Nội dung trên được chia sẻ tại Hội nghị “Kết nối giao thương xúc tiến xuất khẩu - Đà Nẵng 2024” do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với TP. Đà Nẵng tổ chức vào chiều 02/8. Hội nghị nhằm giúp doanh nghiệp TP. Đà Nẵng và doanh nghiệp một số địa phương trên cả nước nắm bắt thêm thông tin về dự báo tình hình, định hướng nhu cầu thị trường xuất khẩu; cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường tiềm năng, dư địa xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Tăng cường quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, kết nối giao thương, mở rộng thị trường
Hội nghị nhằm góp phần thực hiện mục tiêu phát triển xuất khẩu của thành phố Đà Nẵng nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời tăng cường kết nối với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước, tạo điều kiện để doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, tìm kiếm các đối tác, nhà nhập khẩu, người mua hàng tiềm năng; góp phần tăng cường quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp, kết nối giao thương, mở rộng thị trường.
Hội nghị có sự tham dự của trên 400 đại biểu đại diện các cơ quan Bộ Công Thương, các cơ quan, sở ngành liên quan của Đà Nẵng, đại diện Thương vụ Việt Nam tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Indonesia, đại diện Tổng lãnh sự Việt Nam tại Lào, đại diện Tổng lãnh sự các nước Trung Quốc, Liên bang Nga, Lào tại Đà Nẵng, cùng đông đảo các doanh nghiệp Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, các doanh nghiệp đến từ Lào. Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng và ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đồng chủ trì hội nghị.
Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã được cập nhật thông tin các thị trường châu Âu-châu Mỹ và khuyến nghị cho doanh nghiệp; tiềm năng thị trường nông thủy sản, thực phẩm tại Trung Quốc; thuận lợi, khó khăn và triển vọng hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp Nga; các khía cạnh của khởi nghiệp kinh doanh ở Nga; cơ hội tiềm năng và một số lưu ý khi xuất khẩu sang Nhật Bản; thông tin về thị trường Indonesia và cơ hội hợp tác kinh doanh.
Ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng còn nhiều tiềm năng và thế mạnh trong thu hút đầu tư kinh doanh, phát triển sản xuất xuất khẩu nhiều loại sản phẩm như: cơ khí - điện - điện tử, thủy sản, dệt may, thủ công mỹ nghệ và đồ gỗ, vật liệu xây dựng - cao su - nhựa, dược phẩm - thiết bị y tế; sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ngành hàng không vũ trụ, chế biến chế tạo, hóa dược phẩm, nông sản thực phẩm...; các sản phẩm đặc trưng địa phương từ các làng nghề của thành phố như làng đá mỹ nghệ Non Nước, làng nước mắm Nam Ô, bánh khô mè, bánh tráng Tuý Loan… và nhiều sản phẩm OCOP với đa dạng chủng loại từ thực phẩm chế biến, rượu, bánh kẹo đến dược phẩm, quà tặng lưu niệm, nến, mỹ phẩm...
TP. Đà Nẵng hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trong khu vực và quốc tế.
Hiện nay, khu vực thương mại và dịch vụ là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của thành phố Đà Nẵng. Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thành phố có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc. Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Mục tiêu năm 2024 với GRDP tăng 8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%, thành phố đang và sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics; tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố; thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.
“Trước tình hình kinh tế trên thế giới còn nhiều khó khăn, nhu cầu thị trường chưa có sự phục hồi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt Nam nói chung và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nói riêng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, tìm kiếm đối tác, đơn hàng. Chính vì vậy, việc tổ chức các hoạt động kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, tìm kiếm đơn hàng, đối tác là hết sức cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong thời điểm hiện nay”, ông Trần Chí Cường khẳng định.
Thúc đẩy liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu
Để tạo ra bước chuyển biến mới, phát huy tối đa vị trí, vai trò quan trọng đặc biệt và khai thác có hiệu quả hơn tiềm năng, lợi thế phát triển của thành phố Đà Nẵng, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng thành phố cần phải có các giải pháp thúc đẩy khoa học, công nghệ, liên kết chuỗi trong sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm, liên kết vùng trong các hoạt động xúc tiến thương mại và xuất khẩu theo quy mô chuyên nghiệp để phát huy tối đa các nguồn lực, thực thi hiệu quả các chương trình hành động mang tính đột phá.
Trong thời gian tới, Bộ Công Thương cũng sẽ tiếp tục đồng hành cùng các địa phương nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến xuất khẩu, xúc tiến thương mại và kết nối giao thương nhằm góp phần tháo gỡ khó khăn cho các nhà sản xuất, xuất khẩu trong bối cảnh thị trường tiêu thụ nội địa và thế giới vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp. Qua đó, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm thế mạnh của thành phố cả ở thị trường trong nước và thị trường quốc tế, ông Vũ Bá Phú thông tin thêm.
“Với chủ trương đa dạng hóa các hình thức tiêu thụ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan, mở rộng cả kênh phân phối truyền thống và hiện đại, chú trọng khai thác các kênh trực tuyến, thương mại điện tử cho hàng Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng tích cực thúc đẩy và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu cho sản phẩm Việt Nam với sự vào cuộc quyết liệt của hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại tất cả các khu vực trên thế giới”, ông Vũ Bá Phú cho biết.
Tại hội nghị, đại diện Vụ Thị trường Châu Âu, Châu Mỹ (Bộ Công Thương), các Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Liên bang Nga, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Osaka, Nhật Bản, đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất và doanh nhân Nga hợp tác với Châu Á (RASPP), Phòng Thương mại và Công nghiệp Indonesia đã cung cấp nhiều thông tin đa dạng, cập nhật về tiềm năng, cơ hội thị trường sở tại và những vấn đề doanh nghiệp Việt Nam nói chung, các doanh nghiệp Đà Nẵng nói riêng cần biết khi phát triển các quan hệ hợp tác kinh doanh, đầu tư, mở rộng xuất khẩu tại các thị trường này.
Hội nghị lần này là dịp giúp doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng và doanh nghiệp một số địa phương trên cả nước nắm bắt thêm thông tin về dự báo tình hình, định hướng nhu cầu thị trường xuất khẩu; cập nhật tiêu chuẩn nhập khẩu của các thị trường, tiềm năng, dư địa xuất khẩu qua thương mại điện tử xuyên biên giới.
Về phía các doanh nghiệp nước ngoài cũng sẽ tiếp cận, đánh giá được năng lực sản xuất, cung ứng của các doanh nghiệp xuất khẩu Đà Nẵng cũng như tình hình phát triển logistics tại địa phương, từ đó giúp thị trường xuất khẩu mở rộng và có thêm nhiều chuỗi cung ứng mới được hình thành, góp phần đưa các sản phẩm thế mạnh của thành phố Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh, thành phố của Việt Nam nói chung đi xa hơn, bền vững hơn.
Trong khuôn khổ chương trình còn diễn ra triển lãm, giới thiệu hàng hóa xuất khẩu của 90 doanh nghiệp đến từ TP. Đà Nẵng và một số địa phương miền Trung-Tây Nguyên./.