau bệnh tật… tất cả đều do lỗi của người đã phạm vào rừng thiêng. Hình phạt cho người vi phạm, nhẹ thì sẽ bị phạt vạ; còn nặng, có người phải bỏ quê hương đi biệt xứ.
Sau Tết tháng Hai, khi mở cửa rừng, người Mông mới được vào rừng khai thác nhưng phải tuân theo những quy định rất nghiêm ngặt. Không săn bắn thú nhỏ, không hái những cây măng già mà để cho nó phát triển thành cây lớn, không chặt phá bừa bãi làm tổn hại rừng, không lãng phí lúc khai thác rừng,…
Những quy định đúng đắn, khoa học từ ngàn xưa trong tín ngưỡng về rừng thật sự là nét văn hoá đẹp của người Mông, một trong những tộc người sống chủ yếu bằng kinh tế rừng, đã bảo vệ rừng, gìn giữ được vẻ đẹp của rừng, gìn giữ sức mạnh của rừng, như là một sự tri ân đối với rừng vậy.
Bắt nguồn từ lòng biết ơn đối với rừng, nhưng sâu xa hơn, Tết Cấm rừng của người Mông khởi phát chính từ quan niệm vạn vật hữu linh, đây là một biểu hiện của tín ngưỡng tôtem trong đời sống tâm linh của người Mông, một tộc người theo tín ngưỡng đa thần giáo, thờ thần Núi, thần Rừng, thần Mặt trời…., chính vì vậy, mỗi bản làng bao giờ cũng có một khu rừng thiêng để dân bản gìn giữ và những khu rừng để khai thác nguồn lợi chung cho tất cả mọi người trong bản.
Những khu rừng thiêng là những khu rừng rừng nguyên sinh thâm u, người Mông truyền nhau rằng: những khu rừng càng rậm rạp, nhiều cây to thì càng có nhiều ma rừng trú ngụ. Ma rừng sẽ bắt hồn tất cả những ai dám phá hoại lãnh địa của chúng. Trong Lễ Cấm rừng, cả hai loại rừng này đều được gìn giữ, “cấm” xâm phạm.
Thực ra, những khu rừng thiêng người Mông cấm không cho phép bất cứ ai được xâm phạm chính là rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ mà ngày nay luôn được nói tới bởi vai trò to lớn của nó đối với cuộc sống của cả một vùng rộng lớn từ miền núi tới đồng bằng không chỉ riêng với người Mông. Những khu rừng đó chính là nơi lưu giữ và điều hoà nguồn nước, giữ độ ẩm cho cây cối phát triển, giữ cho rừng không bị sụt lở, xói mòn.
Và những khu rừng để khai thác nguồn lợi chung thì từ khi làm lễ Cấm rừng, không ai được vào rừng khai thác; sau lễ Cấm rừng người Mông được vào rừng khai thác tài nguyên rừng phục vụ cuộc sống nhưng không được phép tàn phá rừng. Những quy định nghiêm ngặt của tín ngưỡng từ xa xưa của người Mông đã gìn giữ cho những cánh rừng đại ngàn phát triển, tránh thiên tai lũ lụt cho con người.
Sự phân chia rừng và tục Cấm rừng của người Mông như vừa nói ở trên rất khoa học, thể hiện nhận thức đúng đắn của người Mông từ cổ xưa về mối quan hệ cộng sinh lâu bền giữa con người với rừng núi.
Không cần bàn đến những vấn đề cao siêu của khoa học về rừng, như rừng “với tư cách là một trong những thành tố quan trọng nhất tạo nên sự cân bằng sinh thái trong các thung lũng bồn địa”, mà bằng kinh nghiêm máu xương ngàn đời gắn bó với rừng, người Mông đã coi thiên nhiên là đồng loại với mình và bảo vệ rừng như bảo vệ đồng loại một cách tự nhiên và tự nguyện.
Theo tín ngưỡng của họ, nguồn nước, thảm thực vật, động vật của rừng “được quản lý bằng các lực lượng siêu nhiên có sức mạnh phi thường”, từ quan niệm đó, con người biết tôn trọng các thành tố môi trường khác vốn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến đời sống cộng đồng.
Tín ngưỡng nhiên thần của người Mông với Tết Cấm rừng có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, ngăn chặn sự phá hoại và bòn rút tự nhiên vô ý thức của con người. Đây là một trong những phong tục đẹp cần được giữ gìn và phát huy, không chỉ đối với người Mông mà với tất cả các cư dân sinh sống ở miền núi./.