Quảng Ninh tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô năm 2022-2023.

Thống kê cho thấy, toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có gần 430.000ha rừng, gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

Trong đó, có trên 250.000ha rừng dễ cháy, chủ yếu là rừng trồng thông, bạch đàn, keo và rừng hỗn giao tre, nứa. Đây là những loại cây có đặc tính dễ bắt lửa, tốc độ cháy lan nhanh, khó chữa nếu cháy xảy ra trên diện rộng.

Từ đầu năm 2022 đến nay, 13/13 địa phương trong tỉnh đều đã tổ chức diễn tập chữa cháy rừng, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức cũng như hành động của các cấp, ngành và nhân dân về công tác phòng, chống cháy rừng.

chay-rung-1666601656.jpg
Ảnh minh họa

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng đã ban hành văn bản về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy rừng mùa hanh khô tập trung vào các biện pháp cụ thể như sau:

- Chỉ đạo Ban chỉ huy PCCC rừng cấp huyện tăng cường kiểm tra đôn đốc các chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCC.

- Bố trí lực lượng canh phòng trực 10/24 giờ trong ngày đối với dự báo cháy rừng ở cấp III; 12/24 giờ đối với dự báo cháy rừng ở cấp IV; 24/24 giờ đối với dự báo cháy rừng ở cấp V.

- Kiểm soát chặt chẽ người ra vào những khu vực rừng có nguy cơ cháy cao (đặc biệt chú trọng trong các giờ cao điểm).

- Yêu cầu các chủ rừng, các đối tượng nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng thực hiện ngay các biện pháp vệ sinh, xử lý thực bì giảm vật liệu cháy đảm bảo các quy định về phòng cháy rừng; xác định rõ trách nhiệm của chủ rừng, người nhận khoán trong công tác quản lý, bảo vệ rừng; thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin, thông báo cấp dự báo cháy rừng, khi xảy ra cháy rừng phải kịp thời triển khai các phương án chữa cháy để hạn chế thiệt hại.

Thời tiết khô hanh, nắng nóng kéo dài khiến nguy cơ xảy ra cháy rừng rất lớn. Do đó, các cơ quan chức năng, các chủ rừng cần tăng cường triển khai nhiều giải pháp PCCC rừng hiệu quả, cần làm tốt các công tác sau:

1. Hạt kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền địa phương cấp xã thường xuyên rà soát, kiểm tra lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, thực hiện hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong PCCC rừng; tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát và hướng dẫn việc sử dụng lửa trong rừng và ven rừng của người dân, đặc biệt trong các đợt cao điểm nắng nóng; xây dựng phương án PCCC rừng phù hợp với tình hình thực tế của các khu rừng và địa phương.

2. Tăng cường tuyên truyền giáo dục, phổ cập kiến thức về phòng chống cháy rừng, hình thành phong trào thi đua bảo vệ rừng một cách thường xuyên, liên tục, sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Song song với vận động quần chúng nhân dân tự nguyện thay đổi thói quen canh tác, sản xuất nông nghiệp lạc hậu như đốt rừng, đốt nương,… nâng cao ý thức cảnh giác và kiểm soát nguồn phát lửa trong các chuyến đi rừng; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng đối với các hộ dân có hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng và tích cực tố giác cá nhân có hành vi phá hoại, đốt gây cháy rừng.

3. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng theo các cấp cảnh báo cháy, trên cơ sở đó đề ra các biện pháp phòng chống thích hợp và chữa cháy rừng một cách có hiệu quả, đảm bảo an toàn tính mạng và giảm thiệt hại kinh tế.

4. Tiến hành phân chia, xây dựng các đường băng cản lửa: Đường băng trắng, đường băng xanh để ngăn ngọn lửa cháy lan mặt đất hoặc cháy lướt trên ngọn cây rừng… Ở những vùng có địa hình dốc, đi lại khó khăn, cần quy hoạch xây dựng và sử dụng các thung lũng, khe suối, đầm, hồ sẵn có để dự trữ nước cho công tác chữa cháy rừng hoặc xây hồ đập kiên cố để dự trữ nước phục vụ nhiều mục đích.

5. Song song với quy hoạch vùng sản xuất nương rẫy, định canh, thâm canh, luân canh, chăn thả gia súc… cần có biện pháp làm giảm vật liệu cháy như: chủ động đốt trước mùa khô, mang vật liệu cháy ra khỏi rừng, vệ sinh rừng để tạo điều kiện thuận lợi cho cây rừng sinh trưởng tốt hơn.

6. Với lực lượng chữa cháy, cần tăng cường đào tạo kỹ thuật PCCC rừng và khắc phục hậu quả cháy rừng, cứu hộ cứu nạn khi cháy rừng xảy ra; phổ biến chính sách liên quan đến công tác PCCC rừng; tiếp cận và ứng dụng các công nghệ mới, hiệu quả cao trong PCCC rừng. Đồng thời, phối kết hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội, chính quyền địa phương và quần chúng nhân dân tham gia diễn tập PCCC rừng thường xuyên nhằm nâng cao nhận thức, làm quen với thực tế công tác chữa cháy rừng.

Hoàng Hà (t/h)