Tận dụng thế mạnh sẵn có, phát triển hạ tầng khu công nghiệp vùng kinh tế Đông Bắc

Cần tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp giữa các tỉnh liên kết với nhau để khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư, cơ sở vật chất nhằm mở rộng mạng lưới cung ứng, nâng cao khả năng cạnh tranh và thu hút đầu tư cho các KCN và cụm công nghiệp.
kcn-4-1693483658.jpg
Tận dụng thế mạnh sẵn có của các tỉnh để phát triển hạ tầng khu công nghiệp. Ảnh minh họa

Nằm trong tiểu vùng kinh tế trục cao tốc phía Đông, 4 tỉnh, thành phố gồm Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương và Hưng Yên đều là các địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nguồn nhân lực dồi dào. Trong những năm vừa qua, 4 tỉnh, thành đã có những thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, trở thành một cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước.

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), 4 địa phương thuộc trục cao tốc phía Đông hiện có 87 khu kinhh tế (KKT) và KCN trong đó Hải Phòng một khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 25 KCN với tổng diện tích 12.702 ha. Hải Dương có 24 KCN tổng quy mô diện tích khoảng 4.508 ha. Trong khi đó, Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên có 17 khu công nghiệp có diện tích là 4.395,43 ha.

Các KCN trên địa bàn 4 tỉnh trục cao tốc phía Đông đang sử dụng lượng lao động lớn, Hải Phòng đến hết năm 2020 có số 157.967 lao động trong các KCN, Hải Dương sử dụng khoảng 102.014 người lao động, tính đến hết năm 2020.

Đặc biệt, các KCN có đóng góp lớn cho thu ngân sách và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của các địa phương. Các dự án trong KCN, KKT đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều ngành nghề, sản phẩm, thị trường mới, chiếm gần 80% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 70% kim ngạch xuất khẩu, góp phần tăng thu ngân sách, mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh, khả năng hội nhập quốc tế.

Mặc dù đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, nhưng Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cho rằng, việc phát triển khu công nghiệp thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, như quy hoạch phát triển khu công nghiệp chưa thể hiện rõ được tầm nhìn chiến lược, tổng thể.

Để phát huy thế mạnh của các địa phương, tăng cường hiệu suất và tính liên kết của các khu công nghiệp, khu kinh tế trục cao tốc phía Đông, ông Hoàng Trung Kiên- Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh cho rằng, các địa phương cần sớm đề xuất với các cơ quan chức năng xây dựng và ban hành Luật về khu công nghiệp, khu kinh tế để tạo hành lang pháp lý cho việc thành lập và phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù về phát triển các khu công nghiệp, khu kinh tế để đảm bảo sự liên kết, sự kết nối phát triển chung cho cả 4 tỉnh.

Các địa phương nên phối hợp rà soát quy hoạch các khu công nghiệp, khu kinh tế từ đó xây dựng định hướng phát triển các ngành nghề phù hợp với tiềm năng lợi thế của mình tạo thành mối liên kết cộng sinh công nghiệp.

Các tỉnh trong trục cao tốc phía Đông cần tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư chung. Trên cơ sở định hướng quy hoạch và ngành nghề thu hút đầu tư của các KCN, KKT, các địa phương phối hợp xây dựng và ban hành bộ tài liệu xúc tiến đầu tư vào các KCN, KKT chung đảm bảo hiệu suất, tính liên kết của các khu công nghiệp, khu kinh tế.

Với định hướng phát triển các khu công nghiệp với quy mô gấp 3 như hiện nay, vấn đề quan trọng cần được quan tâm là nguồn nhân lực. Các địa phương cần xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực chung, rà soát nhu cầu về lao động của các KCN, KKT trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch và phương án đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu và đặt hàng cụ thể đối với từng cơ sở đào tạo nghề của mỗi địa phương để tránh tình trạng vừa thừa vừa thiếu lao động. Ngoài ra, cần đảm bảo quyền lợi, thu nhập và điều kiện sống, sinh hoạt của người lao động như cách Quảng Ninh thực hiện chính sách về nhà ở cho công nhân.

Hương Lan