
Ngày 10/6, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trưởng phòng Dự báo thời tiết thuộc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia – đã cập nhật những đánh giá mới nhất liên quan đến khả năng hình thành bão số 1, hướng di chuyển cũng như ảnh hưởng từ hoàn lưu của hệ thống này.
Ông Hưởng cho biết, trong sáng cùng ngày, vùng áp thấp nằm ở khu vực phía đông giữa Biển Đông đã phát triển thành áp thấp nhiệt đới. Đây là áp thấp nhiệt đới thứ hai xuất hiện trên Biển Đông kể từ đầu năm 2025. Dự báo trong vòng 24 giờ tới, hệ thống này có khả năng tiếp tục mạnh lên và trở thành bão.
"Chúng tôi nhận định rằng, từ sáng đến trưa, muộn nhất là chiều ngày 11/6, áp thấp nhiệt đới sẽ đạt cấp bão. Nếu xảy ra, đây sẽ là cơn bão số 1 trên Biển Đông năm nay, đồng thời cũng là cơn bão đầu tiên hình thành trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương trong năm 2025," ông Hưởng cho biết thêm.
Đồng tình ý kiến, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, áp thấp nhiệt đới khả năng mạnh lên thành bão.
Ông Khiêm nhận định nếu bão hình thành, nhiều khả năng đây sẽ là cơn bão đầu tiên trong năm 2025 không chỉ ở Biển Đông mà trên toàn bộ khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương.
Ngoài ra, ông Nguyễn Văn Hưởng cũng lưu ý rằng, một trong những điểm đáng chú ý của áp thấp nhiệt đới và sau đó là bão số 1 chính là hoàn lưu mây có phạm vi rất rộng, bao phủ gần như toàn bộ khu vực Bắc, giữa và cả một phần phía Nam Biển Đông. Thậm chí, vùng biển dọc miền Trung từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi cũng nằm trong khu vực chịu ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, sau đó là hoàn lưu bão.
Do hoàn lưu trải rộng, toàn bộ Biển Đông, bao gồm cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa sẽ xuất hiện gió mạnh cấp 6-7, có khả năng tăng lên cấp 8-9 khi bão phát triển. Sóng biển vì thế cũng dâng cao, dự báo khu vực Bắc Biển Đông có sóng từ 4-6 mét, trong khi khu vực biển miền Trung dao động từ 2-4 mét.
Trước tình hình đó, cơ quan khí tượng thủy văn đề nghị các lực lượng chức năng, ngư dân và những người đang hoạt động trên biển cần cập nhật thường xuyên các bản tin thời tiết, đồng thời chuẩn bị sẵn các phương án phòng tránh và ứng phó linh hoạt với các tình huống bất ngờ có thể xảy ra.
Theo dự báo, trong đêm 9 và ngày 10/6, khu vực biển từ Bình Thuận đến Cà Mau, vùng biển phía Nam khu vực giữa Biển Đông và Nam Biển Đông (bao gồm cả khu vực quần đảo Trường Sa) sẽ có gió Tây Nam hoạt động mạnh ở cấp 5, có lúc đạt cấp 6, giật cấp 7-8, gây biển động.
Bên cạnh đó, khu vực Bắc Biển Đông (trong đó có vùng biển quần đảo Hoàng Sa), khu vực giữa và Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, Cà Mau đến Kiên Giang và cả vịnh Thái Lan được dự báo sẽ xuất hiện mưa rào và dông mạnh. Trong các cơn dông, có khả năng xảy ra lốc xoáy, gió giật cấp 6-7 và sóng cao trên 2 mét.