Phú Thọ mở rộng thị trường, tạo dựng chỗ đứng cho hàng Việt

Nhờ những nỗ lực kết nối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ, hàng hóa Việt Nam đã chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống ở Phú Thọ. Đặc biệt nhiều mặt hàng nông sản, đặc sản của địa phương đã có mặt tại hệ thống này này khắp thị trường cả nước, được người tiêu dùng biết đến và tin dùng.
grab2c9e7ava-2-jykb-1636367818.jpg
Hàng hóa Việt Nam đã chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong hệ thống siêu thị, các chợ truyền thống ở Phú Thọ.

Theo đánh giá của ngành công thương tỉnh, trong những năm gần đây, tỷ trọng hàng Việt trên thị trường tỉnh Phú Thọ đã tăng lên rõ rệt, với các mặt hàng khá đa dạng, phong phú từ đồ gia dụng, hàng tiêu dùng, hóa mỹ phẩm, thực phẩm, nước uống, nông sản… Hiện nay, đã có trên 90% hàng hóa Việt có mặt tại hệ thống siêu thị lớn và hơn 60% tại thị trường bán lẻ như chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi trên địa bàn tỉnh.

Cửa hàng Lưu Thủy, tại xã Võ Miếu, huyện miền núi Thanh Sơn luôn có trên 1.600 mặt hàng Việt Nam để phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân quanh vùng. Đây là 1 trong những điểm bán hàng Việt do Sở Công Thương triển khai xây dựng vào năm 2018. Hiện cửa hàng Lưu Thủy đã mở rộng thêm một số ki ốt tại các chợ truyền thống trên địa bàn huyện để cung cấp các sản phẩm Việt Nam đến với người tiêu dùng.

Bà Nguyễn Lệ Thủy, chủ chuỗi cửa hàng Lưu Thủy cho biết, tại các điểm bán hàng trong huyện luôn được treo biển “điểm bán hàng Việt” để người dân biết và đến mua hàng. Việc nhập các sản phẩm hàng hóa về phục vụ người tiêu dùng tại địa phương cũng được ưu tiên lựa chọn các sản phẩm của nhà sản xuất trong nước để phân phối và bán lẻ thị trường trong huyện. Đến nay, tỷ lệ hàng Việt chiếm trên 90% trong cơ cấu hàng hóa tại các chuỗi cửa hàng của gia đình, đảm bảo chất lượng và giá thành sản phẩm, an toàn về thực phẩm.

Cùng với hệ thống bán hàng Việt tại khu vực nông thôn, hàng Việt cũng xuất hiện ngày càng nhiều tại siêu thị, cửa hàng tiện lợi ở khu vực thành thị. Đáng chú ý nhiều sản phẩm nông sản, đặc sản của địa phương như thịt chua Thanh Sơn, mì gạo Hùng Lô, rau sạch Tứ Xã, bưởi Đoan Hùng… đã có mặt tại siêu thị lớn như Co.opmart, Big C, Vinmas, Vincom khắp trong và ngoài tỉnh.

Quản lý siêu thị Coopmart Việt Trì cho biết, hàng Việt đặc biệt là nông sản, đặc sản của địa phương không chỉ tại siêu thị ở tỉnh Phú Thọ, mà có mặt tại hệ thống siêu thị Coopmart trong cả nước với tỷ lệ hàng Việt luôn chiếm 80 - 90% trong cơ cấu hàng hóa. Các mặt hàng chủ yếu là hàng gia dụng, thực phẩm và hàng may mặc đến từ các doanh nghiệp có uy tín trong nước.

Anh Cao Đăng Duy, Giám đốc Hợp tác xã mì gạo Hùng Lô cho biết, hiện nay sản phẩm mì gạo Hùng Lô đã được đưa vào các siêu thị lớn, các cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng hợp tác sản xuất và tiêu thụ khoảng 40-50 tấn sản phẩm. Nhờ được phân phối trong hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi đã giúp sản lượng, uy tín thương hiệu của doanh nghiệp ngày càng được củng cố.

Theo chị Nguyễn Thị Thủy, phường Gia Cẩm, thành phố Việt Trì, từ lâu các sản phẩm hàng hóa Việt Nam luôn được gia đình chị lựa chọn tin dùng bởi chất lượng, giá thành cạnh tranh.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Sở Công Thương Phú Thọ cho biết, đến nay cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai sâu rộng trên địa bàn tỉnh giúp các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa Việt, đặc biệt là doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tìm được chỗ đứng trên thị trường. Cuộc vận động cũng đã giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn với những sản phẩm hàng Việt có chất lượng; đồng thời giúp tăng cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng.

Theo ông Hùng, để đạt được kết quả trên, thời gian qua Sở Công Thương đã thành lập nhiều điểm bán hàng Việt, hàng nông sản địa phương ở các khu vực chợ vùng nông thôn, khu tập trung dân cư, khu công nghiệp để người tiêu dùng biết đến. Đồng thời, tổ chức chương trình khuyến mãi và các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn nhằm từng bước đẩy lùi hàng giả, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh được sử dụng hàng có chất lượng tốt với giá cả phải chăng.

Ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

kinh-te-nong-nghiep-bpt-2-1622682334-1636367884.jpg
Phú Thọ mở rộng thị trường, tạo dựng chỗ đứng cho hàng Việt

Trong 10 năm qua, ngành công thương tỉnh đã xác nhận cho các doanh nghiệp tổ chức thành công 170 hội chợ ở các huyện, thành, thị; riêng Sở Công Thương tổ chức 24 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi cùng nhiều phiên chợ khác về các khu công nghiệp với sự tham gia của trên 270 lượt doanh nghiệp tham gia, doanh thu bán hàng đạt khoảng trên 10 tỷ đồng. Bên cạnh đó, ngành công thương Phú Thọ đã xây dựng thành công 4 điểm bán hàng Việt Nam tại các huyện Thanh Sơn, Thanh Ba, Phù Ninh và Lâm Thao.
Để tiếp tục đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, trong thời gian tới Sở Công Thương Phú Thọ sẽ tiếp tục là đầu mối tổ chức các hội thảo, tập huấn về kỹ năng, giải pháp tiêu thụ sản phẩm theo hình thức mới, tư vấn cách thức cải thiện điều kiện sản xuất, chất lượng sản phẩm giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã cung ứng sản phẩm vào hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi; đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã phương pháp nghiên cứu thị trường, tạo dựng hình ảnh sản phẩm; quản trị thương hiệu; chính sách truyền thông, khuyến mãi, hậu mãi cho sản phẩm…

Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa, dịch vụ trong nước cam kết thực hiện trách nhiệm nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã sản phẩm.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ tăng cường tuyên truyền để mọi tầng lớp nhân dân phân biệt được hàng nhái, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ; tiếp tục khảo mở rộng mô hình bán hàng Việt; tiếp tục đưa các hội chợ, chương trình khuyến mãi và các chuyến đưa hàng Việt về nông thôn.

Ngành chức năng tăng cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.

Cùng đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các địa phương tổ chức rà soát, bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện nhiều văn bản, quy định; xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế phát triển sản xuất. Thực hiện cải cách hành chính, đơn giản hóa các thủ tục, tạo thuận lợi cho người dân và giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp.