Trong thời gian qua, mức độ hiểu biết của người tiêu dùng về chất lượng nông sản, thực phẩm còn ít nên người tiêu dùng có sự đề phòng và nghi ngờ với các sản phẩm nông sản trên thị trường, dù cho đó là những sản phẩm của Hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp đạt chứng nhận VietGAP, hữu cơ được phân phối vào các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Nguyên nhân là nhiều HTX chưa xây dựng được thương hiệu cho sản phẩm và khẳng định được chất lượng nông sản trên thị trường.
Chia sẻ về vấn đề này, tại diễn đàn “Ổn định chất lượng và đảm bảo tiêu chuẩn nông sản của các hợp tác xã nông nghiệp”, PGS.TS Bùi Bá Bổng, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, thời gian gần đây, việc phát triển nông nghiệp sang hướng bền vững, tuần hoàn không chỉ được đẩy mạnh ở Việt Nam mà còn là xu thế chung của các nước tiên tiến trên thế giới như Hà Lan, Nhật Bản… với những cam kết rất mạnh mẽ.
Do đó, cần thu hẹp khoảng cách từ người sản xuất đến người phân phối và sau đó là người tiêu dùng. Bên cạnh đó, một vấn đề nữa là thu gọn chuỗi sản xuất để đem lại hiệu quả cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng. Vấn đề thứ 3 là tăng cường tính địa phương hóa trong sản xuất nông nghiệp, từ địa phương rồi mới mở rộng ra được chứ không phải lúc nào cũng phải mở rộng, đi xa.
Vì vậy, Việt Nam hiện nay, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay là sự liên kết hiệu quả giữa các HTX với doanh nghiệp. Việt Nam có nhiều HTX, có nhiều doanh nghiệp nhưng vẫn còn đó bài toán liên kết hiệu quả để sản xuất theo chuỗi giá trị, tạo ra sản phẩm an toàn, thân thiện môi trường và giá trị cao.
Bên cạnh khó khăn về liên kết thì việc xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản cũng là vướng mắc lớn của các HTX. Ông Bùi Phước Hòa, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao cho rằng, tiêu chuẩn là chuẩn mực chung nhằm xác định và giảm thiểu rủi ro dọc theo chuỗi cung ứng của khách hàng - với các hoạt động, quy trình, hệ thống, con người hoặc năng lực. Tuy nhiên, hiện nay quá trình xây dựng tiêu chuẩn cho nông sản đang gặp phải một số khó khăn.
Đầu tiên là vấn đề chi phí, trong đó bao gồm chi phí xây dựng tiêu chuẩn, chi phí trang thiết bị và cơ sở hạ tầng, chi phí kiểm nghiệm, giám định và các chi phí quản lý. Khó khăn thứ 2 là thời gian, trong đó bao gồm thời gian kiểm soát các công đoạn theo tiêu chuẩn, thời gian lập và lưu trữ hồ sơ, thời gian đánh giá lại các hoạt động đã thực hiện và thời gian cập nhật, trao đổi thông tin.
Vấn đề thứ 3 mà Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đề cập là văn hóa trong sản xuất. Có thể kể đến như mô hình quản lý theo quy mô hộ gia đình, chưa tách biệt rõ vai trò, trách nhiệm và quyền hạn của đội ngũ nhân sự. Thói quen và tập quan trồng trọt/ canh tác, thu hoạch cũ và chưa thấy rõ tầm quan trọng của việc lưu lại bằng chứng tuân thủ quy định…
Để giải quyết những khó khăn này, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao đề xuất một số giải pháp. Cụ thể, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhất quán về chính sách, tạo ra những quy định xuyên suốt giữa các bộ ngành, tổ chức đào tạo hoặc hỗ trợ chi phí đào tào về tiêu chuẩn.
Trong khi đó, người nông dân cần đẩy mạnh liên kết và minh bạch hóa trách nhiệm đi cùng với lợi ích. Họ cũng cần có người dẫn đường có tầm và có tâm để giúp họ hiểu được lợi ích khi tuân thủ tiêu chuẩn và ổn định chất lượng sản phẩm.
Đồng quan điểm, bà Hồ Đức Minh, Giám đốc Công ty Vạn Xuân Phát chuyên liên kết với HTX để trồng và xuất khẩu sầu riêng chính ngạch sang Trung Quốc cho biết, cách duy nhất để phát triển trong bối cảnh kinh doanh hiện nay là cần minh bạch trong mọi khâu của quy trình sản xuất. Muốn vậy, HTX cần đi từ điều đơn giản nhất là ghi chép nhật ký.
“Nếu nông dân, HTX chưa tuân thủ việc ghi chép nhật ký thì không thể minh bạch được sản xuất và cũng không thể đáp ứng được các tiêu chuẩn chứ chưa nói đến việc đưa ra phương pháp xử lý, kiểm soát vùng trồng nếu HTX chẳng may gặp rủi ro”, bà Minh nhấn mạnh.