Giải pháp kết nối ngân hàng và doanh nghiệp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng

Nhằm tiếp tục nâng cao tăng trưởng tín dụng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, sáng 19/5, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024.
nganhangnn1-1718799077.jpg
Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn ngành về giải pháp đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng năm 2024. Ảnh SBV

Theo thông tin tại hội nghị NHNN cho biết tính đến 14/6/2024, tín dụng tăng trưởng 3,79% so với cuối năm 2023; tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện dần qua các tháng. Tuy nhiên, tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp; có những tổ chức tín dụng (TCTD) tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm.

Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi, chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, cùng với sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của người dân.

Trước đó, tại cuộc họp thường kỳ tháng 5, Chính phủ cho biết tín dụng tính đến cuối tháng 5 chỉ tăng 2,41% so với cuối năm 2023. Như vậy trong nửa tháng, tín dụng đã tăng thêm 1,38 điểm %. Theo yêu cầu của Thủ tướng hết quý II/2024, tăng trưởng tín dụng đạt 5-6%, cả năm đạt 15-16% theo mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, tăng trưởng tín dụng vẫn đảm bảo an toàn hệ thống, tín dụng tập trung vào các động lực tăng trưởng kinh tế, đáp ứng các xu hướng mới như tín dụng xanh, đồng hành cùng quá trình cam kết tiến đến Net zero vào năm 2050...

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng, hoạt động tín dụng ngân hàng luôn là nội dung được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo sát sao. Theo đó, NHNN đã đẩy mạnh giải ngân các chương trình, chính sách tín dụng thông qua việc nâng quy mô gói tín dụng lâm sản thủy sản lên 30.000 tỷ đồng và đề xuất sửa đổi chương trình 120.000 tỷ đồng nhà ở xã hội theo hướng ưu đãi hơn. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng tín dụng cải thiện, doanh số tín dụng mà các TCTD đã cung ứng ra nền kinh tế trong gần 6 tháng đầu năm 2024.

nganhangnn2-1718799077.jpg
Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh SBV

Mặc dù ngành ngân hàng liên tục triển khai đồng bộ các giải pháp, nhưng tại một số địa phương tăng trưởng tín dụng còn thấp. Có những TCTD tăng trưởng tín dụng thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng chung, thậm chí tăng trưởng âm. Điều đó cho thấy về tổng thể cầu tín dụng trong nước chưa có sự phục hồi mạnh mẽ. Nhiều ngành sản xuất, dịch vụ là các động lực truyền thống của nền kinh tế vẫn còn những khó khăn nhất định. Một bộ phận khách hàng có nhu cầu vay vốn nhưng chưa xây dựng được phương án sản xuất kinh doanh khả thi.

Tuy nhiên, với những chỉ đạo quyết liệt hành động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư, thị trường, phối hợp giải quyết, tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, NHNN vẫn dự kiến tăng trưởng tín dụng khả quan các tháng cuối năm. Để đạt được mục tiêu, Thống đốc NHNN cho biết, ngành ngân hàng sẽ điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Có các giải pháp khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

NHNN cũng xác định nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm điều hành tín dụng 6 tháng cuối năm 2024 là chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.

Song song đó, triển khai quyết liệt các chương trình, chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong đó có chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay phát triển nhà ở xã hội; chương trình cho vay 30.000 tỷ đồng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; rà soát, đơn giản hóa thủ tục, hồ sơ vay vốn, tài sản bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; mở rộng tín dụng cho sản xuất kinh doanh, phục vụ đời sống, tiêu dùng, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Đồng thời, theo dõi sát tình hình triển khai Thông tư 06/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục chỉ đạo tổ chức kết nối ngân hàng - doanh nghiệp theo nhiều hình thức. Tổ chức các đoàn công tác của lãnh đạo NHNN tại các địa phương về công tác tín dụng và theo chuyên đề nhằm kịp thời nắm bắt, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong công tác tín dụng./.

Hương Lan