Sau Twitter và Meta, Amazon dự kiến sa thải gần 10.000 nhân viên

Theo The New York Times, tập đoàn thương mại điện tử Mỹ Amazon đang lên kế hoạch cắt giảm nhân sự lớn nhất lịch sử . Đợt cắt giảm này ảnh hưởng đến nhóm nhân viên đang làm việc tại bộ phận thiết bị của công ty, bao gồm trợ lý ảo Alexa, bộ phận bán lẻ và bộ phận nhân lực.

Được biết, tổng số bị sa thải chưa rõ ràng, nhưng con số dự kiến là gần 10.000 người, tương đương với 3% khối văn phòng và chưa tới 1% lực lượng lao động toàn cầu của công ty. Hiện tại, Amazon đang có hơn 1,5 triệu nhân viên, chủ yếu là nhân viên theo giờ.

Kế hoạch sa thải ngay trước mùa mua sắm bận rộn nhất năm cho thấy, nền kinh tế toàn cầu đang gây áp lực lớn thế nào đến các doanh nghiệp từng tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch. Amazon cũng sẽ là hãng công nghệ lớn nhất tiến hành thu hẹp quy mô nhân sự. Đầu năm nay, gã khổng lồ thương mại điện tử vẫn còn tăng gấp đôi các mức bồi thường cho nhân viên công nghệ.

Trước đó, nhiều ông lớn công nghệ khác cũng đã tuyên bố kế hoạch cắt giảm nhân sự. Meta, công ty mẹ của Facebook, đã tuyên bố cắt giảm hơn 13% nhân sự, tức hơn 11.000 nhân viên. Twitter cũng đã sa thải khoảng một nửa nhân sự trong vài ngày sau khi tỷ phú Elon Musk tiếp quản công ty truyền thông xã hội này trong một thương vụ mua lại trị giá 44 tỷ USD.

Tính đến cuối năm 2019, Amazon có khoảng 798.000 nhân viên, nhưng tính đến 31/12/2021, gã khổng lồ thương mại điện tử Mỹ đã có 1,6 triệu nhân viên chính thức và bán thời gian. New York Times cho biết tổng số nhân sự bị sa thải "vẫn còn biến động" và có thể thay đổi. Đại diện của Amazon vẫn chưa lên tiếng bình luận về vấn đề này.

amazon-1668530336.jpg
Một trụ sở  tập đoàn thương mại điện tử Mỹ Amazon. Ảnh minh họa

Trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, Amazon lập kỷ lục lợi nhuận khi người dùng chuyển đổi thói quen mua sắm từ trực tiếp sang trực tuyến,. Amazon đã tăng gấp đôi nhân sự trong 2 năm và thừa thắng xông lên với việc mở rộng nhà kho và mở rộng thị trường .

Tuy nhiên, đến đầu năm 2022, Amazon ghi nhận tăng trưởng chậm nhất trong hai thập kỷ. Chi phí vận hành tăng mạnh, khách hàng lại quay về thói quen mua sắm cũ, kết hợp với lạm phát cao ảnh hưởng xấu đến doanh số. Dù hồi phục nhẹ trong quý III, Amazon cảnh báo nhà đầu tư tăng trưởng sẽ không mấy khả quan, thậm chí có thể là thấp nhất kể từ năm 2001.

Ban lãnh đạo Amazon đã phải tổ chức gặp gỡ các nhà đầu tư lớn khi cổ phiếu "chạm đáy", thổi bay 1.000 tỷ USD vốn hóa kể từ khi ông Andy Jassy tiếp quản chiếc ghế CEO. Amazon cho biết, công ty vẫn đang theo dõi sát sao các bộ phận để cắt giảm chi phí. Hãng đã đóng cửa hoặc thu hẹp một số dự án, bao gồm dịch vụ khám bệnh từ xa Amazon Care, robot giao hàng Scout…

Từ tháng 4 tới tháng 9, khoảng 80.000 nhân viên (chủ yếu là nhân viên theo giờ) bị cho thôi việc, Amazon cũng đóng băng tuyển dụng tại một số đội nhóm trong tháng 9. Vào tháng 10, công ty ngừng tuyển dụng trên mọi bộ phận.

Do xác định Alexa và các thiết bị liên quan là ưu tiên hàng đầu của Amazon trong cuộc đua trợ lý giọng nói. Vì vậy,từ năm 2017 đến 2018, Amazon đã tăng gấp đôi số lượng nhân viên phát triển Alexa và thiết bị Echo lên 10.000 kỹ sư. Dù bán được hàng trăm triệu sản phẩm, nhưng Alexa có biên lợi nhuận thấp và các nguồn thu khác từ Alexa không đáp ứng được kỳ vọng. Năm 2018, Alexa và Echo lỗ khoảng 5 tỷ USD.

Amazon đã gây kinh ngạc cho giới đầu tư khi công bố kết quả kinh doanh quý III đầy thất vọng hồi tháng 10. Điều đó đã khiến cổ phiếu giảm hơn 13%, vốn hóa thị trường rơi xuống dưới mốc 1.000 tỷ USD lần đầu tiên kể từ tháng 4/2020. Việc bán tháo tiếp tục diễn ra nhiều ngày sau đó xóa sạch gần như toàn bộ thành quả của cổ phiếu này trong thời đại dịch.

Cổ phiếu của Amazon đã lao dốc mất 2% trong phiên đầu tuần hôm qua. Tính riêng năm nay, cổ phiếu Amazon đã giảm khoảng 41%, nhiều hơn mức giảm 14% của chỉ số S&P500 và đang trên đà trở thành năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Thi Nguyên (t/h)