Hội nghị đã chỉ ra, trong 5 tháng đầu năm 2022, ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện nhiệm vụ gặp nhiều khó khăn, tuy vậy, với sự nỗ lực, quyết tâm cao, linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành, sự cố gắng của bà con nông dân nên sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định. Cụ thể, công tác sản xuất vụ Đông Xuân đã triển khai kịp thời, diện tích đạt gần 55.148ha, cơ cấu giống và cơ bản gieo trồng hết diện tích. Tuy nhiên, thời tiết vụ Đông Xuân năm nay diễn biến dị thường đã làm ảnh hưởng tới sản xuất, nhất là cây lúa.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đẩy mạnh công tác kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm. Về lĩnh vực thủy sản, ngành Nông nghiệp và các ngành địa phương đã triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, khắc phục “thẻ vàng’’ của EC; sản lượng khai thác thủy sản trong 4 tháng đạt hơn 24.000 tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Với lĩnh vực Lâm nghiệp, công tác trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh và nâng cao chất lượng rừng được đẩy mạnh; tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng tại gốc; ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp, khai thác lâm sản trái phép; đẩy mạnh công tác phòng cháy chữa cháy rừng trong mùa nắng nóng. Bên cạnh đó, công tác tưới tiêu cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất vụ Đông Xuân. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cũng đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình, nhất là Dự án hệ thống thủy lợi Rào Nan.
Trên lĩnh vực Kinh tế tập thể, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các Hợp tác xã ngày càng được nâng cao. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, nhiều tiến bộ kỹ thuật, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Nhất là hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị ứng dụng công nghệ cao...; góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng, giá trị cao, thực hiện tốt cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng Nông thôn mới.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung phân tích, thảo luận về một số khó khăn trong sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua, cũng như đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện hiệu quả nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp trong thời gian tới. Cụ thể là, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; xây dựng sản phẩm OCOP gắn với xây dựng thương hiệu và thị trường tiêu thụ; việc khai thác nguồn nước ngầm, nước mặt phục vụ sản xuất nông nghiệp; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Kết luận tại hội nghị, ông Trần Thắng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nói: “UBND tỉnh đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà ngành Nông nghiệp đã đạt được trong thời gian qua, tích cực đóng góp vào sự phục hồi, phát triển chung của tỉnh. Bên cạnh đó còn những tồn tại, hạn chế, thách thức đối với ngành nông nghiệp, trong đó, các yếu tố có ảnh hưởng lớn như biến đổi khí hậu; dịch bệnh Covid-19, dịch bệnh cây trồng vật nuôi vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Sản xuất nông nghiệp của tỉnh ta đang chủ yếu là hộ gia đình, nhỏ lẻ, manh mún; các quy trình sản xuất nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, chưa định hình rõ nét, chưa có sản phẩm nông sản đặc trưng của địa phương có sức cạnh tranh trên thị trường, ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp mới chỉ dừng lại ở một số khâu sản xuất".
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cũng chỉ đạo cụ thể đối với nhiệm vụ sản xuất nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, phòng chống thiên tai, bảo vệ tài nguyên rừng và một số đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Xuất phát từ những yêu cầu, đòi hỏi của lĩnh vực nông nghiệp, trong thời gian tới, nhất là khi Trung ương ban hành các Chính sách mới về Nông nghiệp, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn địa phương cần phải tạo sự chuyển biến, đột phá mới trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật mới và chuyển đổi số vào phát triển kinh tế...