Phát triển du lịch nông thôn gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP

Với lợi thế là địa phương có nhiều sản vật nổi tiếng, đặc biệt là hoa, trái cây, thủy sản... cùng với các giá trị về lịch sử, văn hóa bản địa, ẩm thực đặc trưng, tỉnh Đồng Tháp đang triển khai nhiều giải pháp nhằm liên kết phát triển du lịch nông thôn gắn với quảng bá, tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Qua 4 năm triển khai Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đến nay, toàn tỉnh Đồng Tháp có 356 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 4 sao (81 sản phẩm đạt 4 sao và 275 sản phẩm đạt 3 sao) và 1 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao, hiện có 3 sản phẩm OCOP tiềm năng đã hoàn thiện thủ tục, hồ sơ đề nghị Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia xét công nhận sản phẩm OCOP đạt hạng 5 sao. Việc phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP được tỉnh Đồng Tháp đặc biệt quan tâm và đang từng bước hỗ trợ các địa phương xây dựng các điểm du lịch cộng đồng đạt tiêu chuẩn OCOP.

Theo đó, phát huy thế mạnh của sen, tại huyện Tháp Mười, nhiều hộ dân đang khai thác loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn tại Khu Đồng Sen với các dịch vụ như: bơi xuồng ngắm cảnh đồng sen, chụp ảnh lưu niệm, câu cá giải trí, thưởng thức đờn ca tài tử, ẩm thực đồng quê với nhiều món ăn được chế biến từ sen và mua sắm các sản phẩm được chế tác từ sen... Trung bình một tháng, các điểm tham quan ở Khu Đồng Sen tổ chức đón tiếp và phục vụ trên 10.000 lượt khách.

hoa-sen-1690874420.jpg
Tại huyện Tháp Mười, các mô hình du lịch được gắn với khai thác giá trị từ sen như chế biến, mua sắm các sản phẩm từ sen.

Đối với phía Nam sông Tiền, Lai Vung cũng là một điểm sáng về sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch. Với lợi thế trái cây đặc sản nổi tiếng khắp cả nước, đến Lai Vung vào mùa quýt hồng, du khách không chỉ được hít thở không khí trong lành tươi mát, mà còn có thể tự tay hái trái, thưởng thức trái quýt đặc sản vừa hái và các sản phẩm chế biến từ quýt như nước quýt, mứt vỏ quýt các loại,.. Từ năm 2016 - 2021, các điểm tham quan nơi đây đã đón tiếp và phục vụ 189.000 lượt khách; tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 60 tỷ đồng.

Vùng trồng hoa kiểng Sa Đéc (thành phố Sa Đéc) đã phát triển 18 điểm tham quan, trải nghiệm du lịch nông nghiệp; trong đó có 12 điểm đang khai thác hiệu quả Đây là các điểm đến hấp dẫn, thu hút du khách mọi miền đất nước và bạn bè quốc tế đến tham quan và thưởng ngoạn. Đến đây, du khách còn được nghe các nghệ nhân, tình nguyện viên giới thiệu đặc điểm, xuất xứ, ý nghĩa và giá trị tinh thần, kinh tế của từng loại hoa kiểng. Năm 2016 - 2022, các điểm tham quan trên địa bàn thành phố Sa Đéc đã đón và phục vụ hơn 3,6 triệu lượt khách; trong đó có 150.000 khách du lịch quốc tế, doanh thu trên 115 tỷ đồng.

quyt-1690874480.jpg
Du lịch tại vườn quýt Lai Vung thu hút đông đảo du khách.

Đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 65 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề được thành lập, đi vào hoạt động. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân. Mặc dù phát triển du lịch nông nghiệp đang là xu thế và khách du lịch tìm đến các sản phẩm du lịch này ngày một tăng nhưng ban đầu du lịch nông nghiệp tại Đồng Tháp còn mang tính tự phát, hiệu quả chưa tương xứng.

Để phát triển du lịch nông nghiệp và giúp nông dân làm du lịch chuyên nghiệp hơn nữa, thời gian tới, tỉnh Đông Tháp cần định hướng đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP; kết nối và xây dựng các tour, tuyến du lịch nông thôn, phát triển hệ thống sản phẩm có tính liên kết cao (như: sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với sản phẩm OCOP kết hợp trải nghiệm làng nghề; du lịch văn hóa lịch sử kết hợp lễ hội, du lịch ẩm thực Sen).

Bên cạnh đó, địa phương này cần phát triển tuyến du lịch đường sông kết nối tour, tuyến các điểm du lịch sinh thái nông nghiệp; tăng cường năng lực quản lý các điểm du lịch nông nghiệp tại nông hộ một cách đồng bộ, chuyên nghiệp, hiệu quả nhằm thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho cộng đồng …

Trong bối cảnh ngành du lịch nước ta đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ phục hồi, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững và đi vào chiều sâu, việc phát huy thế mạnh từ tài nguyên là các sản phẩm OCOP, sẽ tạo ra không gian phát triển mới với sự gắn kết hiệu quả hơn. Qua đó, gia tăng giá trị, nâng cao sức cạnh tranh cho cả sản phẩm OCOP và điểm đến du lịch.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, mỗi địa phương trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, trong xây dựng, phát triển các sản phẩm OCOP, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch nông thôn cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn, không chỉ về chất lượng, mẫu mã mà còn cần kể những câu chuyện riêng liên quan đến từng sản phẩm, thông tin nhiều hơn về giá trị của nguồn nguyên liệu tại địa phương, cách thức sản xuất, chế biến riêng biệt. Có như vậy mới tránh được sự trùng lặp, mới tạo được giá trị gia tăng nhiều hơn.

Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn. Theo đó, góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền.

Theo Báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), tính đến ngày 30/6/2023, có 63/63 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương đã xây dựng và ban hành Đề án/Kế hoạch triển khai Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Các địa phương đã khai thác được tiềm năng, thế mạnh để phát triển sản phẩm OCOP, điển hình như: vùng Đồng bằng sông Hồng, chiếm 31,36% tổng sản phẩm OCOP cả nước; vùng miền núi phía Bắc, chiếm 19,8% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 18,4%.

Trên cơ sở những kết quả đạt được của Chương trình OCOP; căn cứ Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 01/8/2022 và Quyết định số 922/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng kế hoạch triển khai 02 Chương trình này. Theo đó, với Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025, Bộ triển khai trình OCOP linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; phát triển thị trường…. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.

Đối với Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, Bộ sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai Chương trình. Tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường; sử dụng nguyên liệu và lao động tại chỗ; huy động sự tham gia của phụ nữ, người nghèo, người dân tộc thiểu số, người yếu thế để nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn…