Thực hiện lời day của Bác Hồ “Tỉnh Thanh Hóa phải trở nên một tỉnh kiểu mẫu, thì làm sao cho mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự phải là kiểu mẫu. Làm một người kiểu mẫu, một huyện kiểu mẫu, một tỉnh kiểu mẫu. Quyết tâm làm thì sẽ thành tỉnh kiểu mẫu". Những năm qua, với sự đồng lòng của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, đã đưa xứ Thanh phát triển lên một tầm cao mới.
Phát huy thế mạnh tạo tiền đề “cất cánh”.
Khép lại năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong đó, duy tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 7,01%, đứng thứ 3 trong nhóm các tỉnh, thành phố có quy mô GRDP lớn nhất cả nước. Trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 4,16%, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 8,67% (công nghiệp tăng 10,73%), khu vực dịch vụ tăng 7,19% và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,22%. Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển khá toàn diện.
Tổng sản lượng lương thực năm 2023 ước đạt 1,57 triệu tấn, vượt 2,8% kế hoạch; năng suất lúa cả năm ước đạt 61,5 tạ/ha. Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, công tác phòng, chống dịch bệnh được chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm.
Năm 2023, Thanh Hóa có thêm 1 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (thị xã Bỉm Sơn), 17 xã đạt chuẩn NTM, 24 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 8 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và 160 sản phẩm được công nhận OCOP tỉnh, nâng tổng số sản phẩm OCOP được công nhận lên có 452 sản phẩm, đứng thứ 2 cả nước.
Kế thừa và phát huy thế mạnh nêu trên, chỉ trong vòng 2 tháng năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,3%; doanh thu bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ tăng 21%; giá trị xuất khẩu tăng 52,8%; tổng lượt khách du lịch tăng 34,4%, tổng thu du lịch tăng 46%; vận chuyển hàng hóa tăng 10,2%, vận chuyển hành khách tăng 26,3%, doanh thu vận tải tăng 15,3%; thu ngân sách Nhà nước tháng 2 ước đạt 3.375 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ; lũy kế 2 tháng đầu năm ước đạt 8.708 tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) và cấp giấp chứng nhận đầu tư cho 3 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký khoảng 2.929,9 tỷ đồng và 32,6 triệu USD; lũy kế từ đầu năm đến nay, đã thu hút được 21 dự án đầu tư trực tiếp (trong đó có 3 dự án FDI), với tổng vốn đăng ký đầu tư khoảng 3.299,2 tỷ đồng và 32,6 triệu USD, gấp 3 lần về số dự án và gấp 6,7 lần về tổng vốn đăng ký so với cùng kỳ.
Khát vọng hóa rồng
Trên nền tảng đạt được trong năm 2023, Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đưa ra các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 11% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 3.540 USD trở lên; sản lượng lương thực giữ ở mức 1,5 triệu tấn; tổng giá trị xuất khẩu đạt 6 tỷ USD trở lên; thu ngân sách nhà nước đạt 35.567 tỷ đồng trở lên; số doanh nghiệp thành lập mới đạt 3.000 doanh nghiệp trở lên…
Để hiện thực hóa hững mục tiêu đó, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất; quyết tâm, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án, cơ chế, chính sách đã được ban hành nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại Nghị quyết số 58 của Bộ Chính trị, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020 - 2025.
Tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch chung đô thị Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2040. Thẩm định, trình phê duyệt các quy hoạch phân khu chức năng, quy hoạch chi tiết xây dựng trên địa bàn tỉnh. Rà soát, điều chỉnh những bất cập, chồng chéo, chưa thống nhất giữa các loại quy hoạch, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thu hút đầu tư.
Thúc đẩy mạnh mẽ động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; đẩy mạnh phát triển các ngành kinh tế gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trọng tâm là đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao, thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với xây dựng nông thôn mới.
Tập trung phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; chú trọng phát triển các ngành, lĩnh vực dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, giá trị gia tăng cao; khai thác hiệu quả các sản phẩm, dịch vụ du lịch có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh; nâng cao chất lượng các loại hình vận tải.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn tối đa thời gian giải quyết các thủ tục hành chính. Tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
Thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp, tăng thu ngân sách, phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 ở mức cao nhất; tăng cường quản lý, sử dụng ngân sách tiết kiệm, hiệu quả để tập trung nguồn lực phục vụ cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách của tỉnh.
Phát biểu tại Phiên họp thường kỳ tháng 2 năm 2024, ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: “Kết quả đạt được trong tháng 2 tiếp tục có nhiều khởi sắc, hầu hết các lĩnh vực đều đạt, vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Đặc biệt, với sự vào cuộc tích cực, chủ động của các ngành, các địa phương, các hoạt động trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 diễn ra sôi nổi, vui tươi, tạo khí thế phấn khởi cho Nhân dân.
Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị các ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn” trên các lĩnh vực; đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tiết giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.
Trên hành trình quyết tâm trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía Bắc của Tổ quốc cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành tứ giác trụ cột phát triển, Thanh Hóa đang nỗ lực bứt phá để đóng góp nhiều hơn nữa vào thế vận đi lên của đất nước, để sớm hiện thực hóa Khát vọng hóa rồng của Việt Nam trước ngưỡng cửa năm 2045./.