Quảng Trị: Đối thoại tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp

Ngày 27/6, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức Hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để giải quyết khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Trị, các sở, ngành, địa phương và đại diện lãnh đạo của gần 500 doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Theo đó, năm 2023 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm phát triển kinh tế xã hội 2021-2025 của tỉnh Quảng Trị. Với mục tiêu phấn đấu chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành khá của cả nước, đồng thời thúc đẩy thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo, kiến tạo môi trường kinh doanh, UBND tỉnh Quảng Trị đã ban hành, chỉ đạo triển khai nhiều chính sách, kế hoạch, thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, người dân; thành lập Ban chỉ đạo và Tổ công tác giải phóng mặt bằng cấp tỉnh với mục đích kịp thời hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

z4467018605049-3f050500534587dfa85a9861f68fa1bd-1687855978.jpg
Quang cảnh buổi hội nghị

Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của tỉnh, các sở, ngành và địa phương đã tăng cường thực hiện các giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, phòng chống tham nhũng, lãng phí, xây dựng bộ máy hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan, đơn vị đã quan tâm tổ chức đối thoại doanh nghiệp, nhà đầu tư, kịp thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Trong 5 tháng đầu năm 2023, có 226 doanh nghiệp và 71 đơn vị trực thuộc được thành lập mới với tổng vốn đăng ký là hơn 2.102 tỷ đồng, giảm 1% về số doanh nghiệp đăng ký so với cùng kỳ năm 2022, số vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp đạt hơn 9,2 tỷ đồng. Đến nay, tổng số doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh là: 3.361 doanh nghiệp.

Số doanh nghiệp thực hiện các thủ tục đăng ký thay đổi (thay đổi vốn điều lệ, mở rộng ngành nghề kinh doanh, địa chỉ, tên, thành viên....): 234 hồ sơ; tăng 11% so với cùng kỳ năm 2022; Số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 216 doanh nghiệp, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2022, Số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tự nguyện, chấm dứt hoạt động sản xuất, kinh doanh là 31 doanh nghiệp, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2022. Trong 5 tháng đầu năm, đã ra thu hồi 49 doanh nghiệp.

z4467702336058-4d4326386bb11a6f1afc90cfec726eff-1687856108.jpg
Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị điều hành hội nghị

Tính đến ngày 31/5/2023, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị đã thu hút 19 dự án đầu tư với số vốn đăng ký là 2.824,52 tỷ đồng; trong đó: Ngoài khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) thu hút 16 dự án với số vốn là 1.528,95 tỷ đồng; Trong KCN, KKT thu hút 03 dự án với số vốn đăng ký là 1.295,57 tỷ đồng. Một số dự án lớn như: Nhà máy sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời của Công ty CP Đầu tư và Phát triển QV Solar với tổng vốn đầu tư 968,96 tỷ đồng; Dự án Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty Công ty Cổ phần Thành Sen QT với tổng vốn đầu tư 204,66 tỷ đồng; Dự án Khu chăn nuôi lợn công nghệ cao của Công ty Công ty Cổ phần Thành Sen HT với tổng vốn đầu tư 204,65 tỷ đồng.

z4467638816513-de8c73ce09e43b3d2fb15dc5e02336c8-1687856355.jpg
Ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị phát biểu tại Hội nghị

Báo cáo tại buổi Hội nghị, ông Trương Chí Trung – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Trị đã nêu ra nhiều khó khăn ở nhiều doanh nghiệp và ở nhiều lĩnh vực. Cụ thể như khó khăn về chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh: Thời gian qua, giá một số chủng loại vật liệu xây dựng biến động tăng, đặc biệt là thép xây dựng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng, tiến độ thi công xây dựng công trình. Giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển tăng nhanh và cao, tình trạng đặt tàu, đặt container cho hàng vận chuyển đường biển từ nước ngoài gặp rất nhiều khó khăn, không có chuyến, chậm và mất rất nhiều thời gian vận chuyển, có thời điểm không đặt được đơn vị vận chuyển. Giá xăng dầu tăng quá cao kéo theo giá cả toàn thị trường không ổn định, tăng theo từng ngày làm cho doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Về nguồn đất san lấp mặt bằng: Thời gian gần đây, tình trạng thiếu đất san lắp mặt bằng cho các công trình xây dựng, nhất là công trình xây dựng san lắp mặt bằng, dẫn đến một trong những nguyên nhân làm chậm tiến độ công trình xây dựng, do khan hiếm nguồn vật liệu san lắp, các doanh nghiệp phải đi tìm kiếm nguồn vật liệu đất san lắp xa xôi, mua lại đất cải tạo… mua với giá cao, nên đội giá thành công trình tăng thêm, tạo thêm một khoản chi phí cho doanh nghiệp.

Khó khăn của các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp: Một số nông sản, sản phẩm nông nghiệp qua chế biến khó khăn trong tiêu thụ dẫn đến chi phí tồn kho, bảo quản tăng. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chưa khai thác hiệu quả nhãn hiệu tập thể các sản phẩm OCOP trên địa bàn để đưa vào các siêu thị, hệ thống bán lẻ và các sàn giao dịch thương mại điện tử.

Đối với các doanh nghiệp có sản phẩm xuất ra nước ngoài: Một số sản phẩm sản xuất của các Doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường nước ngoài bị chậm lại như: sản phẩm dăm gỗ, ván ghép thanh, ván bóc, áo quần... làm cho doanh thu sản xuất của các doanh nghiệp giảm, thu nhập tiền lương của người lao động giảm, người lao động có thời gian nghỉ việc gián đoạn do ảnh hưởng của bệnh Covid-19. Một số dự án đang triển khai thi công có sử dụng công nghệ, thiết bị và chuyên gia người nước ngoài không nhập khẩu, nhập cảnh vào Việt Nam được đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.

Bên cạnh đó, quy định mới về cấp giấy phép môi trường theo Luật Bảo vệ môi trường 2020 làm phát sinh thêm chi phí lập hồ sơ môi trường cho một số cơ sở dù trước đây đã có đầy đủ các hồ sơ về môi trường.

Đối với lĩnh vực năng lượng, ngoài 42,3MW các dự án điện gió đã thi công hoàn thành trong năm 2022 nhưng chưa vận hành thương mại (Dự án nhà máy điện gió (NMĐG) Hướng Linh 7 - 16,8MW và Dự án NMĐG Hướng Hiệp 1 - 25,5MW), trong năm 2023 dự kiến có 03 dự án điện gió hoàn thành công tác thi công (Tân Hợp - 38MW, Hướng Linh 3 - 30MW và Hướng Linh 4 - 30MW). Việc vận hành thương mại của các dự án điện gió này phụ thuộc vào quá trình đàm phán giá phát điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam theo quy định tại Thông tư số 15/2022/TTBCT ngày 03/10/2022 của Bộ Công Thương ban hành quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp; Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp. Theo báo cáo của các nhà đầu tư và EVN, việc đàm phán còn gặp một số vướng mắc cần được tháo gỡ.

Về tiếp cận vốn tín dụng: Việc định giá tài sản cho vay vốn đối với các doanh nghiệp, tài sản thế chấp ngân hàng để vay vốn phần lớn là đất đai, nhà cửa. Do thời gian gần đây việc định giá tài sản của các ngân hàng thương mại đưa giá trị tài sản thấp hơn khoảng 30% so với thời gian trước đây, từ đó đã tạo ra những khó khăn không nhỏ cho doanh nghiệp, định giá tài sản thấp, đồng nghĩa vốn vay cũng giảm đáng kể, từ đó doanh nghiệp không đủ vốn để xoay sỡ trong thời điểm kinh tế đang có nhiều biến động khó khăn này.

Về lãi suất: Doanh nghiệp không những gặp khó khăn khi những tháng gần đây lãi suất tăng cao, mà lãi suất giữa các ngân hàng thương mại có sự chênh lệch đáng kể. Từ đó, khách hàng phải có sự lựa chọn ngân hàng nào lãi suất thấp để vay. Nhưng khổ nỗi, việc chuyển thủ tục tài sản thế chấp từ ngân hàng này đến ngân hàng khác rất rườm rà và mất nhiều thời gian, làm mất cơ hội đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp.

Về thủ tục vay và giải ngân ngân vốn: Nhiều doanh nghiệp rất búc xúc, phản ánh: Hiện nay có một số ngân hàng thương mại, khi doanh nghiệp đến tiếp cận và làm thủ tục vay vốn. Sau khi hồ sơ đủ điều kiện và thời gian doanh nghiệp nộp vào ngân hàng cho đến khi được nhận tiền còn rất chậm, không những hàng tiếng đồng hồ, mà có khi chậm mất hết cả ngày. Trong khi đó, nhiều đơn hàng giao dịch của doanh nghiệp phải thực hiện nhanh chóng, nhưng do nhận được nguồn tiền vay tại ngân hàng chậm, dẫn đến không ít doanh nghiệp bị phá vỡ hợp đồng mua bán hàng hóa, làm thiệt hại không nhỏ cho doanh nghiệp.

Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và Hội doanh nhân trẻ tỉnh Quảng Trị... đã nêu lên nhiều khó khăn, bất cập như thủ tục thông quan qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, vị trí đặt trạm thu phí BOT làm ảnh hưởng lớn đến tình phát triển kinh tế tỉnh Quảng Trị, đặc biệt nhiều doanh nghiệp nêu lên khó khăn trong việc thực hiện phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Đơn cử như, ý kiến của ông Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị cho biết, khoảng 1 năm trở lại đây thường xuyên bị kiểm tra, xử phạt vì những quy định mới của PCCC. Dẫn trường hợp ở địa phương có 1 doanh nghiệp làm thêm mái của nhà băm gỗ dăm tổng đầu tư khoảng 100 triệu đồng, nhưng phương án thiết kế PCCC lại lên tới 3,4 tỉ đồng.

tan-2090-1687856302.JPG
Ông Nguyễn Văn Đức - Giám đốc Công ty TNHH MTV Đức Hiền Quảng Trị trình bày ý kiến tại Hội nghị

Kết luận buổi Hội nghị, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đã ghi nhận, cảm ơn những ý kiến, giải pháp của các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm chia sẻ, đồng hành với sự phát triển kinh tế xã hội chung của tỉnh. Đồng thời, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư không chỉ tổng hợp tất cả ý kiến trong khuôn khổ Hội nghị mà cần phải mở đường dây nóng để tiếp nhận những ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới để UBND tỉnh có cơ sở tổ chức những buổi đối thoại tiếp theo. Với những ý kiến của doanh nghiệp, nhà đầu tư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phân loại theo trách nhiệm của từng ngành, lĩnh vực để các sở, ngành, địa phương liên quan có phản hồi sớm nhất. Qua đó, kịp thời tháo gỡ, giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng doanh nghiệp có môi trường kinh doanh hiệu quả.

Đoàn Thuận