Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu: Xuất nhập khẩu phát triển bền vững với cơ cấu cân đối, hài hoà, phát huy lợi thế cạnh tranh, lợi thế so sánh, phát triển thương hiệu hàng hoá Việt Nam, nâng cao vị thế quốc gia trong chuỗi giá trị toàn cầu, là động lực của tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 6 - 7%/năm trong thời kỳ 2021 - 2030, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quân 8 - 9%/năm; giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng bình quân 5 - 6%/năm.
Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến, chế tạo xuất khẩu lên 88% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 90% vào năm 2030; trong đó, tỷ trọng xuất khẩu hàng công nghệ trung bình và cao đạt khoảng 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030.
Tăng tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Âu lên 16-17% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 18 - 19% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 32 - 33% tổng kim ngạch xuất khẩu vào năm 2025 và 33 - 34% vào năm 2030; tỷ trọng thị trường xuất khẩu khu vực châu Á vào khoảng 49 - 50% vào năm 2025 và 46 - 47% vào năm 2030.
Tăng tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Âu lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; khu vực châu Mỹ lên 8 - 9% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 10 - 11% vào năm 2030; giảm tỷ trọng thị trường nhập khẩu từ khu vực châu Á xuống khoảng 78% tổng kim ngạch nhập khẩu vào năm 2025 và 75% vào năm 2030.
Về định hướng xuất khẩu hàng hoá giai đoạn 2021 - 2025: Nâng cao tỷ lệ chế biến các sản phẩm nông sản, thủy sản chủ lực có lợi thế sản xuất, xuất khẩu, kết hợp với xây dựng và phát triển thương hiệu đặc trưng nông sản Việt; nâng cao giá trị gia tăng cho những mặt hàng thâm dụng lao động và có tính cạnh tranh cao như dệt may, da giày, điện tử, các sản phẩm công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình.
Giai đoạn 2026 - 2030: Phát triển các mặt hàng mới có giá trị gia tăng cao, hàng nông sản, thủy sản chế biến sâu; hàng công nghiệp chế tạo công nghệ trung bình và công nghệ cao, ứng dụng thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ.
Nguồn kinh phí thực hiện Chiến lược được bố trí từ các nguồn: ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, tài trợ, viện trợ và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật; trong đó nguồn ngân sách nhà nước mang tính hỗ trợ một phần theo khả năng cân đối.
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 do bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức triển khai thực hiện Chiến lược; định kỳ 5 năm tổ chức đánh giá việc thực hiện Chiến lược; đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh mục tiêu, nội dung Chiến lược trong trường hợp cần thiết.