Sáng 29/3, kết luận Phiên họp thứ 10 của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải (Ban Chỉ đạo), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị giải quyết dứt điểm những hạn chế và thực hiện "sáu hơn" trong triển khai các công trình giao thông trọng điểm.
Nỗ lực giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó do thiếu vật liệu
Theo Ban Chỉ đạo, hiện nay cả nước có 34 dự án lớn, 86 dự án thành phần quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại 45 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong số đó có 5 dự án đường sắt, 2 dự án cảng hàng không, còn lại là các dự án đường bộ, chủ yếu là đường bộ cao tốc và các đường vành đai vùng Thủ đô Hà Nội, đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh.
Các cấp chính quyền địa phương đã nỗ lực triển khai giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật; đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục trong chuẩn bị đầu tư; chỉ đạo các nhà thầu khắc phục các khó khăn, vướng mắc, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để đẩy mạnh thi công các dự án được giao là cơ quan chủ quản; giải quyết kịp thời thủ tục cấp mỏ cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù.
Đối với công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Đường bộ Cao tốc Hòa Bình-Mộc Châu đoạn qua Sơn La; trình Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án Cao tốc Gia Nghĩa-Chơn Thành; đang hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án Dầu Giây-Tân Phú, Tân Phú-Bảo Lộc, Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài; đang triển khai lập Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án Cao tốc Ninh Bình-Hải Phòng, Bảo Lộc-Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành.
Công tác giải phóng mặt bằng được đa số các địa phương tích cực thực hiện, cơ bản đáp ứng tiến độ thi công; song việc xây dựng các khu tái định cư, di dời đường điện cao thế triển khai còn chậm so với yêu cầu. Tỉnh Quảng Trị, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Đồng Nai thực hiện giải phóng mặt bằng chậm so với kế hoạch đề ra tại một số dự án trên địa bàn.
Đối với việc cung cấp vật liệu xây dựng thông thường, tại Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các dự án thành phần từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa, các nhà thầu mới khai thác được 14/17 mỏ cát đáp ứng khoảng 91% nhu cầu và 43/55 mỏ đất đáp ứng khoảng 77% nhu cầu; các mỏ còn lại chưa khai thác được do đang thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng rừng.
Với dự án thành phần đoạn Cần Thơ-Cà Mau, các địa phương đã bố trí nguồn cung cát được 16,02 triệu m3, còn 2,98 triệu m3 chưa xác định nguồn. Một số dự án như Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Biên Hòa-Vũng Tàu vẫn còn khó khăn trong xác định nguồn vật liệu đắp…
Sau khi các đại biểu thẳng thắn nêu những hạn chế, vướng mắc và trách nhiệm giải quyết các vấn đề, nhất là trong thủ tục đầu tư; việc cấp, khai thác mỏ vật liệu thông thường; giải phóng mặt bằng; chuyển mục đích sử dụng rừng…, kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương các bộ, ngành và địa phương đã chủ động, tích cực, phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao; các chủ đầu tư, nhà thầu tiếp tục nỗ lực tổ chức thi công với quyết tâm “vượt nắng, thắng mưa," “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương," thi công “3 ca, 4 kíp," làm việc cả thứ Bảy, Chủ nhật để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở ra không gian phát triển mới cho các địa phương và cả nước.
Các bộ ngành động bộ vào cuộc tháo gỡ 9 vấn đề tồn đọng
Chỉ rõ 9 hạn chế và trách nhiệm từng các bộ, ngành, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khối lượng công việc triển khai năm 2024 và thời gian tới là rất lớn; yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nâng cao tinh thần, trách nhiệm, tích cực, quyết liệt hơn nữa, tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thực hiện các nhiệm vụ triển khai các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các chủ đầu tư, yêu cầu các nhà thầu phối hợp với các địa phương sớm hoàn thiện các thủ tục bảo đảm đủ trữ lượng và công suất để có thể khai thác các mỏ thuộc Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đáp ứng tiến độ yêu cầu.
Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các doanh nghiệp dự án, nhà thầu tập trung hoàn thiện các thủ tục, thi công “3 ca, 4 kíp," “vượt nắng, thắng mưa," “bàn làm, không bàn lùi," bảo đảm hoàn thành 2 dự án thành phần đoạn Diễn Châu-Bãi Vọt, Cam Lâm-Vĩnh Hảo theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/4/2024; đôn đốc các nhà thầu hoàn thành các công việc để khai thác các mỏ vật liệu xây dựng, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi, đẩy mạnh thi công các dự án thành phần thuộc cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025, các dự án đường bộ trục Đông Tây như Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột và Biên Hòa-Vũng Tàu.
Cùng với đó, hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường bộ cao tốc Dầu Giây-Tân Phú để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đẩy nhanh tiến độ để sớm khởi công dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Chợ Chu-ngã ba Trung Sơn, Dự án Mỹ An-Cao Lãnh; chủ trì, phối hợp với các bộ, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai chuẩn bị tài liệu báo cáo Quốc hội đối với nội dung bố trí tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu và tuyến giao thông T1, T2 vào khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn thuộc Dự án Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, trên cơ sở kết quả thí điểm sử dụng cát biển làm nền đường giao thông, khẩn trương kết luận rõ các nội dung liên quan theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Thông báo số 88/TB-VPCP ngày 22/3/2023, trên cơ sở đó xây dựng quy chuẩn, định mức để có thể triển khai đại trà.
“Đây là Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, các thành viên Ban Chỉ đạo phải dự họp, bàn đầy đủ và thể hiện rõ quan điểm về các nội dung để thúc đẩy triển khai các dự án," Thủ tướng lưu ý.
Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp các địa phương khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 769/CĐ-TTg ngày 26/8/2023 về rà soát việc bố trí các nút giao kết nối các tuyến đường bộ cao tốc với mạng lưới giao thông nhằm phát huy hiệu quả đầu tư, mở rộng không gian phát triển và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng, địa phương; khẩn trương nghiên cứu tổng thể kết nối giao thông giữa Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất và Cảng hàng không quốc tế Long Thành, bao gồm đầu tư đường sắt kết nối theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 70/TB-VPCP ngày 28/2/2024; triển khai công tác xây dựng hệ thống thông tin, số hóa dữ liệu theo dõi tình hình, kết quả triển khai thực hiện các dự án.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương, chủ động thực hiện nghiêm ý kiến của Phó Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 1828/VPCP-NN ngày 21/3/2024 thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình UBTV Quốc hội, phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình thẩm tra để Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh Nghị quyết số 273 tại kỳ họp tháng 4/2024.
Bộ Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 72/TB-VPCP ngày 28/2/2028, chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, các địa phương liên quan chịu trách nhiệm rà soát khả năng cung ứng cát tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long để phân bổ, bảo đảm đủ nguồn cung ứng và công suất phù hợp với tiến độ các dự án trong khu vực phía Nam.
Bộ Xây dựng khẩn trương hướng dẫn phương pháp xác định giá vật liệu tại mỏ để các địa phương công bố giá làm cơ sở để các chủ đầu tư phê duyệt; kịp thời rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức đã được ban hành nhưng chưa phù hợp hoặc còn thiếu; hướng dẫn các bộ, địa phương ban hành định mức chuyên ngành đặc thù.
Bộ Tài chính chủ động, phối hợp, hướng dẫn các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến các khoản vay ODA cho các dự án đường sắt đô thị, Cao tốc Bến Lức-Long Thành, Mỹ An-Cao Lãnh.
Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thành lập Đoàn công tác của Bộ và Tập đoàn Điện lực Việt Nam đến các địa phương trực tiếp làm việc, hướng dẫn, tháo gỡ giúp các địa phương đẩy nhanh thủ tục liên quan di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 7; hoàn thành trước ngày 10/4/2024; chỉ đạo các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh thủ tục liên quan để di dời các đường điện cao thế đáp ứng tiến độ thi công các dự án.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp chỉ đạo Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) kiểm soát chặt chẽ chất lượng, tiến độ các dự án cảng hàng không, Dự án Cao tốc Bến Lức-Long Thành; chỉ đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam sớm bàn giao mặt bằng tại dự án Biên Hòa-Vũng Tàu.
Sẵn sàng khởi công các dự án mới với tinh thần "6 hơn"
Đối với các địa phương, Thủ tướng yêu cầu huy động cả hệ thống chính trị để giải quyết dứt điểm công tác giải phóng mặt bằng Dự án Cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 trước ngày 30/4/2024; ba Dự án Cao tốc trục Đông-Tây và hai dự án vành đai trong quý 2 năm 2024; phối hợp với các chủ đầu tư xác định mức độ ưu tiên bàn giao trước mặt bằng đoạn tuyến là đường găng. Đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu tái định cư, ổn định cuộc sống người dân; phối hợp với Tập đoàn Điện lực, Bộ Công Thương tổ chức di dời đường điện cao thế, ưu tiên các vị trí ảnh hưởng đến thi công.
Riêng tỉnh Đồng Nai tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh, Tân Vạn-Nhơn Trạch, Biên Hòa-Vũng Tàu, đường kết nối Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành; phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm phê duyệt điều chỉnh dự án giải phóng mặt bằng Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành.
Thủ tướng cũng chỉ đạo cụ thể từng địa phương phối hợp với các bộ, ngành để xử lý dứt điểm các vấn đề liên quan cung cấp vật liệu xây dựng thông thường, trong đó có cát biển cho xây dựng các dự án; phối hợp hoàn thiện các thủ tục đầu tư, triển khai dự án trên địa bàn để sớm khởi công các dự án đường bộ Thành phố Hồ Chí Minh-Mộc Bài, Gia Nghĩa-Chơn Thành, Hòa Bình-Mộc Châu, Ninh Bình-Hải Phòng, Tân Phú-Bảo Lộc, Bảo Lộc-Liên Khương, Thành phố Hồ Chí Minh-Thủ Dầu Một-Chơn Thành, Hữu Nghị-Chi Lăng, Hòa Bình-Mộc Châu, Cao Lãnh-An Hữu… Thủ tướng yêu cầu thành phố Hà Nội đẩy nhanh tiến độ lựa chọn nhà đầu tư dự án thành phần 3 Vành đai 4 Hà Nội; khẩn trương hoàn thành rà soát lại một số nội dung về nguồn vốn dự án đường sắt đô thị Nam Thăng Long-Trần Hưng Đạo để đủ điều kiện phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để sớm hoàn thành các thủ tục đủ điều kiện đưa dự án đường sắt đô thị Bến Thành-Suối Tiên và Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao, đáp ứng nhu cầu của nhân dân Thủ đô và Thành phố Hồ Chí Minh.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tỉnh, thành phố đôn đốc các nhà thầu huy động đầy đủ nhân, vật lực để thi công đồng thời kiểm soát chặt chẽ tiến độ, chất lượng và kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đáp ứng kế hoạch đề ra. Đặc biệt, Bộ Công an và các ngành, địa phương liên quan đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội, phòng, chống tiêu cực trong quá trình thực hiện dự án.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị phải phấn đấu thực hiện 6 hơn: tinh thần, trách nhiệm thực thi công vụ cao hơn, hiệu quả hơn; tiến độ thi công nhanh hơn, kịp thời hơn; chất lượng các dự án, công trình tốt hơn; kỹ thuật, mỹ thuật, công nghệ các công trình phải cao hơn, phù hợp hơn; các địa phương phải xử lý các vấn đề liên quan giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu, đường hậu cần, công trình kỹ thuật nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả hơn; đảm bảo tốt hơn về môi trường, an sinh xã hội và đời sống người dân bị tác động./.