Đó là sự phản ánh hiện thực, mang tính cảnh báo, nhận diện xu thế và là một trong những động lực góp phần điều chỉnh cho sự phát triển. Sự vật, hiện tượng nào cũng đều có tính hai mặt: xấu, tốt. Chỉ khác nhau về phạm vi, tính chất và mức độ. Nói chung, không có cái gì toàn tốt cả hoặc chẳng cái gì toàn xấu cả.
Tấm Huân chương nào cũng đều có mặt trái. Đòi hỏi thái độ nhìn nhận phải khách quan, với mục đích chung là mong muốn mọi việc ngày một tốt hơn. Trong xã hội hễ có điều gì bất bình, thì con người ta - bất cứ là ai - đều có quyền đánh giá, nhận xét, phản ánh dưới mọi hình thức.
Tình hình dịch bệnh Covid là mối quan tâm cập nhật thường xuyên của mọi người. Ai ai cũng lo lắng. Số người bị nhiễm dịch, số người tử vong và thiệt hại về vật chất đã là rất lớn. Nhưng chưa ai có thể dự báo được đỉnh điểm của dịch Covid sẽ là thế nào và đến bao giờ kết thúc. Hay là, dịch Covid sẽ song song tồn tại với con người dưới một mức độ nhất định nào đó.
Thiệt hại về dịch bệnh Covid là rất lớn, nhưng chắc chắn là tác động ảnh hưởng của nó sẽ còn lâu dài đến đời sống xã hội và nền kinh tế đất nước. Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch thường xuyên đánh giá tình hình và kịp thời đưa ra những giải pháp cấp thiết.
Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, cùng với việc điều hành phối hợp tầm vĩ mô ở “Tổng Hành Dinh”, đã nhiều lần dành thời gian xông xáo, bất chấp nguy hiểm, xuống tận cơ sở, thị sát các trung tâm ổ dịch, thăm hỏi bà con, nắm bắt tình hình, trực tiếp chỉ đạo tại chỗ. Lãnh đạo các cấp, các ngành đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao, tháo gỡ từng vấn đề trong chỉ đạo tổ chức thực hiện.
Theo sự điều hành của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ huy của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, các đơn vị quân đội - chủ yếu là ngành Quân y - đã cử hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ đến hỗ trợ, chung sức cùng địa phương giúp nhân dân vùng dịch, với nhiều việc làm thiết thực cụ thể, được nhân dân tin tưởng.
Trước tình hình đó, nhiều người trên cương vị phạm vi khác nhau, với truyền thống “Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách” (mọi người dân đều có trách nhiệm trước các vấn đề hệ trọng của đất nước) đã có những kiến nghị, những ý kiến phản biện đến các cấp, các ngành. Nhà nước và các ngành hữu quan cần ghi nhận, nghiên cứu tham khảo các ý kiến xác đáng đó.
Tuy nhiên, trong khi đại dịch Covid đang hoành hành trên một số địa phương và nguy cơ ở nhiều địa phương khác, thì bên cạnh những ý kiến tâm huyết đề xuất hoặc phản biện với ý thức, trách nhiệm công dân, trên các trang mạng xã hội cũng xuất hiện ý kiến chê bai, dèm pha, dè bỉu, phê phán sự điều hành của chính quyền các cấp và sự tư vấn, chỉ đạo, hướng dẫn của các cơ quan chức năng với thái độ thiếu xây dựng.
Khẩu hiệu: “Chống dịch như chống giặc” là biểu thị quan điểm tư tưởng quyết tâm của cả hệ thống chính trị và toàn thể đất nước, nhằm bảo vệ tính mạng nhân dân và giữ vững nền kinh tế - xã hội đất nước. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, dân tộc ta đã đương đầu với rất nhiều nhiều loại giặc ngoại xâm khác nhau. Nhưng không có loại giặc nào như “giặc” Covid. Bởi, đây là một loại “giặc” không hình hài, không phân trận tuyến, nên lại càng đòi hỏi đoàn kết.
Chính nó đã và đang làm khuynh đảo nhiều cường quốc khoa học công nghệ và kinh tế trên thế giới, cướp đi hơn 4 triệu sinh mạng. Coi chống dịch như chống giặc, nhưng chúng ta không vận dụng các hình thức chiến thuật, chiến dịch, chiến lược trong các cuộc chiến tranh chống ngoại xâm để chống lại đại dịch Covid. Cuộc chiến này chưa có tiền lệ.
Do đó, sự lúng túng cụ thể trong khâu điều hành chung hoặc tổ chức triển khai việc nọ, việc kia ở các cấp, các ngành - Âu cũng là điều dễ hiểu. Khi Chính phủ có chủ trương đưa lực lượng quân đội, công an vào hỗ trợ một số địa phương giúp nhân dân an sinh tại một số ổ dịch trọng điểm, thì có người nói rằng, sinh ra lực lượng quân đội là để sẵn sàng đánh giặc giữ nước, chứ không phải đi chợ tiếp phẩm cho dân, không phải là shipper.
Nhiệm vụ kép lúc này là: Chống dịch không được buông; Cuộc sống chẳng thể dừng. Ở đời, có một hiện tượng thật lạ: Một số người trên thực tế chẳng có tài cán và công đức gì, nhưng họ chê hết mọi thứ từ thượng vàng đến hạ cám. Họ chê bất cứ cái gì, ở đâu, lúc nào.
Họ chê nhiều rồi thành thứ bệnh “nghiện chê”, thành một thói quen không hay. Họ nhìn đời toàn một màu xám. Hễ mở miệng cất lời là chê. Tuồng như, không chê được là bứt rứt, khó chịu. Khi họ chê mà không được người khác cộng hưởng đồng tình, thì tự khắc họ không bằng lòng mà cho rằng: người đối thoại không biết nói chuyện, không phải là chỗ đồng cảm, tâm giao.
“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân” (cái gì mình không muốn thì đừng bắt người khác phải chịu). Mình không thích nghe người khác chê, thì đừng bắt họ phải nghe lời chê từ minh. Nói chung, con người ta từ đứa trẻ đến các bậc danh nhân đều thích được khen, thích được người khác cho là quan trọng.
Chê bai là làm ngược lại điều đó. Chê bai là khởi thủy của sự mất đoàn kết. Lời dè bỉu, chê bai sẽ thành mồi lửa làm nổ tung kho thuốc súng của lòng tự trọng, tự tôn, tự ái luôn tiềm ẩn trong mỗi con người. Lời nói xấu người khác ở bất cứ đâu cứ như ném một hòn đá lên trời, sau đó sớm muộn lại rơi đúng đầu mình.
Người xưa nói: "Hàm huyết phún nhân, tiên ô ngã khẩu". Có nghĩa là, ai đó ngậm máu phun người, thì trước hết đã là làm bẩn miệng mình. Nhiều người đã tổng kết: "Bệnh tật đi vào cơ thể bằng đường miệng. Tai họa lại từ cửa miệng mà ra". Do đó, ở đời đừng xúc phạm, chê bai ai cái gì đó khi không đủ hiểu biết hoặc không liên quan trực tiếp đến bản thân mình.
Tóm lại, phản biện và chê bai là hai hình thức xuất phát từ hai động cơ hoàn toàn trái ngược nhau. Cần tỉnh táo phân biệt giữa việc phản biện nói lên sự thật với sự chê bai. Xuất phát từ động cơ trong sáng, phương pháp thẳng thắn, chân thành phản biện góp ý xây dựng bằng thái độ tinh tế, lịch lãm là điều rất cần thiết. Ngược lại, mọi người cần lên án việc chê bai, xuyên tạc dưới mọi hình thức. Đôi điều lạm bàn trên đây có thể chưa thấu đáo. Muôn người muôn nẻo nghĩ. Cùng quan niệm âu là điều không thể./.