Siêu thị PT MART bày bán thực phẩm thiếu thông tin về nguồn gốc xuất xứ, tem nhãn phụ tiếng Việt

Nhiều năm qua, PT MART được người tiêu dùng biết đến là một trong những hệ thống siêu thị phục vụ cho các chung cư tại Hà Nội, có lượng khách đông đảo. Tuy nhiên, tại đây đang diễn ra tình trạng bày bán sản phẩm, thực phẩm "trắng thông tin", không rõ nguồn gốc xuất xứ, không tem nhãn, không tem nhãn phụ tiếng Việt...

Được biết, hệ thống siêu thị PT MART ra đời từ năm 2015, cho đến nay, không ngừng phát triển vươn lên, ra mắt với 16 siêu thị trên khắp các chung cư nội thành Hà Nội, mang đến cho người tiêu dùng sự lựa chọn đa dạng về chất lượng hàng hóa và dịch vụ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu trải nghiệm mua sắm từ bình dân đến cao cấp.

Trái ngược lại với lòng tin của người tiều dùng, hệ thống siêu thị PT MART đang dần đánh mất thương hiệu bởi bày bán các hàng hòa sản phẩm không rõ nguồn gốc, "trắng thông tin", không tem nhãn phụ Tiếng Việt... PV Doanh nghiệp & Kinh tế xanh đã "mục sở thị" tại siêu thị 02/16 siêu thị PT MART.

z3970433102335-e5858f8a63219fe9516619839353e890-1671401335.jpg
 

Siêu thị PT MART tại SH4 – Chung cư Phương Đông Green Park, số 1 Trần Thủ Độ, P. Hoàng Liệt, Q. Hoàng Mai, Tp. Hà Nội

Bán hàng không tem nhãn, gây khó cho người tiêu dùng

Ngày 01/12/2022, PV Doanh nghiệp & Kinh tế xanh đã “mục sở thị” tại siêu thị PT MART có địa chỉ tại SH4 – Chung cư Phương Đông Green Park, số 1 Trần Thủ Độ, P. Hoàng Liệt, Q. Hoàng Mai, Tp. Hà Nội

Tại đây, bày bán các loại hàng hoá, sản phẩm như: Đồ ăn, đồ uống, đặc biệt đồ ăn vặt của trẻ em… không tem nhãn phụ Tiếng Việt, không có tên sản phẩm và giá bán...

Một số sản phẩm, đồ ăn vặt của trẻ em không có tem nhãn phụ bằng Tiếng Việt.

Sản phẩm rong biển 100% tiếng nước ngoài không có tem phụ Tiếng Việt.

Tại gian hàng thực phẩm đông lạnh, phóng viên nhận thấy, có một số sản phẩm, hàng hóa bày bán không có tên sản phẩm, nguồn gốc xuất xứ, ngày sản xuất và hạn sử dụng…

Hàng hóa nhập khẩu không có đơn vị nhập khẩu và phân phối

Để thông tin được khách quan hơn, phóng viên tiếp tục tìm đến siêu thị PT MART tại sảnh G3, Chung cư Vinhomes Greenbay, số 7 Đại Lộ Thăng Long, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội để ghi nhận thực tế. Phóng viên nhận thấy cả 02 siêu thị này đều bày bán một số hàng hoá, nhãn mác sản phẩm ghi bằng chữ nước ngoài, không có tem nhãn phụ tiếng Việt. Các mặt hàng không tem nhãn phụ chủ yếu là những sản phẩm thực phẩm đồ ăn, đồ uống…

 Đồ ăn 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

Tại khu bày bán đồ ăn, mỹ phẩm, phóng viên còn thấy có những sản phẩm 100% chữ nước ngoài (bao gồm tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Thái Lan…) nhưng không có nhãn phụ Tiếng Việt.

Đồ uống 100% chữ nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng Tiếng Việt.

Sản phẩm kẹo 100% tiếng nước ngoài, không có tem phụ Tiếng Việt.

Hiện nay, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội. Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ khiến ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Để làm rõ thông tin trên, ngày 03/12/2022, PV Doanh nghiệp & Kinh tế xanh đã đặt lịch làm việc với bên quản lý hệ thống siêu thị PT Mart nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin phản hồi.

Từ sự việc nêu trên của 02 cơ sở siêu thị PT Mart, câu hỏi được nhiều người tiêu dùng đặt ra là: Người tiêu dùng sử dụng sản phẩm "trắng thông tin" bị phản ứng sau dùng, ảnh hưởng đến sức khỏe, mắc bệnh, phải nhập viện điều trị thì ai chịu trách nhiệm? 

Cơ quan chức năng sẽ nói gì về vấn đề một số sản phẩm bày bán tại hệ thống siêu thị lớn này lại không ghi rõ thông tin hạn sử dụng và không rõ tem nhãn phụ Tiếng Việt?.

Trách nhiệm của cơ quan chức năng ở đâu khi để cho siêu thị này bày bán những sản phẩm không rõ nguồn gốc một cách ngang nhiên trong suốt thời gian dài như vậy?

Cơ quan chức năng sẽ nói gì về vấn đề một số sản phẩm bày bán tại siêu thị lớn này lại không có tem nhãn phụ tiếng Việt thể hiện thành phần, công dụng, cách sử dụng…? 

Câu hỏi xin được chuyển đến người quản lý hệ thống siêu thị; đề nghị Cục Quản lý thị trường TP. Hà Nội và Chi cục An toàn thực phẩm TP. Hà Nội kiểm tra, xác minh, xử lý sai phạm để bảo vệ sức khoẻ của người tiêu dùng, khách hàng.

Nghị quyết số 41/NQ-CP, ngày 09/06/2015 về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới.

Tại điểm 1, Điều 44, Luật An toàn thực phẩm quy định về ghi nhãn thực phẩm quy định tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm tại Việt Nam phải thực hiện việc ghi nhãn thực phẩm theo quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa. Đối với thời hạn sử dụng thực phẩm thể hiện trên nhãn thì tùy theo loại sản phẩm được ghi là “hạn sử dụng”, “sử dụng đến ngày” hoặc “sử dụng tốt nhất trước ngày”.

Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt đối với hành vi vi phạm về thời hạn sử dụng của hàng hóa, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ và có vi phạm khác sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1.000.000 đồng: Kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; Đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa; Kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; Mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.

Khoản 3, Điều 7, Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định: Hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng Tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng Tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Theo Nghị định số 43/2017/NĐ-CP và Nghị định số 98/2020/NĐ-CP quy định về thông tin in trên nhãn phụ và quy định về tem nhãn hàng hóa nhập khẩu, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong buôn bán hàng hóa nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng trôi nổi, hàng có dấu hiệu làm nhái, làm giả có thể phạt tiền đến 200 triệu đồng tùy vào mức độ vi phạm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Tại khoản 2, Điều 7, Quyết định 1371/2004/QĐ-BTM ngày 24/09/2004 về việc ban hành quy chế siêu thị, trung tâm thương mại, theo đó các siêu thị, trung tâm thương, mại không được kinh doanh các loại hàng hóa không đúng quy định về nhãn hàng hóa, về tem thuế hàng hóa nhập khẩu và tem thuế hàng hoá tiêu thụ đặc biệt. Hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục cấm kinh doanh theo quy định của pháp luật; hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ xuất xứ, hàng quá thời hạn sử dụng và hàng không đảm bảo chất lượng theo quy định của pháp luật như hàng mất phẩm chất, hàng kém chất lượng, hàng nhiễm độc và động thực vật bị dịch bệnh...

Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng Tiếng Việt.

 

Hoàng Hà