Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng như Báo cáo thị trường Fintech Việt Nam 2021, số lượng công ty Fintech đã tăng lên 04 lần, từ 39 công ty vào cuối năm 2015 lên đến hơn 154 công ty vào cuối năm 2021. Trong số các công ty Fintech tại Việt Nam, có khoảng 70% là công ty khởi nghiệp. Năm 2021 đã chứng kiến những bước tiến nhảy vọt của thị trường Fintech Việt Nam khi nền kinh tế internet đạt giá trị 21 tỷ USD, đứng ở vị trí 14/50 ở khu vực châu Á và vị trí 70 trên bảng xếp hạng toàn cầu.
Theo bảng xếp hạng trung tâm Fintech toàn cầu năm 2021, điểm Fintech của Việt Nam xếp hạng 70 thế giới, trong đó, TP. HCM và Hà Nội xếp lần lượt thứ 28 và 33 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây là thành quả đáng khích lệ với một thị trường Fintech non trẻ như Việt Nam, cho thấy Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc trong khoảng thời gian gần đây.
Xu hướng này sẽ còn được tiếp tục khi theo dự báo của NHNN, giá trị thanh toán qua thiết bị di động tại Việt Nam dự kiến tăng gần 4 lần, từ 16 tỷ USD vào năm 2016 lên đến 70,9 tỷ USD vào năm 2025.
Đánh giá về lĩnh vực này, tại diễn đàn "Quản trị rủi ro và đảm bảo an toàn tài chính, thúc đẩy hoạt động Fintech và ngân hàng số tại Việt Nam", ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, Fintech Việt Nam đã tăng trưởng đáng kể nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ về việc mở rộng các hình thức thanh toán số cũng như việc áp dụng ngày càng nhiều các giao dịch kỹ thuật số và sự phát triển của thị trường thương mại điện tử. Tuy nhiên, tốc độ phát triển nói trên là chưa tương xứng với tiềm năng. Bên cạnh đó, hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng tại Việt Nam còn đối mặt với nhiều rào cản từ hạ tầng số, nguồn nhân lực đến hành lang pháp lý.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sự phát triển với tốc độ nhanh của Fintech đã khiến các cơ quan quản lý của các quốc gia đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong công tác quản lý, giám sát do những rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố, rủi ro liên quan tới an ninh, an toàn, bảo mật thông tin, sử dụng trái phép thông tin cá nhân....
Do đó, nhiệm vụ đặt ra với các cơ quan quản lý là phải đảm bảo đồng thời mục tiêu hỗ trợ thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong khi vẫn duy trì sự ổn định, an toàn của thị trường tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Chu Quang Thái, đại diện Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, Chủ tịch Quỹ đầu tư Liên minh cho biết, lĩnh vực này đã và đang có những bước phát triển vượt bậc trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam. Những hoạt động đầu tư vào Fintech tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến các hoạt động mua bán - sáp nhập, vốn đầu tư mạo hiểm và cổ phần tư nhân. Số lượng giao dịch về hoạt động đầu tư cho Fintech trên toàn cầu giai đoạn 2017- 2019 có sự gia tăng đáng kể từ 2.914 giao dịch vào năm 2017 lên 3.639 giao dịch vào năm 2018 và 3.286 giao dịch vào năm 2019.
Trong hoạt động ngân hàng, Fintech thâm nhập vào nhiều lĩnh vực, từ hoạt động cho vay, dịch vụ ngân hàng, quản trị rủi ro, đến các giao dịch tần suất cao, dữ liệu lớn. Phần lớn các khoản đầu tư này tập trung vào phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ với hai lĩnh vực nổi bật là thanh toán và cho vay, những lĩnh vực vốn là thế mạnh của ngân hàng.
Do đó, để có được hạ tầng cho sự phát triển bền vững của hoạt động Fintech và ngân hàng số, ông Chu Quang Thái cho rằng, cần tạo ra hạ tầng hệ sinh thái tài chính mở, với 3 hạ tầng chính bao gồm: hạ tầng kiến thức và tư duy, văn hoá tài chính hành vi để con người không phải là nô lệ của dữ liệu hành vi; hạ tầng về thể chế và chính sách mở tư duy thúc đẩy phát triển nhiều hơn quản lý rủi ro; hạ tầng về dữ liệu và mã nguồn mở mainnet (mạng lưới chính thức) quốc gia, mainnet tập đoàn, mainnet doanh nghiệp.