Thông tin từ Trung tâm Dữ liệu quốc gia về dân cư (Cục Cảnh sát quản lý Hành chính về trật tự xã hội) cho biết, hiện nay, Bộ Công an đã tổ chức thực hiện việc rút tiền bằng căn cước công dân gắn chip tại một số ngân hàng.
Theo đó, sau khi chủ tài khoản quét Căn cước công dân (CCCD) qua thiết bị tại cây ATM, hệ thống ngân hàng sẽ kiểm tra, xác thực và đối chiếu thông tin trên thẻ gắn chip.
Sau đó, hệ thống tiếp tục xác thực khuôn mặt và vân tay của khách hàng để phòng ngừa tài khoản giả mạo trước khi công dân thực hiện giao dịch rút tiền.
Bộ Công an đánh giá việc ứng dụng căn cước công dân gắn chip cho các giao dịch ngân hàng tự động sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong các thủ tục hành chính, giảm thiểu nguy cơ giả mạo tài khoản, sai sót khi chuyển hay rút tiền mặt.
Bộ Công an đánh giá việc ứng dụng căn cước công dân cho các giao dịch ngân hàng tự động sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong các thủ tục hành chính, giảm thiểu nguy cơ giả mạo tài khoản, sai sót khi chuyển hay rút tiền mặt.
Ngoài ứng dụng căn cước công dân trong giao dịch ngân hàng, hiện nay, người dân còn có thể sử dụng thẻ gắn chip hoặc ứng dụng VNEID thay cho thẻ bảo hiểm y tế khi đến khám chữa bệnh tại một số cơ sở.
Theo Quyết định số 06 phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030, Chính phủ kỳ vọng căn cước công dân gắn chip sẽ từng bước thay thế, tích hợp các giấy tờ cá nhân trên cơ sở cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đề án hướng đến hết năm 2022 sẽ bảo đảm xác thực 100% thông tin thiết yếu trên ứng dụng VNEID hoặc qua căn cước công dân như: Thông tin tiêm chủng, xét nghiệm, giấy phép lái xe, đăng ký xe,... Khi đó, người dân chỉ cần sử dụng căn cước công dân, ứng dụng VNEID khi đi làm các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Bộ Công an đã hoàn thiện việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu đã có của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tập đoàn Điện lực, Tổng cục Thuế, dữ liệu về trẻ em của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng cơ sở dữ liệu giáo dục.