Sản xuất nông nghiệp tại Thanh Hóa tăng trưởng cao

Tình hình sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa trong 10 tháng năm 2023 tiếp tục được giữ vững, tốc độ tăng trưởng đạt chỉ tiêu, một số ngành nghề vượt chỉ tiêu
du-lich-nong-nghiep-thanh-hoa-1698040165.png
Mô hình du lịch nông nghiệp tại Thanh Hóa được các doanh nghiệp, HTX tập trung đầu tư, khai thác

Theo số liệu tổng hợp về tình hình kinh tế - xã hội trong 10 năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa cho thấy tình hình kinh tế trong lĩnh vực nông có chuyển biến tích cực, tống độ tăng trưởng đạt mức khá. Nhiều sản phẩm trở thành mặt hàng xuất khẩu.

Trong đó, tổng diện tích thu hoạch cây trồng vụ Thu Mùa đạt 142.481,1 ha, bằng 93,7% diện tích gieo trồng. Tổng diện tích gieo trồng vụ Đông đạt 20.346,3 ha, bằng 43,3% kế hoạch; trong đó: Ngô 7.910,1 ha, bằng 56,5%; lạc 691,8 ha, bằng 53,2%; khoai lang 613 ha, bằng 30,7%; rau màu và cây trồng khác 11.131,4 ha, bằng 37,5% kế hoạch.

Đặc biệt, trong tháng 6/2023, số lô vải không hạt của Công ty TNHH Nông nghiệp công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm trồng tại Thanh Hóa đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và Vương quốc Anh. Đây được xem là bước tiến mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Thanh Hóa.

Không dừng lại ở đó, hiện nay một số doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã bắt đầu đầu tư khai thác mô hình nông nghiệp xanh kết hợp với du lịch tạo sự chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Về chăn nuôi: Từ đầu năm 2023 đến nay, ngành chăn nuôi của tỉnh Thanh Hóa tiếp tục có sự chuyển dịch từ hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ, hộ gia đình sang hình thức chăn nuôi trang trại, gia trại theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp, có kiểm soát an toàn dịch bệnh và môi trường. Toàn tỉnh hiện có 1.080 trang trại và 739.350 hộ chăn nuôi. Sản lượng thịt hơi các loại 9 tháng năm 2023 ước đạt 215,8 nghìn tấn, trong đó: thịt trâu, bò 26,7 nghìn tấn; thịt lợn hơi 125,2 nghìn tấn; thịt gia cầm 57,9 nghìn tấn; thịt hơi khác khoảng 06 nghìn tấn); sản xuất sữa tươi đạt 43,5 nghìn tấn; sản lượng trứng đạt 240,3 triệu quả.

Đặc biệt,trong 9 tháng năm 2023, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 01 dự án chăn nuôi với quy mô 2.400 lợn nái, 25.000 lợn thịt/lứa, tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng và đồng ý điều chỉnh chủ trương đầu tư 09 dự án phát triển chăn nuôi quy mô lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 72 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi quy mô lớn, trong đó có một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài như: Công ty chăn nuôi C.P, CJ, Japfa comfeed, Golden, Mavin, Newhope… Một số doanh nghiệp lớn trong nước đầu tư xây dựng các dự án chăn nuôi quy mô lớn, gắn với nhà máy chế biến, giết mổ và định hướng xuất khẩu, như: Tập đoàn Sữa Việt Nam Vinamilk, Tập đoàn TH True milk, Tập Đoàn DABACO, Công ty Cổ phần nông sản Phú Gia, 3FViet...

Về thủy sản: Từ đầu năm đến nay, lĩnh vực khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn do giá xăng dầu tăng cao, ngư trường cạn kiệt… Thế như sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sảnvẫn tăng trưởng khá. Trong tháng 10/2023 ước đạt 17.150 tấn, trong đó: Sản lượng khai thác 11.650 tấn (khai thác biển 11.275 tấn; khai thác nội địa 375 tấn); sản lượng nuôi trồng 5.500 tấn.

Để đạt và vượt kế hoạch năm, Chi cục Thủy sản Thanh Hóa đã chỉ đạo các các đơn vị liên quan tiếp tục kiểm tra nắm bắt tình hình khai thác thủy sản, chỉ đạo, kiểm tra công tác sản xuất giống, nuôi thương phẩm. Đồng thời chủ động phân tích, dự báo nhu cầu của thị trường để có kế hoạch mở rộng diện tích nuôi trồng, bảo đảm cung ứng dịp cuối năm. Đồng thời nâng cao công tác theo dõi, dự báo thời tiết, dịch bệnh để có phương án ứng phó phù hợp bảo vệ nguồn thủy sản trong mùa mưa bão.

Theo kế hoạch của tỉnh Thanh Hóa, ngành nông nghiệp cần tập trung đầu tư phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả trong nước và ngoài nước. Chuyển mạnh tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường; lấy nông dân làm trung tâm, nông nghiệp là động lực, nông thôn là nền tảng để xây dựng một nền nông nghiệp phát triển theo hướng xanh, bền vững.

Hà Khải