Chủ tịch Nguyễn Ảnh Nhượng Tống bán toàn bộ cổ phần YEG
Ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Yeah1 (HoSE: YEG) thông báo đã bán toàn bộ hơn 4 triệu cổ phiếu YEG trong ngày 1/6 vừa qua.
Phiên giao dịch này ghi nhận khối lượng giao dịch thỏa thuận đúng bằng lượng bán ra của ông Tống với giá trị sang tay gần 70 tỷ đồng, tương ứng tại mức thị giá 17.300 đồng. Với giao dịch thoái vốn trên, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống chính thức không còn nắm giữ cổ phần doanh nghiệp do chính mình lập nên.
Được biết, tại Yeah1, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống hiện nắm giữ vị trí chủ tịch hội đồng quản trị.
Trước giao dịch của ông Tống, quỹ DFJ VinaCapital Venture Investment đã báo cáo bán ra toàn bộ hơn 1,5 triệu cổ phiếu YEG từ ngày 6/4/2022 đến ngày 15/4/2022 theo phương thức thoả thuận. Với giao dịch này, VinaCapital chính thức không còn là cổ đông của Yeah1.
Trong thời gian từ ngày 22/2 đến ngày 23/3, quỹ này cũng đã bán ra 1,5 triệu cổ phiếu YEG, tương đương 50% lượng đã đăng ký trước đó do diễn biến thị trường không phù hợp.
Theo công bố, quỹ VinaCapital chính thức đầu tư vào Yeah1 từ tháng 6/2008 thông qua việc mua vào 213.333 cổ phiếu với giá 128.333 đồng/cổ phiếu. Như vậy quỹ này đã chi ra hơn 27,37 tỷ đồng đầu tư vào Yeah1 cách đây 14 năm.
Đầu tháng 3/2022, bà Trần Uyên Phương cũng đã bán 107.300 cổ phiếu YEG để giảm sở hữu từ 14,33% về còn 13,98% vốn điều lệ, giao dịch được thực hiện ngày 4/3/2022.
Vinaconex rót 133 tỷ đồng thành lập công ty tại Quảng Ninh
Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex, HoSE: VCG) vừa thông qua phương án đầu tư góp vốn thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Vinaconex Quảng Ninh.
Theo đó, Vinaconex sẽ góp vốn bằng tiền mặt giá trị hơn 133 tỷ đồng thành lập Công ty Cổ phần đầu tư Vinaconex Quang Ninh. Vốn điều lệ của đơn vị này là 380,55 tỷ đồng, tương ứng 38,055 triệu cổ phần.
Phần vốn góp của Vinaconex chiếm 35% vốn của Vinaconex Quảng Ninh. Được biết, công ty sẽ đặt trụ sở chính ở khu Monbay, tổ 15 khu 2B, phố Hải Long, phường Hồng Hà, TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Ở chiều ngược lại, vào cuối tháng 3 vừa qua, Vinaconex đã quyết định bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Phát triển Hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc (Công ty Vĩnh Phúc), trị giá 46 tỷ đồng.
Hiện vốn điều lệ của Công ty Vĩnh Phúc ở mức 230 tỷ đồng, tức lô cổ phần của Vinaconex chiếm 20% lượng cổ phần lưu hành của doanh nghiệp, xếp vào khoản mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.(Xem thêm)
Vietnam Airlines bán xong 35% cổ phần tại hãng bay Campuchia với giá 35 triệu USD
Mới đây, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, HoSE: HVN) thông báo đã hoàn tất thương vụ chuyển nhượng 35% cổ phần tại hãng hàng không Cambodia Angkor Air (K6) cho bên nhận chuyển nhượng theo thoả thuận giữa 2 bên trong hợp đồng chuyển nhượng cổ phần. Sau khi chuyển nhượng, K6 không còn là công ty liên kết của Vietnam Airlines.
Cụ thể, ngày 3/1 và 29/3 vừa qua, Vietnam Airlines đã nhận được lần lượt 30 triệu USD và 4 triệu USD từ nhà đầu tư mua lại phần vốn góp tại K6. Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã nhận đặt cọc 1 triệu USD vào năm 2019.
Vietnam Airlines góp 49% vốn và trở thành cổ đông lớn của Cambodia Angkor Air vào năm 2009. Theo thoả thuận, Vietnam Airlines sẽ hợp tác và hỗ trợ tối đa cho hãng hàng không quốc gia Campuchia trong quá trình triển khai hoạt động mở rộng và phát triển, cũng như thực hiện các công việc bảo dưỡng, sửa chữa, hợp tác thương mại với nhiều ưu đãi đặc biệt.
Năm 2021, Vietnam Airlines ghi nhận 235 tỷ đồng từ doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cho Cambodia Angkor Air.
Vietnam Airlines muốn thoái vốn khỏi K6 từ năm 2020 sau khi dịch bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Sau thương vụ này, K6 không còn là công ty liên kết của Vietnam Airlines. Theo báo cáo tài chính riêng lẻ, đầu năm 2021, giá gốc khoản đầu tư vào K6 của Vietnam Airlines khoảng 868 tỷ đồng, nhưng đến cuối năm chỉ còn khoảng 248 tỷ đồng.
Lọc hóa Dầu Bình Sơn (BSR) ước lãi 6.765 tỷ đồng sau 5 tháng, vượt xa kế hoạch cả năm
Công ty Cổ phần Lọc hóa Dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) vừa công bố kết quả kinh doanh sơ bộ 5 tháng đầu năm, theo đó sản lượng sản xuất và tiêu thụ lần lượt đạt 2,8 triệu tấn và 2,7 triệu tấn, hoàn thành 44% và 42% kế hoạch cả năm.
Giai đoạn này, doanh thu của BSR ước đạt 65.840 tỷ đồng, thực hiện 72% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế ước đạt đến 6.765 tỷ đồng, vượt nhiều lần chỉ tiêu được giao năm 2022 (1.295 tỷ đồng).
Trước đó. kết thúc quý I, BSR báo cáo doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 34.800 tỷ đồng (tăng 65% so với cùng kỳ năm ngoái) và 2.300 tỷ đồng (tăng 25%). Như vậy, chỉ riêng tháng 4 và tháng 5 vừa qua, đơn vị điều hành nhà máy lọc dầu Dung Quất đã ghi nhận 31.040 tỷ đồng doanh thu và 4.465 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng rất mạnh so với kết quả của quý II/2021, dù vẫn còn 1 tháng nữa mới chốt quý.
Tình hình làm ăn tích cực của BSR diễn ra trong bối cảnh giá dầu Brent tăng mạnh trước sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế thế giới, đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ khí đốt, xăng dầu tăng đột biến để phục vụ cho các hoạt động giao thương bị gián đoạn nhiều tháng trời. Ngoài ra, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine nổ ra cũng là cú đánh trực diện vào nguồn cung cấp dầu khí vốn đã khan hiếm.