Tiếp tục thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp gỡ IUU
Chiều 5/2, tại thành phố Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang), Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia IUU chủ trì cuộc họp lần thứ 9 về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) với các bộ, ngành, đơn vị liên quan và 28 tỉnh, thành ven biển trên cả nước.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia IUU yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các bộ, ngành, đơn vị liên quan và địa phương tập trung tổng lực, phối hợp chặt chẽ thực hiện tốt hai nhiệm vụ là không có tàu cá nào vi phạm vùng biển nước ngoài và xử lý nghiêm các vụ vi phạm khai thác IUU. Đặc biệt, tỉnh mạnh dạn đưa ra tòa án xét xử và xử lý những vụ việc để giáo dục, răn đe.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng cần tiếp tục tổ chức các đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU và báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện, đồng thời, phối hợp với các ngành có liên quan và địa phương tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền sâu rộng, hiệu quả, nhất là tranh thủ thời gian ngư dân vào bờ nghỉ Tết đẩy mạnh tuyên truyền vận động chống khai thác IUU, không vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác đánh bắt hải sản trái phép.
Đối với Bộ Quốc phòng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị có liên quan và các tỉnh, thành phố ven biển tiếp tục thực hiện toàn diện, đồng bộ các giải pháp, tạo sự chuyển biến trong ngăn chặn, chấm dứt tàu cá vi phạm bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài. Bộ Công an tập trung điều tra, ngăn chặn, xử lý các hành vi môi giới, móc nối, đưa ra truy tố, xét xử các trường hợp vi phạm.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển bố trí đủ nguồn lực, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, lực lượng chức năng tại địa phương giải quyết xử lý triệt để các trường hợp vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, ngắt kết nối VMS...
Cùng với đó, các tỉnh, thành phố chỉ đạo các cơ quan, lực lượng thực thi pháp luật áp dụng triệt để các biện pháp ngay từ bờ để kịp thời phát hiện từ sớm, từ xa, ngăn chặn, xử lý kịp thời tàu cá, ngư dân có dấu hiệu đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024
Theo Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước đã xảy ra 64 tàu/550 ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, xử lý do khai thác hải sản trái phép. Việc quản lý đội tàu chưa đảm bảo theo quy định, theo dõi và kiểm soát hoạt động tàu cá tại một số địa phương chưa đồng bộ.
Hiện cả nước còn khoảng 15.198 tàu cá “3 không” (không đăng ký, không giấy phép khai thác, không đăng kiểm), nhiều nhất tại tỉnh Bình Thuận với 1.868 tàu. Tình trạng tàu cá mua bán, sang tên đổi chủ giữa các địa phương kiểm soát chưa chặt chẽ, đặc biệt là các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng…
Một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc việc ngừng đóng mới, cải hoán tàu cá, mua bán chưa có văn bản chấp thuận của cơ quan chức năng theo quy định, đặc biệt là khối tàu từ 15m trở lên dẫn đến thành tàu “3 không."
Tiếp đến, tình trạng tàu cá vi phạm quy định ngắt kết nối VMS tiếp tục xảy ra phổ biến, từ đầu năm 2023 đến nay xảy ra gần 5.000 lượt tàu mất kết nối trên 10 ngày. Hành vi vi phạm vận chuyển, gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác nhằm trốn tránh sự theo dõi của cơ quan quản lý đang diễn biến phức tạp, nhất là tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bà Rịa-Vũng Tàu…
Tình trạng tàu cá vi phạm hoạt động sai vùng xảy ra với số lượng lớn, đặc biệt ở các tỉnh phía Bắc như: Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh… nhưng cơ quan, lực lượng chức năng chưa vào cuộc xử lý.
Mặt khác, việc kiểm soát chất lượng nhật ký khai thác phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản đến nay tại nhiều địa phương vẫn không đảm bảo theo quy định như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thái Bình… chưa triển khai thống nhất, đồng bộ trong cả nước hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử để theo dõi, kiểm soát công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác trong nước.
Tình trạng tàu cá không cập cảng bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác nhưng địa phương chưa có giải pháp hiệu quả đảm bảo kiểm soát, truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Việc thực thi pháp luật, xử lý vi phạm IUU vẫn còn thiếu quyết liệt, không đồng đều giữa các địa phương. Từ đầu năm 2023 đến nay, mới xác minh, đưa ra xử phạt được 8/37 tàu bị nước ngoài bắt giữ, xử lý (chiếm 21,62%); thực hiện xác minh, xử phạt các trường hợp mất kết nối VMS theo quy định còn rất hạn chế; đã đưa ra, truy tố xét xử được 1 vụ liên quan môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài tại tỉnh Kiên Giang.
Để thực hiện được mục tiêu, quyết tâm gỡ cảnh báo “thẻ vàng” trong năm 2024, trước mắt là chuẩn bị làm việc lần thứ 5 với Đoàn Thanh tra của EC về IUU, các bộ, ngành và địa phương cam kết, nỗ lực quyết liệt chống khai thác IUU; kiến nghị Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về IUU yêu cầu người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết dứt điểm các tồn tại, hạn chế theo khuyến nghị của EC tại đợt thanh tra lần thứ tư, đảm bảo có kết quả, số liệu chứng minh cụ thể để làm việc với đoàn thanh tra của EC lần thứ 5 (dự kiến vào tháng 4 năm 2024).
Mở đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp
Trước đó tại cuộc họp lần thứ 8 Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác IUU, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo mở đợt cao điểm chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo, không theo quy định (IUU) với nỗ lực cao nhất là sớm gỡ được thẻ vàng của Uỷ ban châu Âu (EC).
Theo đó, phó Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành các Nghị định sửa đổi Nghị định 42/2019/NĐ-CP và Nghị định 26/NĐ-CP và Thông tư số 13/TT-BNNPTNT để thực hiện các khuyến nghị của EC; tổ chức truyền thông về nội dung sửa đổi, bổ sung của các văn bản nêu trên, trong đó có quy định phạt nguội các hành vi vi phạm.
Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các đối tượng môi giới, móc nối, đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; điều tra những vụ việc có dấu hiệu vi phạm truy xuất nguồn gốc.
Các địa phương quán triệt tinh thần xử lý nghiêm vi phạm; việc gì chưa làm thì sớm bắt tay vào làm, việc gì làm rồi thì tích cực hơn; phải thể hiện sự quyết tâm, quyết liệt bằng những kết quả cụ thể.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh từ nay đến ngày 30/4/2024 là thời điểm "vàng" để gỡ được thẻ vàng sớm nhất, trước kỳ bầu cử Nghị viện EU, nếu không có thể phải mất vài năm mới làm được việc này.
Sau đợt thanh tra thứ 4, EC khuyến nghị Việt Nam tăng cường các biện pháp để phát hiện, ngăn chặn và truy tố các hành vi vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài, đặc biệt chú ý các trường hợp ngắt kết nối VMS sát biên giới vùng đặc quyền kinh tế.
Việt Nam cũng cần kiểm soát chặt chẽ để bảo đảm tất cả các tàu đã huỷ đăng ký không được phép hoạt động khai thác; bảo đảm tính chính xác thông tin dữ liệu tàu cá trong VNFishbase và theo dõi, đôn đốc địa phương thực hiện việc cập nhật; duy trì việc cấm đăng ký tàu mới; kiểm soát chặt chẽ tàu cá "3 không"…
Bảo đảm tất cả các tàu phải được đánh dấu, kẻ số đăng ký đúng quy định, kể cả tàu đang sửa chữa hoặc được thông báo là không hoạt động; tàu không đủ điều kiện hoạt động phải được theo dõi, giám sát chặt chẽ.
Quản lý chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc thuỷ sản; yêu cầu các cảng cá phải cập nhật hàng ngày dữ liệu sản lượng thuỷ sản; áp dụng các biện pháp xử lý nghiêm khắc các tổ chức, cá nhân vi phạm; xử phạt nghiêm và thống nhất hành vi vi phạm về VMS./.