Phía sau cuộc “đại phẫu” đăng kiểm xe cơ giới

Thủ tục hành chính rườm rà, kém hiệu quả là 1 trong 3 “điểm nghẽn” cản trở sự phát triển kinh tế. Nếu nền hành chính cứ vận hành như thời gian qua mà không chuyển dần sang nền hành chính “phục vụ” đúng nghĩa, khi đó, điểm nghẽn sẽ càng “phình to”. Thực tế, cuộc “đại phẫu” ngành đăng kiểm đã và đang làm nóng dư luận trong thời gian gần đây cho thấy rõ những khuyết điểm trầm trọng tồn tại lâu nay trong nền hành chính “vì nhân dân phục vụ” của nước ta.

“Khủng hoảng” đăng kiểm - Cơ hội đổi mới?

Hàng trăm chiếc xe ô tô nối đuôi nhau hàng cây số, tài xế ăn ngủ trên xe nhiều ngày, từ đêm khuya cho tới sáng sớm, chạy lòng vòng các tỉnh thành lân cận, thậm chí, phải bỏ tiền thuê người đi “xí chỗ”… Khủng hoảng đăng kiểm lên đến đỉnh điểm từ tháng 2/2023, đến mức người dân phải thốt lên: “khổ như đi đăng kiểm”!

dang-kiem-2-1681185672.jpg
Chưa bao giờ việc đăng kiểm xe lại trở thành nỗi ám ảnh với người dân như hiện nay. (Ảnh: Cổng TTĐT Vĩnh Phúc)

Cả nước có 61/281 Trung tâm đăng kiểm (TTĐK) bị dừng hoạt động, trong đó, có 53 TTĐK tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra, 8 TTĐK do không đủ điều kiện theo Nghị định 139/2018 của Chính phủ. “Khủng” nhất là thủ đô Hà Nội khi có tới 22/31 TTĐK với 41 dây chuyền kiểm định đang dừng hoạt động. Còn tại TP. Hồ Chí Minh, 9 TTĐK với 17 dây chuyền kiểm định bị tạm dừng hoạt động.

Trước tình trạng quá tải, đối mặt với nguy cơ vỡ trận đăng kiểm, Chính phủ đã chỉ đạo phải giải quyết dứt điểm. Nhiều giải pháp được đặt ra, trong đó có hàng trăm cán bộ của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng được chi viện; hàng loạt chính sách được đề xuất nhằm tháo gỡ tình hình.

Thực tế, cuộc “đại phẫu thuật” ngành đăng kiểm cho thấy đây là những sai phạm, vi phạm mang tính hệ thống, không chỉ do thiếu kiểm tra, giám sát. Bởi, cả Cục trưởng, nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam và hàng chục cán bộ, nhân viên thuộc Cục này đều bị bắt. Ngay tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 2/2023, Trung tướng Tô Ân Xô - người phát ngôn Bộ Công an cho rằng, có thể coi vụ đăng kiểm giống như vụ Việt Á. Số bị can chắc chắn sẽ không dừng ở con số gần 400 vì các tỉnh vẫn đang tiếp tục kiểm tra.

Rõ ràng hệ thống đăng kiểm đang rối. Rối là do có nhiều vi phạm pháp luật kéo dài mang tính hệ thống. Nhưng sai phải sửa, không thể trút gánh nặng sang cho người dân và càng không thể bao biện bằng hoàn cảnh. Chắc chắn hoạt động đăng kiểm ô tô không thể bị gián đoạn, gãy đổ chỉ vì nhiều sai phạm. Dư luận xã hội từ nhiều năm nay đòi hỏi Cục Đăng kiểm Việt Nam cũng như Bộ Giao thông vận tải phải khắc phục ngay những tồn tại hạn chế.

Nhớ lại, trong tác phẩm "Đạo đức cách mạng" (12/1958), Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Chúng ta không sợ sai lầm, chỉ sợ phạm sai lầm mà không quyết tâm sửa chữa. Muốn sửa chữa cho tốt thì phải sẵn sàng nghe quần chúng phê bình và thật thà tự phê bình. Không chịu nghe phê bình và không tự phê bình thì nhất định lạc hậu, thoái bộ. Lạc hậu và thoái bộ thì sẽ bị quần chúng bỏ rơi. Đó là kết quả tất nhiên của chủ nghĩa cá nhân". Còn trong bài “Sao cho được lòng dân? Bác căn dặn “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh… Nói tóm lại, muốn được dân yêu, muốn được lòng dân, trước hết phải yêu dân, phải đặt quyền lợi của dân trên hết thảy, phải có một tinh thần chí công vô tư”.

Quay trở lại câu chuyện đăng kiểm, từ gần 20 năm nay, dư luận, các chuyện gia và một số cơ quan chức năng đã có nhiều ý kiến, đóng góp xây dựng gửi tới ngành đăng kiểm là “phải thay đổi” cho phù hợp với thời đại mới nhưng “đâu vẫn hoàn đấy”, một lĩnh vực được coi như “bất khả xâm phạm” của Bộ Giao thông vận tải từ bấy lâu nay luôn tìm lí do để “chậm thay đổi”. Cho đến khi, Bộ Công an quyết tâm vào cuộc để làm rõ những góc khuất trong ngành đăng kiểm và bắt giữ, tạm giam hàng trăm bị can, đóng cửa hàng chục trung tâm đăng kiểm trên khắp cả nước thì Bộ Giao giông vận tải mới có những biến chuyển “vì dân” nhiều hơn.

dang-kiem-1681185855.jpg
Nhiều ý kiến góp ý trong gần 20 năm nay trong công tác đăng kiểm nhưng "đâu vẫn hoàn đấy".

Theo đó, ngày 22/3/2023, Bộ trưởng Bộ GTVT đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-BGTVT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-BGTVT về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ dù có phần chậm trễ khi mà hậu quả trước đó là hết sức nghiêm trọng, nhưng xét cho cùng trong cơn khủng hoảng đăng kiểm hiện nay là cấp thiết. Đó thực sự là bước đột phá, gỡ khó cho ngành đăng kiểm trước vô vàn khó khăn; cũng là gỡ khó cho dân với việc hàng triệu người được hưởng lợi.

Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được giãn chu kỳ kiểm định sau khi sửa đổi, bổ sung Thông tư 16 vào khoảng 3.073.629 xe. Riêng số ô tô mới năm 2022, khoảng 455.000 xe; năm 2023, có khoảng 500.000 xe mới được miễn kiểm định lần đầu. Đó là con số cực lớn, đặc biệt ý nghĩa khi mà hoạt động đăng kiểm suốt thời gian qua trục trặc, ùn ứ số xe phải đăng kiểm, khiến các chủ xe bất an. Việc thông thoáng thủ tục về lâu dài còn hạn chế được tiêu cực, chặn nạn vòi vĩnh, đòi lót tay, bôi trơn… khi mà tính đến thời điểm này đã khiến hơn 400 cán bộ, nhân viên đăng kiểm bị bắt tạm giam, hoặc cho tại ngoại điều tra.

Chấn chỉnh đạo đức công vụ

Thực tế, việc hơn 400 lãnh đạo, đăng kiểm viên bị khởi tố và bắt tạm giam, đã gây ra tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự, không đáp ứng được nhu cầu của các phương tiện hết hạn đăng kiểm chỉ là một phần của hoạt động đăng kiểm nhìn rộng ra đó là câu chuyện vi phạm đạo đức công vụ nghiêm trọng của một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý. Chưa khi nào vấn đề chất lượng, ý thức, trách nhiệm, đạo đức của cán bộ, công chức lại được nhắc tới nhiều như trong giai đoạn này. Trong nhiều lý do, có sự chưa quyết liệt của người đứng đầu các cấp, ngành chức năng và sự thể hiện thái độ của người dân đối với đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Nếu điểm lại, có thể thấy, những vụ việc liên quan đến sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức xuất hiện thời gian qua ở hầu hết các lĩnh vực như: Đất đai, xây dựng, hải quan, công an, kiểm lâm, thuế vụ, giáo dục, y tế, giao thông... 

Trong thực tế cũng có không ít địa phương, không ít ngành ban hành văn bản, chỉ thị hoặc đưa ra những nội quy, quy định nhằm chấn chỉnh, quy chuẩn lại đội ngũ, nhưng vì thiếu kiểm tra, giám sát, thiếu quyết liệt và xử lý vi phạm theo kiểu “nửa vời" nên sự “xộc xệch” của cán bộ, công chức “đâu lại hoàn đấy". Việc làm này đã tạo ra tiền lệ xấu trong đội ngũ cán bộ công chức, làm giảm uy tín người lãnh đạo và giảm tính nghiêm minh của pháp luật trước các vi phạm, sai phạm của cán bộ, công chức.

Để hướng tới mục tiêu xây dựng nền hành chính hiện đại, vì dân cần có sự thống nhất trong cách thức đề cập, xử lý; cần có những việc làm mang tính tổng thể, hiệu quả rõ rệt. Không chỉ riêng một Bộ ngành, tỉnh thành nào, quyết tâm hành động của lãnh đạo một số địa phương khác thời gian qua cũng chạm đến một vấn đề đang được dư luận xã hội quan tâm và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân.

Quan trọng hơn, căn cơ là cần có sự thống nhất trong các biện pháp, giải pháp thực hiện; xây dựng ý thức trách nhiệm trước nhiệm vụ, trước nhân dân cho đội ngũ cán bộ, công chức; lấy hiệu quả công việc làm thước đo năng lực, phẩm chất của cán bộ, công chức. Đó là "đạo đức công vụ” mà mỗi cán bộ, công chức cần phải có trong một nền hành chính phục vụ nhân dân - nền hành chính vì dân!

Với yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế, đã đến lúc việc thực hiện “cam kết phục vụ xã hội, phục vụ cộng đồng” của các cơ quan công quyền phải đặt thành “chế độ”, được quy định bằng một văn bản có giá trị pháp lý cao hoặc được luật hoá.

Không để luật “lỗi nhịp” với cuộc sống

Từ câu chuyện của ngành đăng kiểm thời gian qua, đã “phát lộ” những điểm nghẽn trong quá trình xây dựng các văn bản chính sách được ban hành trước đó. Khi những văn bản, chính sách không phù hợp và không kịp thời điều chỉnh sẽ rất dễ xói mòn niềm tin của người dân vào hệ thống pháp luật. Mệnh đề này hoàn toàn có cơ sở, bởi trong đời sống xã hội, pháp luật có vai trò đặc biệt quan trọng, vừa là công cụ quản lý Nhà nước hữu hiệu, vừa tạo hành lang pháp lý an toàn, tin cậy, thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

dang-kiem-1-1681186033.jpeg
Thực thi pháp luật nghiêm ngặt tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế đất nước.

Trong khi đó, ở các nhiệm kỳ, Chính phủ tiếp tục ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức thi hành pháp luật. Chú trọng việc đề xuất xây dựng, trình các dự án Luật để kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013… Chính phủ quán triệt sâu sắc các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ để xảy ra tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ phải coi việc rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật thuộc ngành, lĩnh vực được phân công là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; kịp thời phát hiện và xử lý các quy định trái pháp luật, không còn phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.

Chỉ đạo đã có, quyết tâm của Chính phủ đã rõ, thế nhưng, thực tiễn, thời gian qua, hiện tượng “gói ghém, ẩn náu” lợi ích cục bộ của một bộ phận cán bộ, đơn vị vào trong thủ tục hành chính, dẫn tới tình trạng xin - cho, vì thế có dự thảo văn bản pháp luật phải trả đi, trả lại nhiều lần. Có tình trạng văn bản mới ban hành đã cần sửa đổi, thậm chí, văn bản được ban hành có dấu hiệu trái luật, trái thẩm quyền, có nội dung sai nghiêm trọng. Thủ tục hành chính còn tình trạng “cắt giấy phép mẹ, đẻ giấy phép con”, chi phí không chính thức... thủ tục trói buộc kiểu “không quản được thì trói, không quản được thì buộc”.

Trong 5 năm gần đây (2017-2021), Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp đã tổ chức kiểm tra được 25.670 văn bản. Trong đó, có 2.882 văn bản cấp bộ và 22.788 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành. Kết quả thống kê cho thấy, qua kiểm tra đã phát hiện 554 văn bản (chiếm khoảng 2,15%) trong tổng số văn bản nêu trên có dấu hiệu trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền. Trong số đó, có 80 văn bản cấp bộ ban hành và 474 văn bản do chính quyền địa phương cấp tỉnh ban hành.

Trên thực tế, nhiều trường hợp luật quy định một đằng, các cơ quan thực thi lại hướng dẫn một kiểu dẫn đến việc người dân hay doanh nghiệp hoang mang không biết phải tuân thủ theo luật hay theo các cơ quan thực thi. Chính điều này đã dẫn đến việc vi phạm pháp luật mà bản thân người dân, doanh nghiệp cũng không mong muốn.

Ngoài ra, còn nhiều nguyên nhân như luật không được phổ cập, tuyên truyền rộng rãi đến người dân để người dân nắm được luật, luật chồng chéo hay mỗi nơi mỗi khác dẫn đến không biết áp dụng thế nào, luật dù quá nhiều quá dày nhưng cũng không bao trùm hết được thực tế, người dân còn thiếu ý thức tôn trọng và tuân thủ pháp luật… cũng dẫn đến tình trạng luật pháp “xa rời” cuộc sống.

Nhiều trường hợp "đánh trống bỏ dùi", làm cho có, thực thi không nghiêm minh, thiếu công bằng, đã dẫn đến tình trạng “nhờn” luật. Bệnh “nhờn” luật có thể trở thành nan y nếu không chữa kịp thời quyết liệt bằng chính sức mạnh của pháp luật được trao vào tay những người đủ sức mạnh để sử dụng sức mạnh đó. Còn dễ dãi, xuê xoa, thỏa hiệp, không dám kỷ luật một ai, lo ngại không có người làm việc… thì “nhờn” luật là tất yếu.

Đã đến lúc phải thực thi pháp luật trên mọi lĩnh vực thật nghiêm. Không ai có thể né luật, lách luật, làm méo mó kỷ cương phép nước. Không có vùng cấm, “bầu trời riêng” cho bất cứ ai. Đó chính là thông điệp để đất nước đi vào kỷ cương nhất nhất mọi người phải tuân thủ./.

Vô Ngã