Quảng Bình: An vị tượng Bác Hồ tại Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng – ATP

Sáng 16/12 vừa qua, tại xã Thượng Thạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Biên giới đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và Tỉnh Đoàn Quảng Bình long trọng tổ chức lễ an vị tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP. Đến dự lễ, có các đồng chí Trịnh Thanh Bình - Tỉnh ủy viên, Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng Quảng Bình, Đặng Đại Bàng - Bí thư Tỉnh đoàn Quảng Bình cùng các Thượng tọa đến từ Hội Phật giáo tỉnh Bình Định. 
1-1702955236.png
Trọng điểm Cà Roòng-ATP (Cà Roòng, đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) trên đường 20 Quyết thắng. (Ảnh tư liệu)

“Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”

Tài liệu của Hội truyền thống Trường Sơn đường Hồ Chí Minh Việt Nam cho biết, từ cuối năm 1964, bộ đội Trường Sơn bắt đầu chuyển từ gùi thồ sang vận chuyển cơ giới. Tuyến vượt khẩu cơ giới duy nhất lúc này là đường 12 từ Khe Ve, Mụ Giạ, nối với đường 128 trên đất Lào, qua Seng Phan, Lùm Bùm... nhập vào đường 9 tại Na Bo.

Thế nhưng, khó khăn là suốt mấy tháng mùa mưa Seng Phan lại trở thành túi nước, thành “tử huyệt” trên đường 128, cắt ngang tuyến vận tải. Trước tình hình đó, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 trình và được Quân ủy Trung ương chuẩn y kế hoạch mở trục đường ngang mới xuất phát từ Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ngày 21/1/1966, đúng mồng 1 Tết Bính Ngọ, Phó Tư lệnh Đoàn 559 Nguyễn Tường Lân phát lệnh mở màn chiến dịch “Chọc thủng Trường Sơn, mở đường thắng lợi”.

Sau gần bốn tháng thi công, vượt qua bao khó khăn, thử thách, ngày 14/4/1966, hai cánh thi công đã gặp nhau ở khu vực biên giới Việt Nam-Lào. Đường cơ bản thông, ngày 5/5/1966, đoàn xe 15 chiếc của Binh trạm 14 chở gạo đi qua. Từ khi thông tuyến, đường 20 đã góp phần to lớn trong việc phá thế độc tuyến, chi viện đắc lực cho chiến trường. Chính vì thế, đường 20 bị kẻ địch phát hiện và đánh phá một cách khốc liệt, điên cuồng. Tất cả các loại vũ khí tối tân nhất đều được địch sử dụng để đánh phá, đủ các loại bom đạn dội xuống đường 20, kể cả dùng B52 rải thảm. Có thời gian địch đánh 4-5 ngày đêm tạo thành những tọa độ lửa. Mức độ đánh phá vô cùng ác liệt và với cường độ ngày càng tăng: “Mùa khô 1965-1966, địch đánh đường 12 là 87 lần, đường 20 là 102 lần. Mùa khô 1970-1971, địch đánh đường 12 là 617 lần, đường 20 là 926 lần”.

2-1702955236.png
Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng – ATP khánh thành ngày 24/7/2022. Ảnh: Vân Quảng Tâm

Tuy nhiên, mưa bom bão đạn của địch vẫn không ngăn nổi ý chí, quyết tâm của những người con yêu nước. Với phương châm “Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến” và quyết tâm “Địch đánh, ta cứ đi”, lớp lớp đoàn quân, đoàn xe vẫn vượt qua đạn bom, lao ra phía trước, kịp thời chi viện cho các chiến trường. Trong suốt 11 năm khảo sát, mở đường, chiến đấu bảo đảm giao thông, hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến trường trên tuyến đường 20 - Quyết Thắng có 4000 đến 5000 ngàn liệt sĩ đã anh dũng hy sinh và hàng ngàn thương binh trong tổng số hơn 8000 lượt cán bộ, công nhân, TNXP, bộ đội làm việc trên tuyến đường này.

Trọng điểm Cà Roòng-ATP (Cà Roòng, đoạn cua chữ A, ngầm Ta Lê và đèo Phu La Nhích) trên đường 20 Quyết thắng (nay là khu vực Km 63+900 Tỉnh lộ 562) thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình là đầu mối quan trọng trong chiến lược vận tải của đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử, là con đường huyết mạch nối đông Trường Sơn với tây Trường Sơn trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nơi đây được ví như túi bom, tọa độ lửa vượt Trường Sơn. Máu, nước mắt và mồ hôi của những chàng trai, cô gái tuổi 20 đã đổ trên trọng điểm Trạ Ang, Cà Roòng, ATP, dốc Ba Thang… làm nên huyền thoại của tuyến đường. Các anh, các chị, những anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước, cho con đường xanh mãi tuổi 20.

An vị tượng Bác Hồ tại ngôi đền thiêng

Thể theo nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, mong mỏi của đồng bào, chiến sĩ và thân nhân các gia đình liệt sĩ trong cả nước, UBND tỉnh và các đơn vị liên quan đã xây dựng Đền tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP.

3-1702955236.jpg
Tượng Bác Hồ tại ngôi đền thiêng là biểu tượng cho niềm tin yêu, tình cảm kính trọng sâu sắc đối với công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Ảnh: Vân Quảng Tâm

Để tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên Đường 20 Quyết Thắng, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Biên giới, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) và ông Dương Công Minh (Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Sacombank) tài trợ kinh phí xây dựng Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP với tổng mức đầu tư hơn 42 tỷ đồng.

4-1702955236.jpg
Các Thượng tọa đến từ Giáo hội Phật Giáo tỉnh Bình Định thực hiện các nghi thức Phật giáo an vị tượng Bác. Ảnh: Vân Quảng Tâm

Công trình được khánh thành vào dịp Kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ - 27/7/2022, sau 4 năm triển khai xây dựng. Công trình Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP có diện tích xây dựng 1,08ha; bao gồm đền thờ chính rộng hơn 235m2. Toàn bộ khu vực sân có tổng diện tích hơn 2.200m2 được chia làm 3 khu vực gồm sân thượng (khu vực Đền thờ), sân trung (khu vực nhà bia và gác chuông), sân hạ (khu vực cổng tứ trụ); bãi giữ xe có tổng diện tích hơn 1.500m2.

Với lòng biết ơn sâu sắc, Quỹ Hạnh phúc cho mọi người (Hà Nội) đã cung tiến tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tại Đền. Tượng tái hiện hình ảnh Bác Hồ ngồi đọc báo, được đúc bằng đồng, mạ vàng, cao gần 1 mét. Sáng 16/12/2023, Ban Tổ chức Chương trình Nghĩa tình Biên giới đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình và Tỉnh Đoàn Quảng Bình long trọng tổ chức lễ an vị tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP.

Thực hiện các nghi thức Phật giáo an vị tượng Bác là các Thượng tọa Thích Vạn Huy - Trụ trì Tổ đình Giác Hoàng, Thượng tọa Thích Nhuận Trí - Trụ trì Tổ đình Thiên Đức, Thượng tọa Thích Nhuận Tín - Trụ trì Tổ đình Thiên Sanh, Thượng tọa Thích Giác Quang - Trụ trì chùa Pháp Hải, Thượng tọa Thích Nhuận Huệ - Trụ trì Tổ đình Long Đức, đến từ Giáo hội Phật Giáo tỉnh Bình Định.

5-1702955236.jpg
Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP là biểu tượng của những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh: Vân Quảng Tâm

Chia sẻ với phóng viên, bà Đỗ Thị Đằng (SN 1948, Cựu chiến binh trọng điểm Cà Roòng – ATP) rất xúc động: “Chúng tôi, những chàng trai, cô gái tuổi 20 đã lên đường, cống hiến cho Tổ quốc, rất nhiều người trong số đó đã mãi mãi hòa mình cùng mảnh đất thiêng liêng này. Đền tưởng niệm liệt sĩ Trường Sơn - Đường 20 Quyết Thắng, trọng điểm Cà Roòng - ATP sẽ không những là minh chứng về tính chất khốc liệt trên mặt trận giao thông vận tải, mà còn in đậm, khắc sâu biểu tượng của những tấm gương sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng của dân tộc Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”./.

Trần Quỳnh