Ngày 3/3, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp Thường trực Chính phủ với Thường trực Tỉnh ủy Kiên Giang và các bộ, ngành liên quan về những nội dung chuẩn bị cho Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) năm 2027.

Cùng dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng: Trần Hồng Hà, Lê Thành Long, Hồ Đức Phớc, Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng các bộ: Tài Chính, Xây dựng, Văn phòng Chính phủ, Bí thư Tỉnh Ủy Kiên Giang Nguyễn Tiến Hải và lãnh đạo tỉnh Kiên Giang.
APEC sẽ là dấu mốc quan trọng, thể hiện vị thế của Việt Nam trong khu vực
Tại hội nghị các Nhà Lãnh đạo APEC lần thứ 30 vào năm 2023 tại Hoa Kỳ, Việt Nam đã đề xuất đăng cai tổ chức các hoạt động Năm APEC 2027 và được các nhà Lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC nhất trí đưa vào Tuyên bố chung của hội nghị. Như vậy, năm 2027 là lần thứ 3 Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch APEC và thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang được Trung ương chọn làm địa điểm tổ chức Tuần lễ cấp cao APEC 2027.
Phú Quốc là thành phố, đô thị loại 1, thuộc tỉnh Kiên Giang, được mệnh danh là hòn đảo ngọc trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc. Vùng biển Phú Quốc có 22 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó Phú Quốc lớn nhất có diện tích 567km2. Phú Quốc có ưu thế khi sở hữu hệ sinh thái du lịch được đầu tư vượt trội. Với các quần thể du lịch, siêu tổ hợp giải trí, nghỉ dưỡng, hệ thống phòng khách sạn 4-5 sao, Phú Quốc có sức cạnh tranh cao trong nước và quốc tế.
Diễn đàn Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 30 với chủ đề "Kết nối, xây dựng các nền kinh tế bao trùm và tự cường" sẽ là dấu mốc quan trọng, thể hiện vị thế của Việt Nam trong khu vực. Đây đồng thời là cơ hội để Phú Quốc trở thành một trung tâm hợp tác kinh tế, xã hội và giao thương toàn cầu.

Việc tiếp đón hàng nghìn đại biểu, lãnh đạo cấp cao và doanh nhân từ 21 nền kinh tế thành viên APEC giúp Phú Quốc trở thành tâm điểm của các cuộc ký kết thương mại, xây dựng mối quan hệ đối tác giữa các cường quốc kinh tế. Nhiều chuyên gia dự báo điều này sẽ kéo theo dòng vốn FDI, thúc đẩy các ngành kinh tế trọng điểm như du lịch, bất động sản, bán lẻ và dịch vụ. APEC 2027 được kỳ vọng trở thành "đòn bẩy" để Phú Quốc đẩy nhanh các dự án hạ tầng trọng điểm, từ giao thông đến các công trình đô thị.
Trong chuyến thăm, làm việc tại Phú Quốc vào tháng 3/2024, Thủ tướng đã chỉ đạo triển khai cấp bách các dự án xử lý rác thải, cấp nước sạch, xử lý nước thải, nâng cấp sân bay, chỉnh trang đô thị, xây dựng các tuyến giao thông…, phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch quốc gia, quốc tế, thành phố hiện đại, văn minh, thông minh, xanh, sạch, đẹp, an toàn, là nơi đáng sống.
Đối tượng của các dự án là phục cho APEC, những gì liên quan đến APEC thì mới làm
Tại hội nghị, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang cho biết, việc lựa chọn tổ chức sự kiện Diễn đàn Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào năm 2027 là cơ hội lớn, không chỉ cho sự phát triển của thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang mà còn là sự khẳng định vị thế quốc gia. Tuy nhiên, thời gian diễn ra sự kiện là không nhiều, trong khi khối lượng công việc phải thực hiện là rất lớn để đáp ứng yêu cầu và phải được triển khai đầu tư ngay từ thời điểm này.
Cùng với đó, Kiên Giang đã báo cáo Thủ tướng về tình hình triển khai và đề xuất, xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các vấn đề liên quan đến việc: hỗ trợ ngân sách Trung ương để thực hiện các dự án liên quan đến phục vụ hội nghị, trong đó có các dự án nâng cấp sân bay Phú Quốc, Trung tâm nước sạch, Trung tâm xử lý nước nước thải, rác thải; Trung tâm tổ chức hội nghị, Đường giao thông kết nối sân bay tới các nơi tổ chức sự kiện… và đề nghị xin một số cơ chế đặc thù, đặc biệt để triển khai nhanh các dự án.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, thời gian chỉ còn hai năm để triển khai dự án trong khi các thủ tục chưa xong. Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu tỉnh Kiên Giang phải cân đối thời gian, công việc, với tinh thần là phải xác định rõ về phạm vi, đối tượng của các dự án là phục cho APEC, những gì liên quan đến APEC thì mới làm, nhưng phải trên cơ sở tôn trọng quy hoạch chung đã có, những hạng mục nào chưa có trong quy hoạch thì bổ sung trên tinh thần phân cấp, phân quyền cho địa phương, tạo điều kiện cho Kiên Giang phát triển.
Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho các Phó Thủ tướng, trong đó việc liên quan đến nội dung, công tác tổ chức hội nghị Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn phụ trách; Việc nghiên cứu đầu tư cơ sở hạ tầng, đảm bảo công tác hậu cần phục vụ cho hội nghị Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phụ trách; những vấn đề liên quan đến chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất lúa… Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo trực tiếp.
Thủ tướng đã cho ý kiến và đồng ý việc xây dựng hồ chứa làm Trung tâm nước sạch bằng nguồn vốn đầu tư công; Trung tâm xử lý rác thải làm theo hình thức hợp tác công tư; còn đối với việc mở rộng hai sân bay Phú Quốc và Rạch Giá thì triển khai bằng hình thức công tư.

Liên quan đến việc xây dựng Trung tâm hội nghị, quảng trường, cung triển lãm, cung thiếu nhi, Thủ tướng chỉ rõ Kiên Giang nếu thấy cần thiết và kịp thì làm; các tuyến đường giao thông kết nối chính Thủ tướng chỉ đạo giao cho tỉnh Kiên Giang lập dự án và triển khai thực hiện, trung ương sẽ cung cấp một phần ngân sách cho tỉnh thực hiện, tinh thần là đảm bảo đúng luật, hiệu quả, chống tham nhũng tiêu cực; phải rà soát lại các dự án xem những dự án nào xử dụng vốn đầu tư công, dự án nào hợp tác công tư, và những gì thuộc thẩm quyền của địa phương thì địa phương làm, của Trung ương thì Trung ương làm và phải gắn với sự phát triển của Phú Quốc./.