*Chủ động từ nội lực
Không nằm ngoài vòng xoáy trên, Công ty TNHH Sản xuất cơ điện và Thương mại Phương Linh - một doanh nghiệp xuất khẩu hàng công nghiệp xác định dịch COVID-19 chính là phép thử với doanh nghiệp, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội.
"Dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch tốt, dự phòng tốt và có giải pháp giảm tải rủi ro để tồn tại, tăng trưởng", ông Trần Văn Lê, Tổng Giám đốc của Phương Linh, người được mệnh danh là Vua quạt đất Bắc, chia sẻ.
Ông Lê cho biết, để vượt qua năm 2021 đầy khó khăn, Phương Linh không chỉ chuẩn bị sẵn sàng nguồn hàng theo kế hoạch dự phòng mà còn tìm cách tiết giảm tối đa chi phí vận hành, ứng dụng công nghệ số giúp tăng năng suất lao động nhằm bù đắp, cân đối với hàng loạt các chi phí tăng cao, tránh đội giá sản phẩm.
"Trong hoạt động của doanh nghiệp, dòng tiền "ra" nhiều hơn "vào" là một bất cập. Do đó, doanh nghiệp phải làm sao để cân đối được dòng tiền, cắt giảm những chi phí không cần thiết", ông Trần Văn Lê nói.
Đây không chỉ là câu chuyện của riêng Phương Linh hay bất cứ một doanh nghiệp nào. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, trong bối cảnh dịch bệnh, chủ động phát huy nội lực doanh nghiệp là một trong những yếu tố sống còn. Doanh nghiệp buộc phải tìm cách cắt giảm chi phí, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng dịch vừa duy trì sản xuất.
"Tuy nhiên, doanh nghiệp không đơn độc mà nằm trong cả nền kinh tế, chúng ta cần phải tận dụng các mắt xích trong nền kinh tế như mối quan hệ với đối tác cung cấp nguyên liệu, khách hàng mua sản phẩm, các trung gian hỗ trợ như ngân hàng, tổ chức tài chính... để kết nối, tìm ra giải pháp phù hợp nhất với từng doanh nghiệp. Ngoài ra, tận dụng tổng lực nguồn hỗ trợ từ chính sách của Nhà nước trong việc miễn, giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng, cơ cấu nợ và gói kích thích kinh tế lớn... sẽ giúp doanh nghiệp đứng vững trong đại dịch", ông Ánh nhận định.
Thực tế tại Phương Linh, doanh nghiệp đến nay vẫn không phải cơ cấu lại nợ, điều tiết dòng tiền thu về ổn định hơn. Ông Lê cho biết, bản thân doanh nghiệp để sống sót qua đại dịch phải kết nối để làm sao đối tác hiểu và chia sẻ những khó khăn cùng với doanh nghiệp. Trong mối quan hệ với nhà cung cấp, nếu họ đồng hành, chia sẻ thì doanh nghiệp sẽ được giãn nợ thanh toán, hoặc đồng ý tạm ứng trước; hay trong quan hệ với ngân hàng, doanh nghiệp có thể được cơ cấu nợ, giảm lãi vay...
"Vua quạt đất Bắc" nhấn mạnh, người chủ doanh nghiệp cần phải cân đối được dòng tiền, làm sao để bù đắp được khoản thiếu hụt, cắt thẳng tay những chi phí không cần thiết nhưng vấn phải ưu tiên việc lương của người lao động, lãi ngân hàng đến hạn phải trả...
*Trợ lực để bứt tốc
Sau thời gian dài chịu tác động của dịch COVID-19, sức khỏe tài chính của doanh nghiệp nói chung và nhất là doanh nghiệp xuất nhập khẩu đều hạn chế. Khả năng tích trữ vốn của doanh nghiệp Việt chưa cao nên việc vòng vốn bị kéo dài đã ngay lập tức ảnh hưởng đến nhu cầu vốn của doanh nghiệp. Trong khi đó, việc tiếp cận nguồn vốn vay mới lại không dễ dàng do nhiều tiêu chí khắt khe về kết quả kinh doanh và quan trọng là doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp.
Đứng dưới góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Trọng Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Kênh phân phối và bán hàng - Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), chia sẻ về hướng đi khác biệt của ngân hàng này, đó là tài trợ thương mại dựa trên đơn hàng xuất nhập khẩu.
Theo đó, MSB cấp hạn mức tín chấp tới 200 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ; trong đó, hạn mức vay tối đa đến 100 tỷ đồng. Lãi suất cho vay bằng đồng USD từ 2,5%/năm, còn vay bằng VND là từ 5,5%/năm.
Đặc biệt, MSB cấp tín dụng tín chấp tiếp cận ban đầu cho khách hàng khi mới đến giao dịch lên đến 5 tỷ đồng, tùy theo quy mô đơn vị; bao gồm hạn mức tới 500 triệu đồng cho thẻ tín dụng doanh nghiệp, 2 tỷ đồng cho thấu chi doanh nghiệp cùng nhiều hình thức tín dụng khác.
"Năm qua, doanh số phát hành thư tín dụng (L/C) tại MSB tăng hơn 200%, doanh số giao dịch ngoại tệ tăng 150% so với cùng kỳ 2020. MSB thuộc top 3 ngân hàng có giao dịch ngoại tệ lớn nhất thị trường", ông Tĩnh dẫn một vài chỉ số phản ánh tín hiệu sáng trong lĩnh vực xuất khẩu thông qua giao dịch ngân hàng.
Bên cạnh nguồn lực về tài chính, chuyên gia Vũ Đình Ánh còn cho rằng các hiệp định thương mại tự do (FTA) cũng đang mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp bứt tốc. Theo đó, các FTA có hiệu lực sẽ thúc đẩy giao thương quốc tế, thúc đẩy các dịch vụ hỗ trợ cũng phát triển theo, không chỉ tạo thuận lợi mà còn giúp doanh nghiệp kéo giảm được chi phí. "Đây là "cú huých" cho xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp cần tận dụng để vươn xa hơn", ông Ánh lạc quan.
Cùng trong dòng chảy hội nhập, xu hướng xúc tiến thương mại trực tuyến và xuất khẩu xuyên biên giới qua sàn thương mại điện tử cũng là giải pháp lý tưởng mà doanh nghiệp có thể tận dụng.
Tuy vậy, để đưa hàng hóa Việt Nam xuất khẩu thành công trên các kênh thương mại điện tử quy mô toàn cầu, doanh nghiệp cần nắm vững các quy định về chất lượng, tiêu chuẩn hàng hoá, quy định liên quan tới nhập khẩu và pháp lý của thị trường nước nhập khẩu, đảm bảo hàng hóa đủ chứng từ, chứng nhận phù hợp với yêu cầu.
Đồng thời, nhà bán hàng phải hiểu rõ quy trình vận hành logistics, cách thức bảo quản hàng hóa hiệu quả và tính toán được phương án vận chuyển tối ưu nhất, chi phí thấp nhất để hàng hóa có giá bán cạnh tranh tại thị trường quốc gia nhập khẩu.
Có thể thấy, tín hiệu tích cực của thị trường đi kèm với những trợ lực tài chính, chính sách, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có thể kì vọng vào sự tăng trưởng tốt và sẵn sàng bứt tốc trong thời gian tới./.