Theo thông tin từ Ban tổ chức, tính đến hết tháng 6/2022, Việt Nam có 28.237 HTX, trong đó có 18.785 HTX nông nghiệp, 9.452 HTX phi nông nghiệp, 1.181 Quỹ Tín dụng nhân dân; 120 Liên hiệp HTX và 121.670 Tổ hợp tác. Khu vực kinh tế tập thể, HTX tại Việt Nam thu hút hơn 7 triệu thành viên tham gia, trong đó chủ yếu là đại diện hộ gia đình ở khu vực nông thôn, tác động đến hơn 30 triệu người dân ở cả thành thị và nông thôn, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Ở khu vực kinh tế hợp tác, HTX đã thể hiện ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, ổn định an ninh chính trị ở cơ sở, tăng trường kinh tế. Hiện nay, khu vực HTX đóng góp hơn 4% cho tăng trưởng GDP cả nước. Trong đó, các sản phẩm chính là các mặt hàng về nông sản như rau, củ, quả, thực phẩm, chăn nuôi... cung ứng cho thị trường, hàng thiết yếu cho đời sống xã hội, đóng góp lớn cho cân đối hàng hóa, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, khả năng và kỹ năng xúc tiến thương mại của các hợp tác xã còn hạn chế, hầu hết cán bộ, nhân viên đều xuất thân và học tập trong lĩnh vực nông nghiệp.
Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên minh HTX Việt Nam nhấn mạnh: “Hội nghị xúc tiến thương mại đa kênh và kết nối giao thương hôm nay hỗ trợ cho các hợp tác xã nâng cao năng lực về thị trường, khách hàng, tăng cường thêm nhãn quan về các xu thế tiêu dùng để từ đó HTX có thể điều chỉnh sản xuất và thích ứng sản phẩm. Đặc biệt, việc từng bước ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và xúc tiến sản phẩm là điểm nhấn rất quan trọng của sự kiện lần này. Trong thời gian tới, Liên minh HTX Việt Nam sẽ làm việc với các đối tác, tiếp tục nâng cao năng lực, tăng cường công tác tư vấn, huấn luyện để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các thành viên trên thực tế”.
Với trên kinh nghiệm trên 10 năm chuyên xuất, nhập khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam đi các thị trường quốc tế, ông Nguyễn Ngọc Luận, đại diện Australia Global Connection (Công ty XNK tại Úc) chia sẻ “Việt Nam là một đất nước nông nghiệp có rất nhiều sản phẩm đặc trưng vùng miền. Các sản phẩm này không chỉ được tiêu thụ trong nước mà còn đang được xuất khẩu mạnh mẽ sang thị trường quốc tế; trong đó, nhiều mặt hàng đã và đang có vị trí dẫn đầu như: hạt điều, cà phê, cacao, tiêu...Tuy nhiên, dù tiềm năng của đặc sản vùng miền Việt Nam rất lớn nhưng thời gian qua, việc phát huy lợi thế này cũng còn nhiều hạn chế do sự nhận thức chưa đày đủ về tiềm năng phát triển của đặc sản vùng miền, chưa có sự đánh giá và xây dựng kế hoạch phát triển lâu dài trên quan điểm xây dựng thương hiệu đặc sản tại mỗi địa phương.
Để đạt được điều đó, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, ưu tiên rà soát đánh giá thực trạng các sản phẩm tiềm năng để có các biện pháp tư vấn, hỗ trợ tại mỗi địa phương, lựa chọn những sản phẩm chiến lược trong mỗi nhóm sản phẩm, phát triển chiến lược thị trường cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm , đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, đưa hàng hóa do HTX, doanh nghiệp sản xuất ra các tỉnh, thành lân cận thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm, ký kết họp đồng tiêu thụ qua các hội nghị két nối cung cầu, gặp gỡ quảng bá sản phẩm đến khách hàng trong và ngoài nước.
Kết thúc Hội nghị và phiên giao thương, đã có trên 20 thoả thuận hợp tác được ký giữa các nhà mua nhà bán, ước tính giá trị hợp tác trên 100 tỷ đồng. Sự kiện đã mang lại cho các doanh nghiệp, hợp tác xã những thông tin, kiến thức quý giá về hệ sinh thái xúc tiến thương mại của nhà nước, xúc tiến thương mại đa kênh và thông tin thị trường chất lượng từ các nhà mua bán...