Finnovation là cuộc thi định kỳ, cấp quốc gia đầu tiên và lớn nhất về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech) dành cho sinh viên do Bộ KH&CN, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM khởi xướng.
Theo ông Phạm Hồng Quất, Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN), Trưởng Ban Tổ chức Finnovation 2022, cuộc thi đã kích hoạt các hoạt động đổi mới sáng tạo mở quốc gia về lĩnh vực tài chính, tài sản cũng như định hướng môi trường mở cho khởi nghiệp sáng tạo trong tương lai.
Gần 100 dự án của mùa thi năm 2022 dù đoạt giải hay không, gọi được vốn đầu tư, trở thành một start-up thành công hay không thì vẫn được ghi nhận là những dự án đã góp phần khởi nguồn và thúc đẩy sự hình thành, phát triển của nền công nghệ tài chính Việt Nam trong tương lai.
Ông Nguyễn Nhất Linh, Phó Trưởng Ban Thanh niên trường học Trung ương Đoàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam, cho biết trong thời gian vừa qua, nhằm hiện thực hoá các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Sinh viên Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình, đề án và hoạt động, nhằm thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, hệ sinh thái khởi nghiệp trong đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên.
Qua đó, nhiều ý tưởng, dự án khởi nghiệp của đoàn viên, học sinh, sinh viên được phát hiện, nuôi dưỡng, ươm mầm và hỗ trợ để hiện thực hoá. Chỉ tính riêng trong năm 2021, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức 1.453 cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp, thu hút tổng cộng hơn 223.000 lượt thanh niên tham gia, với gần 13.900 ý tưởng khởi nghiệp.
Cuộc thi Finnovation 2022 là một dự án hưởng ứng Chương trình "Chắp cánh sinh viên khởi nghiệp" do Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam phát động nhằm xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo "Finnovation" đa lĩnh vực có quy mô quốc tế, lấy công nghệ, đổi mới sáng tạo làm phương tiện, lấy lực lượng trẻ, sinh viên làm nòng cốt, lấy lợi ích cộng đồng, xã hội làm định hướng sáng tạo. Qua đó, góp phần xây dựng, mở rộng và phát triển lĩnh vực fintech trở thành một lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong nền kinh tế số, đưa Việt Nam trở thành trung tâm tài chính sáng tạo của khu vực.
Finnovation 2022 diễn ra từ 18/4 đến 15/9/2022 (kết hợp các hoạt động trực tiếp và trực tuyến). Trải qua 3 vòng thi sôi nổi và các hoạt động đào tạo, huấn luyện, Finnovation 2022 đã xác định được 5 đội xuất sắc nhất vào chung kết tranh ngôi Quán quân.
Với giải pháp về giáo dục tài chính được tạo ra dựa trên mô hình gamification (game hóa) và learn-to-earn (học để kiếm tiền) nhằm giúp người học có được hiểu biết tài chính toàn diện với trải nghiệm học tập thú vị, đội Zinance đã vượt lên 4 đội còn lại để giành chức vô địch Finnovation 2022. Vị trí Á quân thuộc về 2 đội WeShare, Mediaverse. Cùng về ở vị trí thứ 3 là 2 đội Govo, Faunaverse.
Ngoài tiền thưởng, quà tặng, 5 đội nói trên còn nhận được Bằng khen từ Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam và chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi. Đặc biệt, các đội này sẽ được hướng dẫn và tạo điều kiện tham gia các chương trình gọi vốn quốc gia thông qua thị trường trong nước và quốc tế…
Để Finnovation là cuộc thi khởi nghiệp có tính thực tiễn cao, ngay trong khuôn khổ vòng chung kết, Ban Tổ chức đã mở một Diễn đàn đầu tư (Investment Forum) để 10 đội đứng đầu cuộc thi có cơ hội giới thiệu và thuyết phục các nhà đầu tư đầu tư cho dự án của mình.
Sau hơn 3 giờ diễn ra Diễn đàn đầu tư, đã có 8/10 dự án nhận được sự quan tâm, ghi nhận từ các nhà đầu tư để bước vào các vòng làm việc tiếp theo sau cuộc thi. Ước tính tổng trị giá của các thương vụ này vào khoảng 50.000 USD.
Theo báo cáo của Công ty Nghiên cứu thị trường Statista (Đức), năm 2015, toàn thị trường Fintech Việt Nam chỉ có 67 công ty, nhưng con số này lần lượt tăng lên 94 vào năm 2017 và 141 công ty vào năm 2020. Giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam tăng đều đặn và nhanh chóng trong suốt các năm từ 2017 đến 2021. Tính đến năm 2021, giá trị giao dịch thanh toán kỹ thuật số tại Việt Nam đạt 12,922 triệu USD và dự đoán sẽ tăng lên 22,056 triệu USD vào năm 2025…
Năm 2021, trong tổng số doanh nghiệp khởi nghiệp mới thì có đến gần 70% doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực Fintech. Những thống kê trên cho thấy lĩnh vực Fintech tại Việt Nam đang ngày càng phát triển và có tiềm năng rất lớn.